Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung: Tạo nguồn lao động chuyên nghiệp
Cùng với tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước, việc đổi mới công tác đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội luôn được Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung đặt lên hàng đầu.
Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung. Ảnh: MINH HẢI |
Để tạo nguồn lao động chuyên nghiệp sau khi sinh viên tốt nghiệp, những năm qua, chương trình đào tạo, giáo trình các ngành học được nhà trường biên soạn mới và thường xuyên cập nhật thông tin cho phù hợp với chuẩn đầu ra. Ngoài những kiến thức cơ bản và chuyên ngành được cập nhật, một số học phần mới được tăng cường nhằm trang bị thêm kỹ năng mềm cho người học.
Thương hiệu “thủy lợi 2”
Năm 2015, trường đã chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ về “Mô phỏng và dự báo xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long”; Phối hợp với chuyên gia nước ngoài triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu tổng thể về cơ chế xói lở và đề xuất giải pháp phòng chống xói lở bờ biển Cửa Đại, Hội An”; Ký kết hợp tác với Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An về việc tham gia nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm; Chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế Việt - Nhật về cửa sông, bờ biển và kỹ thuật sông tại trường vào tháng 9.2015; Tham gia một số hội nghị khoa học khác trong nước có liên quan đến lĩnh vực cửa sông, bờ biển; Triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về việc đánh giá hiệu quả các giải pháp kè mềm tại biển Cửa Đại - Hội An. Tháng 5.2016, trường được cơ quan phát triển Pháp AFD và UBND tỉnh giao chủ trì tư vấn dự án Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất giải pháp để bảo vệ bờ biển một cách bền vững. |
Thực hiện phương châm “Học đi đôi với hành, đào tạo kết hợp với phục vụ sản xuất”, 40 năm qua cùng với việc giảng dạy lý thuyết, thầy và trò nhà trường đã tích cực tham gia quy hoạch khảo sát, thiết kế một số hạng mục thuộc công trình đại thủy nông Phú Ninh - một công trình thủy lợi lớn tại miền Trung, hàng loạt công trình thủy lợi khác trong tỉnh Quảng Nam và tại các tỉnh trong khu vực đào tạo. Các công trình do thầy và trò nhà trường thực hiện đã phát huy tác dụng góp phần quan trọng vào công cuộc phục hồi sản xuất nông nghiệp sau chiến tranh. Sau khi tốt nghiệp, các thế hệ học sinh sinh viên nhà trường tiếp tục tham gia xây dựng, quản lý khai thác các công trình thủy lợi trong khu vực và góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Bên cạnh các hoạt động về đào tạo và xây dựng đội ngũ, nhà trường luôn chú trọng các hoạt động nghiên cứu khoa học. Từ năm 2015 đến nay công tác nghiên cứu khoa học có nhiều bước tiến bộ vượt bậc. Từ việc nghiên cứu khoa học thực hiện chủ yếu ở cấp cơ sở như những năm trước, trường đã có bước đột phá để tham gia các đề tài khoa học cấp bộ, cấp tỉnh; đồng thời thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Tất cả những điều đó, dần tạo nên thương hiệu “thủy lợi 2” cho trường.
Về đào tạo kết hợp với phục vụ sản xuất, trong suốt 40 năm qua, các thế hệ cán bộ giảng dạy của trường xác định: mục tiêu và nội dung chương trình đào tạo trong trường và thực tiễn sản xuất phải có mối quan hệ mật thiết. Từ đó, nội dung đào tạo luôn cập nhật những kiến thức mới theo hướng cơ bản, hiện đại và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, học đi đôi với hành, học để biết và học để làm.
Giảng viên, sinh viên trường trong một cuộc hội thảo quốc tế. Ảnh: MINH HẢI |
Với đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường có trình độ đại học, trên đại học và có chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực, có nhiều năm kinh nghiệm về điều tra, khảo sát, lập dự án, thiết kế, thi công, với hệ thống các phòng thí nghiệm có trang thiết bị tương đối hiện đại, đồng bộ và các phần mềm ứng dụng chuyên ngành, Trung tâm Tư vấn và xây dựng của trường đã tham gia hoạt động các lĩnh vực: quy hoạch, khảo sát, lập dự án, thiết kế, thẩm tra thiết kế - dự toán, giám sát kỹ thuật thi công, kiểm định chất lượng công trình, thi công công trình thủy lợi, cấp thoát nước, giao thông nông thôn.
Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung, tiền thân là Trường Trung học Thủy lợi 2 (đóng tại Hội An) được thành lập vào ngày 29.6.1976. Nhiệm vụ chính của trường là đào tạo cán bộ Trung học Kỹ thuật Thủy lợi thuộc 5 ngành: Thủy công, Thủy nông, Thi công, Khảo sát địa hình và Địa chất công trình để thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống công trình thủy lợi tại địa bàn các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Năm 1985, trường được giao nhiệm vụ đào tạo thêm ngành Kế toán nâng tổng số ngành đào tạo bậc Trung cấp chuyên nghiệp lên 6 ngành. Năm 2009, Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung được thành lập trên cơ sở Trường Trung học Thủy lợi 2. Trường được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực ở trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp cho các ngành, nghề thuộc lĩnh vực Thủy lợi, Cấp thoát nước, Xây dựng, Giao thông, Kinh tế, Quản lý đất đai, Môi trường với 4 ngành đào tạo bậc cao đẳng, 9 ngành bậc trung cấp chuyên nghiệp và 9 nghề bậc trung cấp nghề và sơ cấp nghề. 40 năm qua, đã có trên 12.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường. |
Các công trình do thầy và trò tham gia khảo sát, thiết kế, thi công đã phát huy được tác dụng, được các chủ đầu tư đánh giá cao về chất lượng. Các hoạt động này cũng đã tạo điều kiện cho thầy và trò thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo kết hợp phục vụ sản xuất. Qua kiểm chứng từ thực tiễn cùng với cả quá trình đào tạo, phương thức thực tập kết hợp phục vụ sản xuất góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường sớm thích nghi với môi trường sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan, đơn vị. Mặt khác thông qua hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường cơ sở vật chất, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất cho cán bộ và sinh viên trong trường.
Liên kết đào tạo
Ông Lê Hữu Dõng - Hiệu phó Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung cho biết, trong các năm qua nhà trường đặt mối quan hệ với các doanh nghiệp, địa phương xây dựng các địa bàn thực hành, thực tập để sinh viên có thể tiếp cận thực tế ngay từ khi còn học tập trong trường. Với cách đào tạo này, sinh viên ra trường có đủ kiến thức về lý thuyết và khả năng thực hành, được các đơn vị tuyển dụng đánh giá cao.
Xác định việc làm cho sinh viên tốt nghiệp hiện nay là một trong những cách quảng bá hình ảnh của trường. Trong cơ chế thị trường nhiều khó khăn thì đây là bài toán khó. Bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng vững vàng cho sinh viên, nhà trường phải nỗ lực trong quan hệ với các doanh nghiệp, địa phương trong nước để trao đổi thông tin và giới thiệu việc làm cho các em; một số thị trường lao động nước ngoài cũng được chú ý.
Theo PGS-TS. Nguyễn Trung Việt - Hiệu trưởng, trường đã liên kết với nhiều trường đại học và doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là Trường Công nghệ Akita, Hachinohe và Kobe, Nhật Bản trong chương trình trao đổi sinh viên, tạo điều kiện việc làm cho sinh viên sang thị trường Nhật Bản sau khi tốt nghiệp. Cơ quan hợp tác quốc tế (JICA), Nhật Bản cũng đã và đang hỗ trợ cho nhà trường về hợp tác liên kết với các trường công nghệ Nhật Bản trong công tác đào tạo hướng nghiệp của Nhật Bản. Trường cũng liên kết với Công ty OLECO, Bộ NN&PTNT và đưa sinh viên đi thực tập sinh nông nghiệp ở Israel. Sinh viên Nguyễn Tiến Sắc (Lớp Cao đẳng Công nghệ kỹ thuật xây dựng khóa học 2013-2016) nhận học bổng Jasso và được sang Nhật Bản giao lưu học tập trong vòng 15 ngày tại Trường Công nghệ Akita, Nhật Bản. Đây là một phần trong các nội dung thỏa thuận về hợp tác quốc tế đã được ký kết giữa 2 Trường Công nghệ Akita, Nhật Bản và trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung - Việt Nam. “Đây thực sự là một cơ hội tuyệt vời cho em được mở mang tầm nhìn, học hỏi những điều hay những điều tốt đẹp từ đất nước Nhật Bản. Đồng thời cũng là cơ hội để em quảng bá đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế” - Nguyễn Tiến Sắc cho biết.
NGÔ ANH TUẤN