Người đóng thuyền đua ở xứ Quảng

NGỌC KẾT 21/06/2016 09:38

Đua thuyền là một hoạt động thể thao văn hóa miền sông nước rất được người dân xứ Quảng yêu thích. Những tay đua mạnh mẽ với con thuyền phăm phăm rẽ sóng tiến về phía trước trong mỗi cuộc đua bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.

Ông Phạm Nhứt bên mô hình thuyền đua.Ảnh: NGỌC KẾT
Ông Phạm Nhứt bên mô hình thuyền đua.Ảnh: NGỌC KẾT

Nếu những tay đua là linh hồn của cuộc đua thì con thuyền lại chính là “cơ thể” cường tráng, đầy uy dũng để cùng làm nên chiến thắng trong mỗi cuộc đua thuyền. Người đóng thuyền đua ở xứ Quảng mấy chục năm qua là ai? Công việc này đòi hỏi niềm đam mê và sự điêu luyện ra sao?

Chiến tích ở miếu thờ

Chúng tôi gặp cha con ông Phạm Nhứt (thôn Đông Thạnh Tây, Tam Hòa, Núi Thành) trong cuộc tập dợt của đội thuyền đua xã Tam Hải chuẩn bị cho Giải đua thuyền truyền thống phát thanh - truyền hình Quảng Nam - Cúp bia Sài Gòn năm 2016 vừa được tổ chức thành công tại cầu Câu Lâu trên sông Thu Bồn. Năm nào cũng vậy, trước mỗi cuộc đua thuyền, ông Nhứt đều mang thuyền đua mới đóng ra thử nghiệm độ lướt sóng và tốc độ vút đi của con thuyền. Chưa một lần cầm chèo thi thố tài năng, nhưng được sinh ra trong một gia đình có truyền thống đóng thuyền đua hiếm hoi ở Quảng Nam, ông Phạm Nhứt luôn được các đội thuyền đua nể phục bởi kỹ thuật đóng thuyền điêu luyện để có những chiếc thuyền đua giành chiến thắng ở nhiều giải đua thuyền lớn nhỏ không chỉ ở phạm vi vùng sông nước xứ Quảng mà còn ở nhiều tỉnh thành miền Trung.

Hễ có hội đua ghe diễn ra thì dù trong nhà có cưới hỏi, giỗ chạp đều phải dừng lại để đi xem. Mê đến nỗi ông Ngọc dặn dò con cháu mình rằng, nếu có ngày hội đua ghe thì dù có là đám giỗ ông cũng phải… đình lại hôm khác để con cháu được đi xem.

Chiếc ghe đua hiện được cất giữ ở miếu thờ gần cảng cá An Hòa - xã Tam Giang, do cha con ông Phạm Nhứt đóng cách đây gần 10 năm đã chinh chiến cùng các tay đua Tam Giang và giành nhiều chiến thắng ở những giải đua thuyền lớn nhỏ của huyện Núi Thành và của tỉnh. Trải qua thời gian, giờ đây chiếc ghe được lưu giữ cẩn thận như là một chiến tích. Thi thoảng, cha con ông Phạm Nhứt lại đến đây để ngắm nhìn “đứa con” do mình khai sinh với mong ước được tiếp thêm niềm tin và lòng đam mê cho nghề đóng thuyền đua của mình.

Ngắm nghía con thuyền đua cũ của mình, ông Phạm Nhứt cắt nghĩa để chúng tôi hiểu thêm về một chiếc thuyền đua có cấu tạo bởi những thành phần như: be gồm hai lá ván hai bên bằng gỗ kiền kiền. Sườn trong của thuyền đua thường được làm bằng gỗ mít để đảm bảo không co giãn và nhẹ. Cuối cùng là mê thuyền được làm bằng nhôm thường. Mỗi thuyền đua thường dài 17m và nặng 800kg. Như chiếc thuyền đua cha con ông Nhứt vừa hoàn thành cho một đơn vị đặt hàng đang trong quá trình chạy thử nghiệm… đủ chỗ cho 25 tay đua ở cuộc đua tập được bày ra giữa thuyền mới và thuyền cũ trên vùng sông nước Tam Giang vào một ngày mới đây, phải mất 60 ngày công mới hoàn thành. Chiếc thuyền mới đã khá dũng mãnh theo như cách nói của những tay đua Tam Hải, nhưng ông Phạm Nhứt vẫn miệt mài theo dõi, chú ý từng chi tiết nhỏ trong suốt cuộc đua tập để tiếp tục hoàn thiện trước khi chính thức giao cho chủ nhân. Đây là cách mà người đóng thuyền dạn dày kinh nghiệm như ông thường làm mấy chục năm và cũng là cách để ông chiếm được tình cảm của những tay chèo xứ Quảng.

Nghề cha truyền con nối

Nghề đóng thuyền đua của gia đình ông Phạm Nhứt được truyền nối qua bốn đời từ ông cố, ông nội, đến cha ông và nay là ông. Không phải dân đua ghe, nhưng dường như ngày hội đua ghe từ lâu đã là hơi thở trong cuộc sống gia đình này. Cha ông Phạm Nhứt là Phạm Ngọc lúc sinh thời là một người mê đua thuyền hết mực. Hễ có hội đua ghe diễn ra thì dù trong nhà có cưới hỏi, giỗ chạp đều phải dừng lại để đi xem. Mê đến nỗi ông Ngọc dặn dò con cháu mình rằng, nếu có ngày hội đua ghe thì dù có là đám giỗ ông cũng phải… đình lại hôm khác để con cháu được đi xem. Niềm đam mê ấy mãi là ánh lửa được thắp trong tâm hồn những thế hệ sau của gia đình đóng thuyền đua này.

Cha con ông Nhứt đang hoàn tất công đoạn đóng thuyền.Ảnh: NGỌC KẾT
Cha con ông Nhứt đang hoàn tất công đoạn đóng thuyền.Ảnh: NGỌC KẾT

Trong cuộc đời đóng thuyền đua của ông Phạm Nhứt có nhiều dấu ấn khó quên. Đó là những lần ông đóng thuyền cho các đội đua danh tiếng ở đảo Lý Sơn- Quảng Ngãi hay Ninh Thuận… Thuyền ông đóng thi đấu cùng các tay đua giành chiến thắng liên tục nên khiến các đối thủ phải tìm cách liên hệ với ông để đặt hàng thuyền đua. Nhiều năm ông Phạm Nhứt đóng thuyền đua cho huyện Duy Xuyên, lập thành tích cao tại các giải đua thuyền của tỉnh, UBND huyện Duy Xuyên tặng cho ông nhiều bằng khen và đề nghị làm hồ sơ trình các cấp để phong tặng danh hiệu nghệ nhân đóng thuyền cho ông Nhứt.

Là người đóng thuyền đua hiếm hoi ở xứ Quảng, mấy chục năm qua ông Phạm Nhứt và hai người con trai của mình đã dành nhiều tâm huyết để tìm tòi, nghiên cứu tìm ra cách đóng những chiếc thuyền sao cho vừa nhẹ, vừa chắc lại đảm bảo độ uy lực cùng các tay đua rẽ sóng. Ông bảo, nhiều đêm không ngủ cứ suy nghĩ liên tục về cách đóng thuyền, nhìn ngắm những chiếc máy bay trên không hay con tàu ra khơi trên biển… và tự lý giải quá trình vận hành của nó để có thể áp dụng vào việc đóng thuyền đua. Là nghề gia truyền từ bao đời cho nên cái chính là tự học, tự mày mò sáng kiến để tạo uy tín cho mình. Ban đầu gia đình ông chỉ đóng cho một vài đội đua ở Núi Thành. Thấy thuyền ông đóng có tiếng, nhiều đơn vị khác tìm đến và đặt hàng. Vậy là giờ đây, hễ nói đến thuyền đua ở xứ Quảng là phải nhắc đến ông Phạm Nhứt ở Đông Thạnh Tây - Tam Hòa. Cũng có nhiều nơi khi xem qua thuyền ông Nhứt đóng rồi tự đóng thuyền đua cho mình, nhưng khi mang ra đua đã liên tục thất bại nên phải mang tới để ông sửa chữa. “Cái nghề, ngó thì thấy đơn giản vậy, nhưng để có một chiếc thuyền đua thực thụ thì chẳng hề dễ dàng…”- ông Nhứt nói.    

Phạm Viết Thư (33 tuổi, con trai út ông Phạm Nhứt) cũng là một người mê đắm đua thuyền hệt như cha mình. Theo cha học nghề từ tuổi đôi mươi, giờ đây Thư và anh trai đầu Phạm Phú Phước có thể tự đóng hoàn chỉnh một chiếc thuyền đua. Ông Phạm Nhứt rất tự hào về những người con của mình, bởi trước một cuộc sống hiện đại có quá nhiều thứ để quan tâm, quá nhiều điều thu hút giới trẻ, vậy mà các con ông vẫn một lòng theo đuổi nghề truyền thống của gia đình. Ông Nhứt bảo đó là cái phúc của gia đình ông. Nhìn cách Phạm Viết Thư quanh quẩn bên cha, tỉ mẩn học hỏi từng li, từng tí và say đắm với con thuyền đang dần hoàn thành ở xưởng đóng thuyền của gia đình… thì cũng dễ hiểu niềm tự hào của ông Phạm Nhứt.

Sông nước xứ Quảng trải dài qua những làng quê từ cửa An Hòa cho đến Cửa Đại, cuộc sống của những con người quanh năm lênh đênh trên sóng bao giờ cũng đi cùng với niềm hứng khởi của những cuộc đua thuyền vào dịp lễ, tết hằng năm. Khát vọng có những chiếc thuyền đua dũng mãnh để rẽ sóng ở mỗi cuộc đua của các thành viên trong gia đình ông Phạm Nhứt cũng hệt như khát vọng chinh phục con sóng, mạnh mẽ chiến thắng bão dông, vững vàng tay chèo giữa sóng nước mênh mông của những ngư dân xứ Quảng.

NGỌC KẾT

NGỌC KẾT