Phước Gia thiếu nước sạch
Là địa phương có số lượng người đồng bào Ca Dong sinh sống chiếm đa số, thế nhưng xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức vẫn đang loay hoay trong việc tìm nguồn nước sạch sinh hoạt.
Từ xưa đến nay, người dân tại xã Phước Gia sử dụng nguồn nước từ khe, suối để sinh hoạt, ăn uống. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nguồn nước này đã bị ô nhiễm nặng. Anh Hồ Văn Đông (38 tuổi, ở tại thôn 4, xã Phước Gia) nói: “Người ta lên rừng trồng keo, dựng trang trại nuôi trâu, bò với số lượng nhiều. Phân gia súc tích tụ lâu ngày nên thấm vào nguồn nước. Khi chúng tôi uống nước này thấy có mùi hôi”. Nghiêm trọng hơn, theo phản ảnh của người dân, khu vực gần các khe suối là một nông trường cao su nên nguồn nước chảy về bị ô nhiễm nặng bởi các loại hóa chất diệt cỏ, bệnh.
Năm 2007, Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, đã xây dựng cho xã Phước Gia một công trình hệ thống nước tự chảy. Theo đó, hệ thống đường ống được lắp đặt chạy từ các khe suối ở thượng nguồn về đến bể chứa đặt tại thôn 1, sau đó sẽ cung cấp nước cho cả xã. Sau khi khánh thành, công trình giao cho người dân địa phương tự quản, chính quyền địa phương hỗ trợ về việc khắc phục sự cố kỹ thuật. Tuy nhiên, công trình này chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn thì bỏ hoang.
Người dân phải dùng nguồn nước ô nhiễm bên cạnh gia súc. |
Năm 2015, xã Phước Gia tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Cơ chế 755 về việc hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, 4 - 5 hộ dân nếu có nhu cầu xây giếng sẽ được hỗ trợ kinh phí là 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên, do địa hình ở Phước Gia có mạch nước ngầm nằm khá sâu nên nguồn kinh phí để xây giếng vượt quá mức hỗ trợ của nhà nước. Sau nhiều lần thăm dò, đến nay người dân tại thôn 1 đã xây dựng được một cái giếng nhưng vì vị trí này nằm gần với cột thu lôi nên nguồn nước đã bị nhiễm sắt. “Khó khăn lắm mới tìm được mạch nước ngầm nhưng cũng bị ô nhiễm. Chưa kể, nguồn nước không ổn định, nếu nhiều người sử dụng cùng một lúc phải chờ rất lâu” - chị Hồ Thị Hạnh (thôn 1, xã Phước Gia) chia sẻ.
Xã Phước Gia hiện có 226 hộ với gần 1.200 nhân khẩu là người đồng bào Ca Dong. Ông Trần Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Phước Gia cho biết: “Nguồn nước từ khe suối tại địa phương đang bị ô nhiễm nặng bởi những cánh rừng cao su. Những năm qua, đã có nhiều sự hỗ trợ từ các chương trình chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chưa thật sự hiệu quả. Chính vì vậy, trước mắt chúng tôi khuyến khích người dân sử dụng mạch nước ngầm từ giếng để sinh hoạt tránh các nguy cơ ngộ độc hay bệnh tật vì nguồn nước không đảm bảo”.
PHAN VINH - NGUYỄN CƯỜNG