Xây dựng gia đình văn hóa

LÊ MAI 28/06/2016 09:02

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp tục khẳng định “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”. Tất cả vấn đề nêu trên không phải là mới nhưng vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Mô hình chuẩn mực xây dựng gia đình văn hóa. Ảnh internet
Mô hình chuẩn mực xây dựng gia đình văn hóa. Ảnh internet

Quá trình phát triển của xã hội, nhất là từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đã hình thành tính hai mặt: tích cực và tiêu cực. Mặt tốt của nó là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc giao lưu và tiếp thu những tinh hoa văn hóa mới. Song, mặt khác nó chứa đựng nguy cơ phá vỡ một số giá trị văn hóa truyền thống đã được tích lũy và tạo nên bản sắc văn hóa riêng của dân tộc ta, như: sự biết ơn công lao của cha mẹ, tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”…
Chúng ta tiếp thu, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn mực trong gia đình như thế nào?

Xây dựng chuẩn mực

Trước đây, chuẩn mực của một gia đình chỉ cần hòa thuận, êm ấm, đoàn kết, con thảo, cháu hiền, thì ngày nay các chuẩn mực ấy phải thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội trong thời đại mới. Tức là một gia đình tốt phải hội đủ 4 yếu tố “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Trong đó, chuẩn mực gia đình “no ấm” là điều kiện hàng đầu. Người xưa có câu “có thực mới vực được đạo”. Gia đình no ấm là gia đình biết chăm chỉ cần cù lao động, biết chi tiêu đúng mức và tiết kiệm đảm bảo cuộc sống gia đình luôn đầy đủ nhu cầu ăn mặc, học hành, có nhà cửa, phương tiện sinh hoạt, vui chơi giải trí… Người xưa cũng còn nói: “Gia bần trí đoản” - nhà nghèo khổ quá thì không có điều kiện học hành để phát huy trí tuệ. Điều đó lại càng đúng trong xã hội ngày nay. Do vậy, việc nâng cao năng lực gia đình trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập là vấn đề cần được quan tâm.

Gia đình “tiến bộ” là chuẩn xây dựng gia đình hiện đại. Đó là gia đình lao động giỏi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất; mọi thành viên trong gia đình có lối sống lành mạnh, thực hiện nếp sống văn minh, biết tôn trọng và giữ gìn thuần phong mỹ tục của văn hóa gia đình Việt Nam. Mỗi thành viên có ý thức rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe, không sa vào tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật; tích cực học tập. Trẻ em trong độ tuổi được đi học, không bỏ học sớm; các thành viên trong gia đình trong độ tuổi sinh đẻ đều thực hiện kế hoạc hóa gia đình; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Mọi thành viên trong gia đình thực hiện tốt đường lối chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt quy ước cộng đồng dân cư.

Gia đình “hạnh phúc” chính là tổng hòa của các chuẩn mực khác đảm bảo một gia đình luôn êm ấm, vui vẻ và tiến bộ, giữ gìn quan hệ tình cảm giữa các thành viên, tình cảm chung thủy một vợ, một chồng, gìn giữ môi trường văn hóa sống trong sáng, lành mạnh, đầm ấm.

Văn minh là yêu cầu quan trọng của gia đình mới, nét đẹp văn minh trong một gia đình biểu hiện ở sự bình đẳng, mọi người thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, mọi thành viên đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau trong gia đình về học hành, lao động vui chơi, và đặc biệt trong ứng xử gia đình, tạo nên sự hòa đồng, thân ái giữa các thành viên. Đạt được “bình đẳng”, cho thấy sự phát triển cao về vật chất và tinh thần của gia đình.

Gắn kết phong trào, hành động

Xây dựng đạt các chuẩn mực văn hóa gia đình không những thể hiện tính bền vững của gia đình mà còn phản ánh sự phát triển của gia đình phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Các yếu tố luôn gắn kết chặt chẽ hữu cơ với nhau, hỗ trợ tác động lẫn nhau làm nên những tế bào xã hội tốt đẹp, vì một xã hội tốt đẹp. Phấn đấu xây dựng gia đình “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” là thiết thực thực hiện mục tiêu xây dựng con người mới, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đối với Quảng Nam, những năm qua, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, bản làng khu phố văn hóa cùng với cuộc vận động xây dựng gia đình đạt chuẩn văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc, nêu gương ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo; dâu thảo, rể hiền; nuôi con tốt, dạy con ngoan… được các cấp, ngành ở địa phương triển khai thực hiện và đạt được những kết quả khá tốt. Đến nay, toàn tỉnh có 331.211 hộ được công nhận gia đình văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có tác động toàn diện đến sự phát triển kinh tế - xã hội góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo bền vững. Phong trào xây dựng thôn - tổ dân phố văn hóa thật sự đi vào cuộc sống của người dân với tổng số 1.356/1.718 thôn - tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa.

Xây dựng gia đình văn hóa phải gắn kết với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020. Đồng thời tuyên truyền phổ biến các giá trị của văn hóa trong gia đình Việt Nam theo nội dung tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phát huy vai trò của gia đình, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam ngày càng hoàn thiện về nhân cách.

Để có một gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, vai trò nêu gương của ông bà, cha mẹ là vô cùng quan trọng, phải là tấm gương sáng từ tư duy, đạo đức, lời nói đến hành động. Mỗi gia đình phải xây dựng trên nền tảng của tình yêu thương và sự hy sinh, chia sẻ thực sự. Khi có tình yêu, có sự hy sinh, chia sẻ của các thành viên trong gia đình thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc sống, gia đình sẽ ngày càng bền chặt và hạnh phúc.

LÊ MAI

LÊ MAI