Ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc: "Cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm"
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của huyện Đại Lộc trong 5 năm tới (2016 - 2021). Trao đổi với Pv Báo Quảng Nam, ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc khẳng định như vậy và cho biết thêm:
• Đại Lộc đã đạt được một số thành tựu rõ nét về kinh tế - xã hội. Vụ đông xuân vừa qua, dù thời tiết cực đoan ảnh hưởng lớn đến nhiều diện tích lúa khiến sản lượng lương thực thu hoạch không đạt như các năm, song nhìn chung, an ninh lương thực vẫn đảm bảo. Đây lại là năm “bội thu” sản xuất giống lúa lai F1 với 1.200ha, có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Sản xuất rau màu đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân với giá cả duy trì ổn định. Nhiều diện tích trồng rau màu được các công ty đứng ra bao tiêu sản phẩm khiến nông dân phấn khởi. Về sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), nhiều nhà máy sản xuất ổn định, thu hút đông đảo lao động địa phương, như Công ty TNHH Groz-beckert, Nhà máy sản xuất gạch Đại Hưng, Công ty CP Prime Đại Lộc… An sinh xã hội được cải thiện. Địa phương đã giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, đặc biệt là việc chi trả chế độ qua bưu điện đã tạo được sự hài lòng đối với người dân. Ở lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia toàn huyện đạt 100%, trường đạt chuẩn mức 2 cũng đạt tỷ lệ khá cao. Công tác khuyến học được chú trọng. Đây là năm thứ 2 huyện tiến hành khen thưởng cho các em đậu đại học nguyện vọng 1 với điểm số cao; cũng là năm đầu tiên huyện khen thưởng cho các em học sinh đạt giải cao cấp tỉnh.
Triển lãm tư liệu về Trường Sa - Hoàng Sa tại Đại Lộc vào đầu tháng 6.2016. |
- Bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc gì cần phải tháo gỡ, khắc phục, thưa ông?
Ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc. Ảnh: H.L |
• Ông Trần Văn Mai: Vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ. Trước hết là việc hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, người có công. cả huyện còn khoảng 260 đối tượng chưa được hỗ trợ nhà ở, song nguồn ngân sách địa phương không kham nổi. Về giáo dục, dù huyện có 61/61 trường đạt chuẩn quốc gia, song nhiều trường học trong số này được công nhận đạt chuẩn cách đây 15 năm rồi. Hơn nữa, lũ lụt, thiên tai cũng tác động không nhỏ lên cơ sở vật chất, hạ tầng, đe dọa tuổi thọ, chất lượng công trình. Nhiều trường đã xuống cấp nặng, cần phải có nguồn đầu tư xây mới, chứ không thể sửa chữa, nâng cấp. Đây cũng là cái khó đối với địa phương, khi nguồn thu chỉ đủ trang trải cho những phát sinh nhỏ. Các trạm y tế cũng vậy. Nhiều trạm y tế xã ở vùng B vốn là các cơ sở cũ được tiếp quản, hầu hết là công trình cấp 4, đã xuống cấp. Chưa kể, xói lở ven sông cũng đe dọa đến nhiều khu dân cư, nếu không có phương án kè sông, bảo vệ khu dân cư hoặc bố trí tái định cư. Những vấn đề này rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của cấp trên mới giải quyết được.
- Thu hút và cải thiện môi trường đầu tư là “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Vậy, Đại Lộc sẽ làm gì để đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp?
• Ông Trần Văn Mai: Mối quan tâm của huyện hiện nay là tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực khắc phục những yếu kém, hạn chế cũng như tăng cường giải quyết các thủ tục, hồ sơ hành chính về đất đai, về giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư đúng tiến độ. Bên cạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, địa phương cũng sẽ chú trọng đến việc tạo điều kiện giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần duy trì và phát triển sản xuất.
- Quan điểm của huyện trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa bàn huyện thế nào, thưa ông?
• Ông Trần Văn Mai: Có thể nói, dự án tìm đến thì nhiều nhưng khả năng tiếp nhận các dự án của huyện vẫn còn những mặt hạn chế nhất định. Tuy nhiên, chủ trương của huyện là chỉ chọn những dự án ít gây ô nhiễm và tác động tới môi trường và tránh được các dự án này càng tốt. Thời gian qua, có một số dự án lớn xin đầu tư vào Đại Lộc nhưng Huyện ủy, UBND huyện qua nhiều phiên họp đã không thể chấp thuận vì hậu quả, tác động tới môi trường của những dự án này rất lớn, đe dọa sức khỏe, ảnh hưởng tới sinh hoạt của nhân dân. Huyện sẵn sàng chào đón đối với những dự án nông nghiệp công nghệ cao, những dự án liên quan tới chế biến nông lâm sản đặc trưng của vùng, gạch không nung…
- Từ nay đến cuối năm 2016, để duy trì tăng trưởng, thực hiện tốt kế hoạch phát triển của địa phương, Đại Lộc có những giải pháp gì?
Trong 5 tháng đầu năm nay, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Đại Lộc đạt 1.467 tỷ đồng. Trong đó, loại hình công ty TNHH, CP đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 12,97% so với cùng kỳ; loại hình HTX đạt 30 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, kinh tế cá thể đạt hơn 224 tỷ đồng, tăng 8,52%. Đến 5.2016, toàn huyện đã thi công hoàn thành 3,732/11,160km đường giao thông nông thôn. Sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân vừa qua đạt tổng sản lượng lương thực 28.031 tấn, đạt 44% so với kế hoạch năm 2016. Toàn huyện có tổng đàn trâu là 4.610 con, đàn bò 16.162 con, đàn heo 60.018 con, đàn gia cầm 717.000 con, 110ha diện tích nuôi cá nước ngọt. |
• Ông Trần Văn Mai: UBND huyện chỉ đạo các ngành, địa phương trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đã đề ra, triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016. Bên cạnh đó, rà soát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, có giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện đối với các chỉ tiêu đạt còn thấp. Giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường thu hút đầu tư là mục tiêu trọng tâm. Đối với các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh đang triển khai, huyện sẽ đôn đốc, kiểm tra tiến độ. Ở lĩnh vực xây dựng cơ bản, sẽ đẩy nhanh tiến độ bê tông hóa giao thông nông thôn; đôn đốc tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Những vướng mắc, tồn đọng trong việc thi công cầu và đường dẫn cầu Giao Thủy là việc di dời 17 hộ dân, huyện sẽ tập trung xử lý tồn đọng, vướng mắc để kịp bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Về sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo tích cực trong triển khai, bố trí lịch thời vụ, chống hạn cho cây lúa nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng cho cây trồng. Chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ, tiêu độc khử trùng, vắc xin cho đàn vật nuôi để tránh dịch bệnh bùng phát và lây lan. Tổ chức tốt việc quản lý, điều hành thu chi ngân sách cấp huyện và xã đảm bảo đúng luật, tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với lĩnh vực an sinh xã hội, huyện tiếp tục chỉ đạo các ban ngành chức năng thực hiện tốt chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác chăm sóc trẻ em, người già neo đơn, kế hoạch hóa gia đình… Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, Đại Hòa đang tập trung phấn đấu về đích vào cuối năm nay. Hiện, địa phương tập trung hỗ trợ, đầu tư nguồn lực hỗ trợ cho Đại Hòa nâng số xã về đích nông thôn mới toàn huyện lên 7 xã.
- Xin cảm ơn ông!
Hoàng Liên (thực hiện)