Hẻm có hai đám ma

TRUNG VIỆT 25/06/2016 09:15

Hẻm dài chừng 200m, thông qua hai đường lớn, nhà cửa sít nhau, chưa kể giữa hẻm có ngã ba, thông tuốt qua một đường nữa, suốt ngày đêm chưa từng vắng tiếng người xe.

Chiều đó đi làm về, thấy người lố nhố, thôi rồi, một người vừa giã từ cát bụi chân mình. Sáng hôm sau xách xe  ra đi, bà hàng xóm nói: Rồi, thêm bà nữa “đi”! Chẳng ai bàn tán, coi như mặc nhiên, bởi hai người đó, một ông một bà, già yếu lắm rồi, mấy năm qua nằm một chỗ. Mấy “loa” xóm chỉ hỏi nhau: Hồi mô chôn? Họ hỏi bởi hai đầu hẻm chừ rạp đã dựng, kèm theo cái bảng thông báo: Có tang, đồng nghĩa là... cấm đường! Lối đi duy nhất là ngã ba thông qua đường kia. Ba giờ sáng đang ngủ, nghe cái rầm, mấy ông chở sắt làm nhà tranh thủ đám tang ngái ngủ bèn dọn đường kéo xe bò qua, vì nhà đang xây,  chờ bảnh mắt ra mới chuyển thì phải đi vòng, vác hộc gạch. Chủ nhà phân trần: Còn một đường ni, nếu chừ có ai chết, thì coi như cả xóm… “chết” theo.

Thông báo mới nhất, là bà già chết ba ngày chôn, còn ông kia phải 8 ngày, bởi chờ con cháu nước ngoài về. Mấy người đầu đường kia than: Chiêng, trống, đờn sáo, tụng kinh miết,  được ru miết mà không ngủ được. Nghe để hơn 1 tuần mới chôn, nghĩ mà ngán. Chết mà không thấy mặt con, chắc không yên, con không thấy mặt cha mẹ trước khi đấng sinh thành ra đi vĩnh viễn, đau thắt ruột, nên thôi thì ráng chờ. Nhưng đúng là người chết đâu phải hết. Kẻ còn sống nhìn người chết, thấy họ còn mắc nợ bao người, sinh ra để làm chi mà chết khiến kẻ khác đau lòng. Chết, là hết, chôn ngay, nhưng đâu có được, muốn đi sớm hay muộn, phụ thuộc người sống, nên chết chưa hẳn đã yên, đã chết rồi mà còn hành nhau. Ơi là kiếp này!

Nghe nói ông đó là giáo sư trung học, đám tang thấy người ăn mặc tề chỉnh đông lắm, chắc là học trò cũ. Còn bà kia, không rõ là chi, chỉ thấy con cái đông mà người viếng thì ít. Đám ma đông người hay ít người, cái nào làm yên lòng an ủi người còn sống, nhiều hơn? Không biết. Đi đám, cũng là tỏ bày cái nghĩa cái lòng với người chết, cũng là thông điệp cho con cháu họ, nghĩ cho cùng cũng là bày tỏ  cái lòng của mình, phơi lòng mình cho thiên hạ còn sống biết là chính, chứ người chết đi rồi có thấy đâu. Đọc, thấy sách dạy: Âm dương vô nhị lý, đành tin người chết cũng biết y như người sống, thôi thì cứ đối đãi với họ như đang sống vậy, rồi mình cũng chết, nên phải xúm tới.

Bao lần nghĩ đám ma, đám giỗ, đám cưới,  thực ra nó phản ánh tính cộng đồng, thích tụ bạ, xúm xít, muốn cá nhân góp chén đũa có thiên hạ chứng kiến, mong và có nhu cầu thấy thiên hạ ngó mình. Phương tây khác, bởi sinh ra họ đã là cá nhân. Nhớ một người quen, hay giỡn vừa nôm và hán: Nhất diện hơn thập đùm (một mặt hơn mười gói). Nghĩ, hương khói nghi ngút hay cô lẻ lạnh tàn, thảy như nhau, chạnh lòng hay không nằm ở kẻ sống, còn xét về thân phận, ấm hay lạnh, cũng mục dần với đất. Ngang qua đám ông giáo sư  kìn kìn người  viếng hay đám bà già tiếng chiêng lâu lâu lọt thỏm giữa xe máy, lại nghĩ bà già coi bộ sướng hơn, ngủ yên không bị trần gian quấy rầy.

Vì bí hai đầu hẻm, nên thiên hạ dồn giữa ngã ba tán chuyện: Nên sống thọ hay sống vừa vừa? Dân ta có câu cửa miệng: Chết cho khỏe thân! Nhưng lúc đau bệnh thì sợ chết lắm. Kẻ sợ nhà cửa con trai nghe lời vợ bán sạch không có chỗ đặt lư hương; người ớn con cái giành giật nhà cửa;  lại lo vợ hoặc chồng chống chọi không nổi cô đơn; cũng có người khóc thét: Tôi chết đi bỏ mấy đứa cháu lại cho ai,  dù rằng ba mẹ tụi nó còn đó!  Không ai trải nghiệm cái chết để kể lại cho kẻ sống nghe, dù báo đài đăng tùm lum lời người chết kể này nọ, nhưng họ trải nghiệm chứ mình đâu, nên cái chết vẫn là lời thách đố kinh hoàng bí hiểm. Tôi không tin ai đó nói rằng, sống vậy là đủ, khi anh chết lúc nào anh không biết, chết khi anh đang sống với bao dự định, không tin bản thân mình bị thần chết lừa cho, nó vào đến giường, lên trên não, vào tim rồi, làm tổ, ăn nhậu, la hét trong đó  mà còn xử mình nghĩ làm này nọ nữa, rồi bất thần đạp mình xuống hố. Có mấy bà nói: Sống chi cực quá, chết là sướng, khỏe mình, khỏe con cái, già rồi, ăn không được, làm không được, nằm một chỗ báo hại con cháu. Cả đời mình, có sống cho mình chút nào đâu, lúc sắp chết còn sợ nợ nần ai đó.

Vì hai đầu hẻm gần nhau quá, nên xe máy rúc vào không còn nẹt pô, nhất là đám ma khiến mấy nhà hay chửi lộn đâm ra sợ hay răng đó, suốt ba ngày qua, không điếc tai tiếng bấc tiếng chì. Bỗng nhiên thấy cái chết cũng có giá trị cao thiệt, ngó kỹ từng mặt người, nhiều tiếng thì thầm, nói năng phải lẽ, nghĩ hay quá hè, xem ra cái chết của hai người cùng một lúc ở hai đầu hẻm, nhốt… giang hồ từ công an đến nhà báo, thầy chùa, cho vay nặng lãi, bác sĩ, bảo vệ, giảng viên vào cái rọ coi bộ… tử tế hẳn ra.

TRUNG VIỆT

TRUNG VIỆT