Tác động của Brexit đối với Đông Nam Á

QUỐC HƯNG 27/06/2016 10:18

Việc nước Anh chia tay Liên minh châu Âu (EU) sẽ tác động đến mối quan hệ đa chiều giữa Anh và nhiều nước khác, trong đó có Đông Nam Á.


Kết quả cuộc trưng cầu dân ý diễn ra tại Anh vào ngày 23.6 vừa qua đã gây nên cơn địa chấn không chỉ cho EU mà cả toàn thế giới. Đó là khi đa số người dân Anh (52% số phiếu ủng hộ so với 48% số người phản đối Brexit) quyết định lựa chọn tương lai của đất nước là rời khỏi ngôi nhà chung EU sau hơn 40 năm gắn bó.

Ngay trong ngày nước Anh tổ chức cuộc bỏ phiếu thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, tờ Jakarta (Indonesia) trích dẫn nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khu vực Đông Nam Á (ASEAN) sẽ chịu ít tác động từ Brexit. Hiện nay, EU là nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN. Ước tính mỗi năm, các nhà đầu tư EU rót khoảng 14,8 tỷ euro vào thị trường ASEAN. Ngoài ra, thương mại hai chiều EU - ASEAN đạt hơn 200 tỷ euro vào năm 2015. Những mặt hàng xuất khẩu của EU vào ASEAN là các sản phẩm hóa chất, máy móc, thiết bị vận tải. Ngược lại, EU nhập khẩu từ ASEAN chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, các mặt hàng dệt may. Muhadi Sugiono, chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Gadjah Mada (Indonesia) nói: “Trên thực tế, EU và ASEAN dựa vào khung hợp tác cho cả khu vực nên sự ra đi của của bất kỳ thành viên nào như Brexit cũng đều tác động đến phía bên kia”. Muhadi Sugiono cho biết nhiều đàm phán thương mại giữa ASEAN và EU có thể được tổ chức lại.

Nhiều người dân nước Anh còn ngỡ ngàng với kết quả nước Anh chọn Brexit. (Ảnh: nymag)
Nhiều người dân nước Anh còn ngỡ ngàng với kết quả nước Anh chọn Brexit. (Ảnh: nymag)

Theo Yose Rizal Damuri, thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Indonesia, dù thương mại hai chiều Indonesia - Anh đạt 2,3 tỷ USD mỗi năm nhưng cũng như nhiều quốc gia, Indonesia sẽ mở rộng thị trường sang nước khác hoặc sẽ đàm phán lại với Anh mà không thông qua EU. Còn các chuyên gia kinh tế tài chính Philippines tin tưởng rằng thành viên ASEAN này sẽ nhanh chóng vượt qua những ảnh hưởng từ Brexit. Bởi Anh hiện không nằm trong top 10 nhà nhập khẩu hàng đầu của Philippines. Trong khi đó, Ngân hàng Credit Suisse cho rằng Singapore và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất tại khu vực bởi thị phần xuất khẩu của hai thành viên ASEAN này vào EU chiếm 6 - 7% GDP. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo có thể tình hình sẽ sớm được ổn định khi các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Brexit nhanh chóng đề ra các biện pháp để chuẩn bị ứng phó trong bối cảnh Brexit sẽ có hiệu lực.

Theo kế hoạch, vào ngày 27.6, 28 quốc gia thành viên EU sẽ họp lại để bàn cụ thể các thủ tục pháp lý vốn được xem là sẽ rất phức tạp để Anh chính thức rời EU. Trước đó, 6 nước thành viên sáng lập EU trong đó có Đức, Pháp, Italia hối thúc Anh mau đàm phán với EU về thủ tục rời khỏi khối này sau khi cử tri Anh chọn Brexit. Trước mắt, các lãnh đạo EU đang nỗ lực trấn an dư luận ở lục địa này để tránh hiệu ứng domino từ Brexit, nhất là vì phe cực hữu ở một số nước như Pháp, Hà Lan, Italia đã lên tiếng đòi tổ chức trưng cầu dân ý tương tự như ở Anh.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG