Quản lý thị trường khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên: Hiệu quả từ sự phối hợp

CHIÊU THỤC ANH 27/06/2016 08:09

Hôm nay (27.6), tại TP.Tam Kỳ, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên sẽ tổ chức hội nghị sơ kết một năm thực hiện quy chế phối hợp công tác. Thực tế cho thấy, với sự phối hợp này, QLTT các địa phương đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực trên lĩnh vực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Nhiều vi phạm

Hoạt động gian lận thương mại ở các tỉnh, thành khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên xảy ra khá phức tạp nhiều loại hình và mặt hàng. Tuy nhiên, tùy tình hình kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương mà có những biến tướng, vi phạm khác nhau. Tháng 12.2015, Đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục QLTT tỉnh Bình Thuận chủ công đã tiến hành làm rõ việc núp bóng sang nhượng nhà đất, đầu tư sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cơ sở thu mua thanh long Phương Nhung (thôn Phú Sung, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đoàn đã phát hiện và xử lý về các hành vi vi phạm hành chính như cho mượn giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng hóa kinh doanh có điều kiện; người Trung Quốc hoạt động thương mại trái phép trên lãnh thổ Việt Nam; người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam... Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 108 triệu đồng và tịch thu 2.000kg trái thanh long.

QLTT Đăk Lăk bắt giữ 800kg thịt thối vào đầu năm 2016.
QLTT Đăk Lăk bắt giữ 800kg thịt thối vào đầu năm 2016.

Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên việc vi phạm trong kinh doanh diễn ra khá phổ biến nên lĩnh vực này được cơ quan chức năng đặc biệt chú trọng. Cuối tháng 2.2016, đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục QLTT Gia Lai chủ trì đã kiểm tra đột xuất tại cửa hàng xăng dầu số 2 của Doanh nghiệp tư nhân Hải Tây Phát (thị tứ xã Ia Krái, huyện Ia Grai, Gia Lai). Đoàn phát hiện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tác động vào thiết bị của phương tiện đo làm sai lệch kết quả đo vượt giới hạn sai số cho phép. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính và truy thu gian lận thương mại gần 200 triệu đồng. Tiếp tục, đầu tháng 4, QLTT Gia Lai phát hiện cửa hàng xăng dầu Nhật Tiến thuộc Doanh nghiệp tư nhân Nhật Tiến cũng vi phạm tương tự nên xử phạt gần 165 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu thời hạn 3 tháng đối với cửa hàng này.

Khu vực bắc miền Trung gần cửa khẩu biên giới Lao Bảo (Quảng Trị) là địa bàn thường diễn ra hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng giả. Vì thế, lực lượng QLTT các tỉnh ở khu vực đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực này. Cuối tháng 1.2016, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã tiến hành khám kho hàng của Công ty TNHH TM-DV Tâm Hoàn Thiên (số 55 đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Đồng Phú, TP.Đồng Hới) và phát hiện nhiều hàng hóa nhập lậu như: hồng sâm khô các loại, cao sâm, trà linh chi đỏ, kem đánh răng... Chi cục đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH TM - DV Tâm Hoàn Thiên về hành vi kinh doanh hàng nhập lậu và kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Số tiền xử phạt Công ty TNHH TM-DV Tâm Hoàn Thiên là 115 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm...

Phối hợp chặt chẽ

Thời gian qua, các chi cục QLTT khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên đã bám sát và nắm bắt diễn biến tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường; tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên từng địa bàn. Theo ông Trần Phước Trí - Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.Đà Nẵng, qua báo cáo từ các chi cục QLTT trong khu vực, lực lượng luôn chủ động tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên, kiểm tra theo chuyên đề và đột xuất; chủ động phối hợp và trao đổi thông tin giữa các chi cục QLTT trong khu vực và các cơ quan chức năng trên địa bàn. Nhờ đó đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại, góp phần ổn định thị trường, giá cả, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Kể từ tháng 7.2015 đến tháng 6.2016, các chi cục QLTT khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã kiểm tra gần 38.779 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước gần 80 tỷ đồng.

Điểm nổi bật là thời gian qua các đội QLTT khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên đã thường xuyên phối hợp, nâng cao hiệu quả kiểm soát thị trường. Cụ thể, Chi cục QLTT Phú Yên đã cung cấp thông tin cho các Chi cục QLTT Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông kiểm tra, bắt giữ 3 vụ vận chuyển hàng hóa vi phạm trên tuyến quốc lộ 21, quốc lộ 14 đi qua địa bàn tỉnh. Chi cục QLTT Ninh Thuận đã báo tin cho Đội cơ động Chi cục QLTT Bình Thuận tổ chức kiểm tra 3 vụ vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm... Thông qua công tác phối hợp, trao đổi thông tin, các chi cục QLTT đã có nhiều đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, tổ chức hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường và xây dựng lực lượng theo hướng ngày càng chính quy, chặt chẽ. Các chi cục đã tích cực hỗ trợ nhau xác minh làm rõ vụ việc vi phạm hành chính, xử lý nhiều vụ việc vi phạm có giá trị lớn, góp phần ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép xuyên tuyến. “Hiện nay tình hình gian lận thương mại diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, khó lường. Nếu không có sự phối hợp giữa các địa phương thì kẻ gian sẽ dễ dàng tẩu tán từ địa phương này sang địa phương khác. Trong khi đó, nếu gian lận thương mại không được triệt tiêu tận gốc, sẽ có những biến tướng khó lường, ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều người dân ở các tỉnh, thành trong khu vực” - ông Huỳnh Công Điềm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Phú Yên chia sẻ.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH