Định hướng về công tác cán bộ giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cao năng lực, kiện toàn bộ máy

HÀN GIANG 29/06/2016 08:22

Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về công tác cán bộ giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 04) ra đời đã được các cấp, ngành tập trung triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Nhờ đó, công tác cán bộ của tỉnh đã đạt được kết quả khá toàn diện, đồng bộ ở các khâu, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 04, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở tăng cả về số lượng và chất lượng; năng lực lãnh đạo, quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên. Đa số cán bộ, công chức, viên chức thể hiện được sự năng động, sáng tạo trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Ban điều hành Đề án 500 tổ chức sát hạch lựa chọn ứng cử viên khóa IV - năm 2015.
Ban điều hành Đề án 500 tổ chức sát hạch lựa chọn ứng cử viên khóa IV - năm 2015.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói, nhờ tập trung làm tốt công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết 04 nên chất lượng của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được nâng lên một bước đáng kể. Nhiều chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra được thực hiện đạt và vượt kế hoạch, khắc phục được tình trạng hụt hẫng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Kết quả này được thể hiện rõ nhất qua chất lượng nhân sự tham gia cấp ủy ở kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa qua. Chất lượng nhân sự giới thiệu tham gia vào cơ quan dân cử các cấp được nâng cao cũng đã góp phần quan trọng vào thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đặc biệt, kết quả này cũng thể hiện rõ qua việc kiện toàn các chức danh chủ chốt trong bộ máy HĐND tỉnh, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối.

Nhận diện hạn chế

Tổ chức bộ máy cho thật tinh gọn, hiệu quả
Những kết quả đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04 về công tác cán bộ là hết sức quan trọng, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ 2010 - 2015. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cán bộ của tỉnh vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế và cần có những chủ trương, giải pháp mới, mạnh hơn, sát với thực tiễn của tỉnh nhằm khắc phục. Luật Tổ chức chính quyền địa phương đặt ra yêu cầu là phải tổ chức lại bộ máy chính quyền cho thật tinh gọn, hiệu quả. Như vậy, bàn về công tác cán bộ mà không gắn với tinh thần này sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Theo đó, yêu cầu đặt ra ngay từ bây giờ là chúng ta cần phải chăm lo tuyển dụng “đầu vào” và gắn với định hướng về “đầu ra”, đặc biệt chú trọng đến chất lượng, hiệu quả của từng khâu trong công tác cán bộ...”.
(Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang)

Dù đạt được nhiều kết quả, theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04 vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm cần được khắc phục. Trong đó, khâu đánh giá, nhận xét là khâu quan trọng nhất của công tác cán bộ, nhưng việc thực hiện công tác này ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn tình trạng nể nang, xuê xoa, né tránh, ngại va chạm. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy; chưa có hệ thống tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ theo từng chức danh nên việc đánh giá còn chung chung, chưa phản ánh đúng, sát với thực tế. Công tác quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số nơi thiếu tính chiến lược, tính khả thi không cao; cơ cấu 3 độ tuổi trong quy hoạch có nơi chưa đảm bảo theo yêu cầu; tỷ lệ cán bộ nữ trúng cử cấp ủy, HĐND các cấp, tham gia công tác lãnh đạo, quản lý còn hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng có mặt chưa tốt; một số nơi thiếu lộ trình cụ thể; đào tạo sau đại học đạt thấp, chất lượng đào tạo chưa cao, còn mang tính tự phát, chưa gắn với quy hoạch, hiệu quả sử dụng sau đào tạo không cao. Ngoài ra, việc tổ chức thi tuyển công chức, viên chức chậm nên gây khó khăn trong việc bố trí cán bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; chưa tuyển dụng được người thực sự có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; việc tuyển dụng công chức cấp xã chưa đảm bảo.

“Công tác luân chuyển cán bộ một số nơi chưa gắn với quy hoạch, chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể cho công tác luân chuyển nên việc sắp xếp, bố trí cán bộ sau luân chuyển ở một số địa phương còn lúng túng. Chưa có tiêu chí cụ thể về việc đánh giá cán bộ trong thời gian luân chuyển và sau luân chuyển nên hiệu quả, chất lượng của công tác luân chuyển cán bộ chưa cao. Năng lực công tác của một bộ phận cán bộ, nhất là ở cơ sở còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra” - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói.

Nâng cao chất lượng, kiện toàn bộ máy

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 04, đội ngũ cán bộ cấp xã của tỉnh có trình độ đại học trở lên đạt 55,83%, tăng 28,37% so với trước khi có nghị quyết; trong đó, đội ngũ cán bộ các xã thuộc huyện đồng bằng có trình độ đại học chuyên môn trở lên đạt 67,3% (nghị quyết đề ra 60%), các xã thuộc huyện miền núi đạt 39,5% (mục tiêu nghị quyết 30%). Đội ngũ cán bộ cấp huyện có trình độ sau đại học đạt 9,68% (mục tiêu nghị quyết 5%). Đội ngũ giám đốc, phó giám đốc các sở, ban ngành và tương đương của tỉnh có trình độ sau đại học đạt 35,1% (mục tiêu nghị quyết 25%).

Từ thực trạng công tác cán bộ của tỉnh sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04, trong thời gian đến, Quảng Nam xác định sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho hay, tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ IV (dự kiến tổ chức ngày mai 30.6), Tỉnh ủy sẽ cho ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết về công tác cán bộ của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Mục tiêu mà dự thảo nghị quyết lần này đề ra là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phải gắn liền với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách hành chính. Đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu quả, hiệu lực, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự có tâm, có tầm gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Quyết tâm chung nhất của tỉnh là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý, vững vàng về chính trị, thật sự có tâm, có tầm và tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt các khâu trong công tác cán bộ trên cơ sở bảo đảm thật sự dân chủ, công khai, minh bạch. Chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học và công nghệ. Đặc biệt, gắn xây dựng đội ngũ cán bộ với yêu cầu cải cách hành chính và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị” - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Đến năm 2020 hoàn thành tinh giản biên chế tối thiểu 10% tổng biên chế; phấn đấu có cán bộ nữ được luân chuyển đạt ít nhất 1/3 trong tổng số cán bộ được luân chuyển trong nhiệm kỳ.
Đối với cán bộ cấp xã thuộc khu vực đồng bằng, có 100% trình độ trung cấp lý luận chính trị; 90% trở lên có trình độ chuyên môn đại học, trong đó 100% bí thư, phó bí thư, chủ tịch - phó chủ tịch HĐND, chủ tịch - phó chủ tịch UBND xã có trình độ chuyên môn đại học trở lên. Đối với cán bộ cấp xã thuộc khu vực miền núi, phấn đấu 80% trở lên có trình độ trung cấp lý luận chính trị; 60% trở lên có trình độ chuyên môn đại học (trong đó 100% bí thư - phó bí thư, chủ tịch - phó chủ tịch HĐND, chủ tịch - phó chủ tịch UBND xã có trình độ trung cấp chính trị, 70% có trình độ chuyên môn đại học trở lên).
Đối với cấp huyện và tương đương, cấp ủy phải có trình độ đại học chuyên môn trở lên và cao cấp lý luận chính trị; phấn đấu 10% trở lên cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học.
Ở cấp tỉnh, các chức danh giám đốc - phó giám đốc sở và tương đương trở lên yêu cầu phải có trình độ đại học chuyên môn và cao cấp lý luận chính trị; phấn đấu cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học từ 15% trở lên.
Định hướng đến năm 2025, cấp xã phấn đấu 100% cán bộ, công chức có trình độ đại học chuyên môn và trung cấp lý luận chính trị trở lên; cấp huyện phấn đấu 25% trở lên cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đào tạo sau đại học; cấp tỉnh có 30% trở lên cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đào tạo sau đại học.
(Theo mục tiêu dự thảo Nghị quyết về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025)

HÀN GIANG

HÀN GIANG