Thời bao cấp... con cái
Có thầy Tổng phụ trách Đội ở một trường THCS kể lại một cuộc thăm dò xã hội học trong một đợt tập huấn công tác Đội. Đối tượng là các Chi đội trưởng Đội TNTP Hồ Chí Minh mà hầu hết là học sinh giỏi. Cuộc thăm dò này tuy được tổ chức dưới dạng trò chơi trả lời câu hỏi liên hoàn nhưng kết quả thu được thật bất ngờ. Với câu: “Hãy ghi họ tên đầy đủ của mẹ em” có đến 60% số em để trống. Với những câu hỏi về công việc trong nhà như: Khi em ngủ dậy ai là người xếp chăn màn? Ai nấu cơm? Ai dọn mâm bát? Ai rửa chén? Ai quét nhà, quét sân? Ai giặt quần áo cho em?... hầu như tất tần tật chữ “Mẹ” đều chiếm tỷ lệ 95 - 100%. Riêng câu “Ai chở em đi học?” thì phần lớn đều được ghi là “Ba”.
Cả nhà cùng đi thi đại học. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, nếu không phải cần đến một cuộc điều tra xã hội học, chúng ta cũng biết được hiện trạng chung về kỹ năng sống của thanh thiếu niên ngày nay. Bởi chỉ cần nhìn quanh nơi cư trú chúng ta cũng đã thấy hầu hết học sinh từ lớp 1 cho đến lớp 12 đều được cha mẹ cho đi học thêm. Nhà khá giả một chút thì rước gia sư. Chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, chạy… cảm tình đối với thầy cô là mối lo thường trực của mỗi gia đình, nhất là ở thành phố. Ông cha ta ngày xưa từng dạy: Học ăn, học nói, học gói, học mở, nhưng ngày nay chữ “học” dường như đã được cả xã hội đồng tình thu hẹp vào trong các trang sách. Nhiều học sinh đã dựa dẫm vào đó để thoái thác những việc khác. Mẹ có nhờ một tí thì vùng vằng: con bận học bài(!), mặc dù nhiều khi con đang tí tửng “chát chít” trên smartphone. Còn cha mẹ thì sẵn sàng cáng đáng mọi việc để con cái yên tâm mà “học”. Có những bà mẹ trẻ đêm đêm sau khi giăng màn đắp chăn cho con ngủ còn xem thời khóa biểu để sắp xếp đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập, áo quần, giày, mũ… cho con ngày mai đến trường. Có những em đã học đến lớp 12 vẫn được ba mẹ đưa đón hàng ngày. Có em được gia đình sắm cho xe đạp nhưng mỗi khi bị hỏng hóc vặt thì chỉ biết… khóc và dắt xe về tận nhà gọi ba. Theo một cuộc thăm dò khác tại trường THPT huyện Hương Sơn, một huyện miền núi thuộc tỉnh Hà Tĩnh, trong 45 học sinh khá giỏi khối lớp 12 thường xuyên đi học bằng xe đạp chỉ có 3 em phân biệt được líp và đĩa, 10 em phân biệt được xăm và lốp, và không ai tự sửa được những hỏng hóc thông thường.
Thế hệ trẻ ngày nay tiếp thu được những kỹ năng mới nhanh nhạy hơn thời của cha mẹ ngày trước. Đó là một tất yếu. Nhưng con người vẫn cần những kỹ năng cơ bản như chăm sóc bản thân, giải quyết tình huống đời sống, kỹ năng ứng xử, kỹ năng sống sót… mà không nhà trường hoặc chuyên gia tư vấn nào cung cấp cho đầy đủ. Thế nhưng giới trẻ ngày càng thể hiện sự lúng túng, vụng về trước những yêu cầu đó, và càng tỏ ra “nai vàng ngơ ngác” trước những công việc bất thường như đơm một chiếc khuy áo, đi khám bệnh, làm đơn từ, giấy tờ hành chính… mỗi khi cần đến. Ngay cả những cô tú, cậu tú ngày nay khi thi đại học phần nhiều đều có phụ huynh hỗ trợ từ khâu nộp, rút, chạy hồ sơ đến việc đi lại, tìm nơi ăn chốn ở, thậm chí việc chọn ngành nghề tương lai cũng do cha mẹ quyết định. Câu hỏi đặt ra là nhân cách các em sẽ được hình thành như thế nào nếu cả hành vi lẫn tư duy, tình cảm đều được “bao cấp” đến tận… chân răng như thế?
