Xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ: Không lặp lại A Sờ
Gần 3 năm, dự án Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ (Nam Giang) vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và tập trung tháo gỡ những vướng mắc về đất lâm nghiệp.
Hạng mục xây dựng nhà làm việc của Ban quản lý dự án Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: TR.HỮU |
Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ nằm gần với địa điểm xây dựng trung tâm hành chính thị trấn Thạnh Mỹ mới, mặt bằng cao ráo, thông thoáng. Thời điểm này, công trình nhà làm việc của Ban quản lý dự án đã cơ bản đạt khối lượng hoàn thành và đang thi công các hạng mục san nền, đường nội bộ, hệ thống nước sinh hoạt, đấu nối hệ thống điện chiếu sáng. Khởi công cuối năm 2013, dự án đến cuối năm 2017 sẽ đưa vào sử dụng, nhưng theo quan sát, tuyến đường giao thông theo thiết kế là 2,2km chỉ mới được san ủi hơn một nửa, dở dang các hệ thống cống thoát nước. Đường lên làng cũng chỉ là lối đi nhỏ hẹp đủ cho xe máy lưu thông. Khu trung tâm của làng có diện tích rộng 20ha, dự kiến sẽ đưa từ 50 - 100 hộ vào sinh sống. Mỗi hộ sẽ được cấp khoảng 500m2 đất ở và 5ha đất sản xuất. Đất ngoài khu trung tâm theo thỏa thuận ban đầu rộng 2.053ha; tuy nhiên sau khi rà soát thì có 800ha thuộc đất rừng phòng hộ, đã bàn giao lại cho địa phương để thực hiện dự án khoanh nuôi phục hồi rừng. Hiện nay, chủ đầu tư dự án là Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Quảng Nam phối hợp với đơn vị tư vấn (Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam) đánh giá lại hiện trạng đất lâm nghiệp để làm các thủ tục thu hồi và cấp cho thanh niên. Tính đến thời điểm này, có hơn 300ha đất trống, đất dây leo bụi rậm đã được xác định, hoàn tất hồ sơ thủ tục giải thửa.
Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ là một trong 15 làng thanh niên lập nghiệp được Trung ương Đoàn đầu tư trong giai đoạn 2013 - 2020, nhằm thực hiện chương trình của Chính phủ về giãn dân trên đường Hồ Chí Minh. Tổng kinh phí thực hiện dự án 49 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn Trung ương 22 tỷ đồng, vốn địa phương 16 tỷ đồng, vốn khác 11 tỷ đồng). Thi công các hạng mục của dự án là Công ty CP Xây dựng Thanh niên xung phong Quảng Nam và Công ty CP Xây dựng - thương mại và dịch vụ Thanh niên xung phong Quảng Nam. Dự án khởi công cuối năm 2013 và sẽ hoàn thành năm 2017. |
Theo anh Đinh Nguyên Vũ - Bí thư Tỉnh đoàn, dự án sở dĩ mất nhiều thời gian vì phải đánh giá lại toàn bộ hiện trạng, rà soát lại hồ sơ đất đai để giải thửa. Chủ đầu tư phối hợp với các ngành chức năng của địa phương lập quy hoạch nông - lâm nghiệp; nghiên cứu từng loại cây trồng thích ứng với thổ nhưỡng, khí hậu tại đây. Rút kinh nghiệm, không lặp lại những sai lầm ở Làng Thanh niên lập nghiệp A Sờ (huyện Đông Giang) với hàng loạt thanh niên bỏ làng, thiếu đất hoặc bố trí đất sản xuất không phù hợp, dự án tại Nam Giang sẽ thận trọng trong từng bước đầu tư, quy chế tuyển thanh niên vào làng hết sức chặt chẽ. “Rút kinh nghiệm từ A Sờ, tại Thạnh Mỹ, chủ đầu tư sẽ phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng quy chế, lựa chọn tiêu chuẩn thanh niên là đồng bào dân tộc thiểu số vào làng kỹ càng. Thanh niên vào đây phải an cư lập nghiệp, không lặp lại vết xe đổ của làng A Sờ trước đây” - anh Vũ cho biết. Để sớm ổn định đời sống cho thanh niên, chủ đầu tư đang xin Trung ương Đoàn và ngân sách tỉnh bổ sung cơ chế hỗ trợ ban đầu về xây dựng nhà ở cho thanh niên.
Cũng theo anh Đinh Nguyên Vũ, các chính sách, nguồn lực đầu tư tại Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ rất hấp dẫn, vị trí lại nằm sát trung tâm thị trấn nên chắc chắn sẽ có nhiều đối tượng thanh niên đăng ký xin vào. Ban quản lý dự án của Tỉnh đoàn đang lấy ý kiến của các ngành, địa phương về quy chế tuyển dụng, đồng thời bảo đảm đất đai cho người dân có thể canh tác khi vào ở. Đối với diện tích đất đã rà soát, xác định hiện trạng rõ ràng sẽ giao lại cho thanh niên vào làng, chủ đầu tư chủ động mời ngành chuyên môn hỗ trợ, xúc tiến các mô hình phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp.
Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - Alăng Mai cho rằng, đây là dự án mang đậm vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong vấn đề lập thân, lập nghiệp, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới và bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Địa phương sẽ phối hợp với chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc để dự án đảm bảo tiến độ. Cản trở lớn nhất hiện nay là dự án gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư.
TRẦN HỮU