Đừng làm khách trọ trong nhà
(QNO) - Khi chúng tôi làm một cuộc khảo sát bỏ túi với khoảng 10 cặp vợ chồng trẻ, ở độ tuổi từ 25 – 30, rằng họ dành bao nhiêu thời gian để chuyện trò và chia sẻ những mối quan tâm cùng nhau? Hơn một nửa trong số này trả lời, quỹ thời gian của họ khá “eo hẹp”, sáng 7 giờ ra khỏi nhà, tính cả những cuộc gặp mặt bạn bè sau giờ tan tầm, thì phải đến 21 giờ tối mới về đến nhà. Nên chỉ có ngày cuối tuần mới dành trọn thời gian cho nhau. Nếp sinh hoạt này thường thấy ở những cặp mà cả vợ lẫn chồng đều là công chức nhà nước. Mới đây, có một số liệu công bố, rằng người Việt dành khoảng 2.5 giờ đồng hồ mỗi ngày để lên Facebook. Và “độ tuổi thanh xuân” thể hiện gì trên mạng xã hội này? Đa số vẫn là những câu chuyện gia đình, những mối quan tâm xung quanh cuộc sống của mình. Cả vợ lẫn chồng đều sử dụng mạng xã hội. Những chia sẻ “face to face” – bằng cảm xúc khi trực diện, dần rút ngắn. Và những mối quan tâm cũng dần bày biện bằng phương thức của đám đông.
“Hôn nhân bản chất là sự chia sẻ và nương tựa, khoảng tự do cá nhân càng rộng, mối ràng buộc càng lỏng, thì vợ chồng khác nào khách trọ trong nhà của nhau”. Nhưng càng ngày, những thiết bị thông minh càng kéo giãn khoảng tự do của mỗi người. Dĩ nhiên, khoảng cách giữa những người thân thuộc cũng bị một bức tường dẫu không nhìn thấy, ngăn ra. Ấy là khi cùng nằm trên giường nhưng lại quay lưng nhìn vào điện thoại. Bữa cơm cũng chóng được rút ngắn vì những bận bịu trả lời “còm”. Thời gian chơi với con cái đã thay bằng cách quẳng cho chúng một cái ipad. Mà cách này xem chừng tụi nhỏ lại ưa hơn là chơi với ba mẹ những trò tay chân. Mỗi cuối tuần cũng sẽ trôi nhanh bởi những cuộc gặp gỡ đông đúc, chứ không phải là khoảng lặng để dành cho vợ chồng san sẻ những buồn lo trong tuần gặp phải. Bởi muộn phiền đã có “anh face” chia sẻ. Có lẽ tôi đã khá cực đoan. Nhưng xem chừng quan niệm hạnh phúc gia đình của người trẻ hiện nay gắn với bánh mỳ nhiều hơn hoa hồng, gắn với đông đúc ồn ào hơn sự tĩnh lặng để cảm nhận nhau.
Tôi vừa đọc một tạp văn, đại ý, đa số các ông chồng sung sức thường nghĩ rằng mang về cho vợ một cục tiền, ngoan ngoãn không vi phạm quy chuẩn đạo đức thông thường, nghĩa là đã hoàn thành sứ mệnh của một người chồng. Và cũng nhiều phụ nữ, nghĩ rằng, mỗi cuối tháng nhận lương của chồng, để chăm sóc gia đình và chăm sóc bản thân, thỏa mãn những nhu cầu mua sắm, làm đẹp, nghỉ ngơi, là đã đủ để gọi nhau bằng một gia đình. Khi tiến đến hôn nhân, đa phần sau những ngày yêu đẹp như hoa hồng, thì người ta nghĩ đến bánh mỳ nhiều hơn. Không sai. Và với những gia đình trẻ, khi đang trong hành trình vật lộn để mơ tới những “thiên đường” – thì bánh mỳ cần gấp bội phần. Nhưng ít ai biết, mùi vị của bánh mỳ phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc. Khi chồng vợ đối diện nhau bằng sự vô cảm, những mối quan tâm tràn ngập chuyện thiên hạ, nặng nhọc mùi vật chất thì khi ấy, bạn có biết rằng hạnh phúc đang trở nên xa xỉ với cuộc đời mình?
Và ngày hôm qua ấy, tôi giật mình nghĩ về cuộc sống của mình. Có phải cũng như nhiều cặp vợ chồng trẻ khác, có quá nhiều bận bịu “ảo” đã chiếm lấy thời gian, suy nghĩ của mình, khiến mình phải chi phối mắt nhìn với người bên cạnh. Hay đúng hơn, vì mình đã quá giản đơn trong quan niệm hạnh phúc gia đình, khi nghĩ rằng chỉ cần một người phụ nữ giữ lửa, thì đã đủ ấm cho một căn nhà? Khi ấy, vô tình đã biến những người đàn ông trở thành khách trọ, mà bản thân họ đâu biết. Và lâu dần, gia đình trở thành một “nhà nghỉ”, chỉ để ngả lưng mỗi tối… Hạnh phúc khi ấy, có phải đã quá xa xôi?
THƯ QUÂN