Quy định có hiệu lực từ tháng 7.2016
Từ tháng 1.7.2016 sẽ có 6 Nghị định, 41 Thông tư và 3 Thông tư liên tịch có hiệu lực. Báo Quảng Nam giới thiệu sơ lược những nội dung đáng chú ý.
Mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Nghị định 37/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.7 quy định: Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng 1% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trường hợp người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và trả lương theo sản phẩm hoặc khoán thì việc đóng quỹ được thực hiện hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần. Ngoài ra đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí thì người sử dụng lao động đóng 1% trên mức lương cơ sở.
Hỗ trợ đầu tư đối với HTX nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT, hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp. Thông tư này có hiệu lực từ 25.7.2016.
Danh mục các loại kết cấu hạ tầng của HTX nông nghiệp được hỗ trợ bao gồm: trụ sở làm việc; sân phơi, nhà kho, cửa hàng vật tư nông nghiệp; xưởng sơ chế, chế biến; công trình điện, nước sinh hoạt, chợ; công trình thủy lợi, giao thông nội đồng trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp; công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy, hải sản bao gồm: hệ thống cấp thoát nước đầu mối, đê bao, kè, đường giao thông, công trình xử lý nước thải chung đối với vùng nuôi trồng thủy sản; hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi, hệ thống neo lồng bè; nâng cấp và phát triển lồng bè nuôi trồng hải sản tập trung của hợp tác xã nông nghiệp trên biển.
Quy định ghi nhãn thuốc
Thông tư số 06/2016/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1.7 quy định những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn thuốc phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái Latinh gồm: Tên thuốc: tên biệt dược, tên gốc hoặc tên chung quốc tế của thuốc; tên chung quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hóa học, công thức cấu tạo của dược chất, tá dược, thành phần của thuốc; tên và địa chỉ cơ sở nước ngoài đăng ký, sản xuất, nhượng quyền, sở hữu thuốc hoặc gia công sản xuất thuốc. Thuốc sản xuất trong nước để lưu hành trên thị trường phải ghi nhãn bằng tiếng Việt theo quy định tại thông tư này. Trường hợp có yêu cầu ghi đồng thời bằng ngôn ngữ khác, nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng với nội dung bằng tiếng Việt và kích thước chữ không được lớn hơn nội dung ghi bằng tiếng Việt. Thuốc nhập khẩu để lưu hành trên thị trường Việt Nam ghi nhãn theo một trong hai cách: Ghi nhãn gốc bằng tiếng Việt với đầy đủ những nội dung bắt buộc theo quy định tại thông tư này; Ghi nhãn phụ với đầy đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định tại Điều 10 Thông tư này và phải giữ nguyên nhãn gốc. Thuốc nhập khẩu mà nhãn gốc chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì cơ sở nhập khẩu được phép thông quan để thực hiện dán bổ sung nhãn phụ.
BẢO NGUYÊN