Đến nay, hình như một số phụ huynh đã bắt đầu ưu tư về câu hỏi trên nên đã tìm đến các “trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống” đang mọc lên như nấm sau mưa ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, phần lớn các trung tâm này chưa có nội dung chương trình chuẩn mực, và các “thầy kỹ năng” hình như cũng… thiếu kỹ năng nên học sinh đến đây chỉ “chơi là chính”. Có khi học phí một khóa “kỹ năng sống” lên tới cả triệu đồng nhưng các em chỉ học được một “môn”… xếp chăn màn. Thực ra, việc bồi dưỡng kỹ năng sống là rất cần thiết nhưng phải xem đó chỉ là những hoạt động bổ trợ. Còn để có kỹ năng sống thực sự thì các em phải được rèn luyện thường xuyên trong những môi trường sống khác nhau.
Có người suy luận rằng tình trạng giới trẻ hụt hẫng về kỹ năng sống là do kinh tế… phát triển(!?). Nhiều gia đình Việt Nam ngày nay đã khá giả hơn nên có điều kiện cung ứng cho con cái mọi nhu cầu và giảm thiểu cho chúng mọi công việc. Thực ra, ngày xưa trong đám bạn tôi cũng nhiều đứa con nhà giàu nhưng việc học hành, thi cử, ăn ở, đi lại… đều phải tự lo lấy. Một thông tin “hot” gần đây nhất là chuyện cậu bé người Nhật Yamato Tanooka bị lạc 6 ngày trong rừng đầy gấu đã trở về khỏe mạnh nhờ đã được giáo dục kỹ năng sống sót. Không chỉ ở xứ sở của động đất và sóng thần, hầu hết thanh thiếu niên ở các nước Âu Mỹ đều có sở thích và có khả năng sống tự lập. Ở trường Amsterdam Hà Nội, nơi có nhiều học sinh là con cái của các vị đại sứ nước ngoài đến học, một học sinh lớp 6 đến từ Anh Quốc có thể một mình ra phố với chiếc máy ảnh và cuốn sổ tay, sục sạo khắp phố phường Hà Nội để làm một bài thuyết trình báo cáo trước toàn trường khiến các anh chị người Việt học trên ba, bốn lớp cũng phải tròn mắt thán phục.
Như vậy giàu có không phải là nguyên nhân dẫn đến khiếm khuyết về kỹ năng sống mà chính là giáo dục, đặc biệt là kiểu “giáo dục bao cấp” tại gia đình. Có lẽ các bậc làm cha mẹ ở xứ ta đang bị ám ảnh nặng bởi tâm lý muốn vượt trội của cư dân một đất nước đang phát triển. Cái gì cũng muốn hơn người khác, từ nhà cửa, xe cộ cho đến chiếc điện thoại cầm tay. Và con cái là thứ tài sản quý giá nhất, được cho là có thể chứng minh “đẳng cấp” của mình nên làm lụng được bao nhiêu, cha mẹ cứ “đắp” hết lên người con cái, chỉ mong sao cho chúng nên danh nên phận hơn người.
Xét về mặt tình cảm thì đó là điều đáng trân trọng. Nhưng nếu thực hiện những ước nguyện đó bằng con đường “bao cấp”, thì khi đối mặt với tình huống cần đến một kỹ năng sống nào đó, biết bơi chẳng hạn, thì liệu rằng con cái chúng ta có vượt qua nổi những trở ngại nho nhỏ kia để tiếp tục hoàn thành danh phận ở đời?
PHAN VĂN MINH