Đưa bóng đá đất Quảng lên "chuyên"

TƯỜNG VY 21/06/2016 10:04

Đội QNK Quảng Nam đang thi đấu tại V-League nhưng Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá QNK Quảng Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của một CLB bóng đá chuyên nghiệp.

Đội QNK Quảng Nam thi đấu ở V-League được 3 mùa giải nhưng CLB Bóng đá QNK Quảng Nam vẫn chưa đáp ứng tiêu chí chuyên nghiệp. Ảnh: T.VY
Đội QNK Quảng Nam thi đấu ở V-League được 3 mùa giải nhưng CLB Bóng đá QNK Quảng Nam vẫn chưa đáp ứng tiêu chí chuyên nghiệp. Ảnh: T.VY

Khoảng trống đào tạo trẻ

Cuối năm 2011, CLB Bóng đá Quảng Nam được chuyển giao cho Công ty CP Đầu tư QNK Quảng Nam quản lý. Đến năm 2013, đội QNK Quảng Nam xuất sắc vô địch Giải hạng Nhất và giành quyền lên chơi tại V-League. Từ đó đến nay, đội tham gia tranh tài ở giải đấu cao nhất cả nước, để lại những ấn tượng mạnh về tinh thần thi đấu. Để có được kết quả tốt tại V-League cũng như phục vụ nhu cầu của khán giả, CLB QNK Quảng Nam đã mua một số cầu thủ có chất lượng và hiện là trụ cột đội tuyển quốc gia như Thanh Trung, Huy Hùng.

Chuyển mình khá mạnh mẽ, song so với yêu cầu của một CLB bóng đá chuyên nghiệp mà hiện tại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang triển khai thì CLB Bóng đá Quảng Nam vẫn chưa đảm bảo, nhất là công tác đào tạo trẻ. Ông Nguyễn Húp - Giám đốc điều hành CLB QNK Quảng Nam thừa nhận, mặc dù rất nỗ lực xây dựng các tuyến trẻ làm nòng cốt cho đội lớn trong tương lai nhưng vì CLB mới bắt đầu làm lại công tác đào tạo trẻ từ năm 2012 nên đến nay chưa thể đáp ứng yêu cầu. Hiện tại, CLB chỉ mới có 3 đội trẻ là U13, U17, U19 trong khi tiêu chí của bóng đá chuyên nghiệp mà VFF quy định là 4 tuyến trẻ. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tập luyện, ăn ở của vận động viên đội trẻ cũng chưa đảm bảo. Bình thường các đội trẻ hoặc phải đi thuê sân cỏ nhân tạo để tập luyện hoặc tập trên đường piste, chỉ đến khi đội QNK Quảng Nam đi thi đấu trên sân khách mới tranh thủ vào sân. Chỗ ở thì bố trí tạm dưới hầm khán đài sân vận động. Ngay cả sân vận động Tam Kỳ hiện nay cũng chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức thi đấu V-League, như mặt sân chưa đảm bảo về chuyên môn, tường rào cổng ngõ xuống cấp ảnh hưởng đến công tác quản lý, an ninh trật tự.

Nhân nói bóng đá trẻ Quảng Nam, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn kể lại câu chuyện về đội tuyển U19 Việt Nam khi tham gia giải Nations Cup U21 Đông Nam Á tại Malaysia vừa qua. Trước trận tranh huy chương đồng với Singapore, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn đã lấy ví dụ về tinh thần thi đấu quả cảm của đội U19 Quảng Nam tại giải U19 quốc gia năm 2016 (U19 Quảng Nam lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết) để nhắc nhở các cầu thủ trẻ Việt Nam nỗ lực thi đấu. Nhờ liều thuốc tinh thần đó đã giúp U19 Việt Nam dù để U21 Singapore dẫn trước 2 bàn nhưng vẫn bình tĩnh rút ngắn cách biệt rồi gỡ hòa 2-2 ở phút bù giờ trước khi giành chiến thắng ở loạt sút luân lưu 11m.

Trong chuyến thăm, kiểm tra CLB Bóng đá QNK Quảng Nam và làm việc với UBND tỉnh mới đây, lãnh đạo VFF, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã chỉ ra một số tồn tại, những vấn đề mà CLB đang bị vướng trong quá trình xây dựng, phát triển bóng đá chuyên nghiệp, thậm chí còn bị VFF phạt tiền. Theo ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực VFF, tồn tại lớn nhất đối với CLB Bóng đá QNK Quảng Nam hiện nay là công tác đào tạo trẻ khi chưa có đủ số tuyến trẻ theo quy định và VFF đã quyết định phạt CLB 400 triệu đồng vì lỗi này. Mặt sân cũng chưa đảm bảo chuyên môn, cần phải được đầu tư cải tạo, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu của tổ chức thi đấu từ mùa giải năm 2017.

Sớm lên “chuyên”

Chia sẻ về kinh nghiệm làm bóng đá của các địa phương trên cả nước, ông Trần Quốc Tuấn cho biết dù chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý, điều hành nhưng nhiều tỉnh, thành phố vẫn dành sự quan tâm rất lớn. Chẳng hạn, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành nghị quyết bất kể doanh nghiệp nào nhận đội bóng thì mỗi năm tỉnh cũng hỗ trợ 30 tỷ đồng. Theo ông Phạm Ngọc Viễn - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF, nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư cho bóng đá chưa lớn. Thế nên, thực tế phần lớn các CLB bóng đá ở Việt Nam hiện nay chỉ đầu tư cho đội bóng, còn cơ sở vật chất như sân vận động đều do địa phương hỗ trợ. “Ngay cả khi chúng tôi đi tìm hiểu các nền bóng đá phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc thì hiện nay họ vẫn dựa vào sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở vật chất” - ông Viễn thông tin.

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, bóng đá luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh và người dân. Do đó, trong những năm qua Quảng Nam đầu tư rất lớn cho thể thao nói chung và đặc biệt là bóng đá. Khi đội bóng còn thi đấu ở Giải hạng Nhất, tỉnh đã “đi trước một bước” khi đầu tư lắp đặt dàn đèn sân vận động để đón đầu cho việc lên V-League. Chuẩn bị cho mùa giải năm 2016, tỉnh cũng đã đầu tư kinh phí lắp ghế ngồi trên khán đài phục vụ khán giả. Cạnh đó, mỗi năm tỉnh hỗ trợ 13,5 tỷ đồng cho CLB Bóng đá QNK Quảng Nam và chăm lo công tác đào tạo trẻ. Hiện nay, một số dự án liên quan đến bóng đá cũng đã và đang được xúc tiến như đầu tư xây dựng sân tập cho các đội trẻ, cải tạo mặt sân Tam Kỳ, xây dựng khu nhà ở dành cho vận động viên.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, đối tượng chính sách nhiều nhưng tỉnh Quảng Nam luôn dành sự quan tâm đối với bóng đá. Vì vậy, trong thời gian ngắn, CLB Bóng đá QNK Quảng Nam vẫn chưa đáp ứng các tiêu chí của một CLB chuyên nghiệp. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đội QNK Quảng Nam thi đấu đạt kết quả tốt, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người hâm mộ và xây dựng CLB Bóng đá QNK Quảng Nam phát triển theo mô hình bóng đá chuyên nghiệp như quy định của VFF.

TƯỜNG VY

TƯỜNG VY