Minh bạch phí, thuế khoáng sản
Khai khoáng là ngành công nghiệp gây nhiều hệ lụy xấu đến môi trường xã hội nên cần phải thu phí, thuế tương xứng để bù đắp những mất mát do lĩnh vực này gây ra.
Hai Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn dây dưa nợ thuế hàng trăm tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp khai khoáng khác cũng bắt đầu “trở chứng” khi giấy phép khai thác sắp hết hạn. Vì sao có chuyện trên? Câu trả lời nằm ngay chính lỗ hổng quản trị tài nguyên. Lâu nay các cơ quan chức năng còn khá mơ hồ về trữ lượng khoáng sản trong lòng đất; không đánh giá được doanh nghiệp báo cáo kê khai sản lượng, sản phẩm làm cơ sở đóng thuế có trung thực hay không; việc thực thi chính sách pháp luật của cơ quan công quyền vẫn còn lơ là, thiếu cương quyết. Mới đây Trung tâm Con người và thiên nhiên thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (PanNature) và Trung tâm Phát triển và hội nhập (một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Việt Nam hoạt động vì quyền của các nhóm yếu thế để xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và phát triển bền vững, gọi tắt CDI) công bố tài liệu “Trả lại bản chất phí bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu tác động và hạn chế xung đột trong lĩnh vực khai thác khoáng sản”. Nhóm tác giả thực hiện báo cáo cảnh báo, khai khoáng để lại nhiều hệ lụy xấu đến sản xuất nông lâm nghiệp, ô nhiễm môi trường, suy thoái đất, ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng sức khỏe và sinh kế người dân. Báo cáo của PanNature và CDI cũng cho rằng, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản cần phải được quy định cụ thể, với vai trò là một trong những công cụ chính sách để bù đắp các tổn thất do hoạt động khai khoáng gây ra.
Việt Nam bắt đầu thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản từ năm 2006. Trong đó, các Nghị định số 137/2005/NĐ-CP, Nghị định 63/2008/NĐ–CP, Nghị định 74/2011/NĐ-CP đã được ban hành trong 10 năm và tạo ra một nguồn lực tài chính đáng kể cho nhiều địa phương. Tuy nhiên, theo PanNature và CDI thì hiệu quả của chính sách thu phí bảo vệ môi trường chưa được đánh giá toàn diện. Một thống kê chưa chính thức cho thấy, có 30% nộp về ngân sách nhà nước là các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu. Trong khi đó, 70% còn lại là các khoản nộp thuế tài nguyên, phí cấp phép, phí bảo vệ môi trường, phí hoàn thổ môi trường, thuế sử dụng đất hay thuế sử dụng mặt nước, chi phí cho xã hội và các khoản lệ phí, chi phí khác là nộp về ngân sách địa phương. Tuy nhiên, thông tin về các khoản thuế và phí này rất thiếu minh bạch, không ai biết sử dụng như thế nào. Cho nên để giám sát nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, các địa phương miền núi phải triển khai nhanh chóng Nghị định số 203 quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và Nghị định số 22 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản của Chính phủ.
H.PHÚC