Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ X (2015 - 2016): Bức tranh nhiều mảnh ghép
Qua 10 năm, Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục khẳng định dấu ấn bằng những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống của mảnh đất và con người xứ Quảng trên hành trình xây dựng quê hương.
Đa dạng đề tài
Với 165 tác phẩm của 108 tác giả, nhóm tác giả dự thi ở 4 loại hình: báo in, báo nói, báo hình và ảnh báo chí, Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ X tiếp tục được khẳng định có nhiều nét nổi bật cả về số lượng và chất lượng. Sự đa dạng, phong phú được thể hiện trong từng câu chuyện đời thường về người tốt, việc tốt; các giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất và con người Quảng Nam; hay những vấn đề bức xúc của xã hội, các sự kiện nóng, sự kiện nổi bật về tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo,… được phản ánh có chiều sâu, mang hơi thở cuộc sống.
Theo nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, thành viên Ban giám khảo, so với mùa giải trước, năm nay số lượng dự thi báo in vẫn chiếm ưu thế với 95 tác phẩm của 51 tác giả, nhóm tác giả. Mặc dù chất lượng có nâng lên nhưng vẫn còn khá dàn đều và chưa có tác phẩm nào thực sự tạo được sự bứt phá nổi bật. Điểm mới của mùa giải năm nay là sự tách bạch giữa loại hình ký báo chí và bài phản ánh, tường thuật ở báo in, tạo hướng mở để những người làm báo có “đất” tung hoành. Điều khá bất ngờ, chính loại hình ký báo chí lại có nhiều tác phẩm dự thi nhất, trong đó nhiều phóng sự, ghi chép, ký chân dung, loạt bài dài kỳ đạt chất lượng, được đầu tư công phu, phản ánh muôn màu cuộc sống của mảnh đất và con người xứ Quảng đầy sinh động. Đó là loạt bài dài kỳ “Huỳnh Thúc Kháng - một đời vì vận nước” của nhóm tác giả Lê Đức Dục, Hồ Tấn Vũ (Báo Tuổi trẻ); hay loạt tác phẩm ký chân dung “Lam Hà - người kể chuyện làng”, “Anh em nhà họ Đặng”, “Phạm Văn Hạng - cái đau làm chín cái vui”, “Tuồng xưa còn vọng tiếng này” của tác giả Song Anh (Báo Quảng Nam); “Báu vật trên đỉnh Ngọk Ly” của Lê Trung (Báo Tuổi trẻ); “Và rồi, triệu phú lại nghèo” nhóm tác giả Alăng Ngước - Thành Công (Báo Quảng Nam)…
Trao thưởng cho các tác giả đoạt Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ VIII (2013 - 2014). |
“Bên cạnh những tác phẩm có tính phát hiện, vẫn còn khá nhiều “hạt sạn” về sự rất ít tác phẩm dự thi ở các mảng xây dựng Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cải cách hành chính và đề tài về mảng công nghiệp. Ngoài ra, mảng đề tài người tốt, việc tốt còn nặng về phản ánh nhiều hơn là chất ký” - nhà báo Nguyễn Hữu Đổng nhận xét.
Trong khi đó, nhiều tác phẩm dự thi ở các loại hình báo nói, báo hình và ảnh báo chí nhận được sự đánh giá chưa cao, chất lượng chưa đồng đều, thiếu sự đầu tư. Đề tài về lĩnh vực ngành quân đội, an ninh - quốc phòng, trật tự trị an thiếu vắng ở báo hình, sự tham gia không đồng đều và ít có đầu tư của các đài huyện… cũng là những hạn chế chung đáng lưu ý.
Bức tranh đa màu sắc
41 tác phẩm đoạt giải Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ X (2015 - 2016) có 41 tác phẩm đoạt giải của 41 tác giả, nhóm tác giả trên tổng số 165 tác phẩm của 108 tác giả, nhóm tác giả dự thi (trong đó, có 5 tác phẩm đoạt giải Nhất, 8 giải Nhì, 10 giải Ba và 18 giải Khuyến khích). Cụ thể: ở thể loại báo viết, có 16 tác phẩm đoạt giải, gồm: 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 4 giải Ba và 6 giải Khuyến khích; báo hình có 13 tác phẩm đoạt giải, gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 6 giải Khuyến khích (trong đó, không có giải Nhất, Nhì ở thể loại Giải tin, phóng sự ngắn, tọa đàm trực tuyến); báo nói có 6 tác phẩm đoạt giải, gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 3 giải Khuyến khích; ảnh báo chí, có 6 tác phẩm đoạt giải, gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 3 giải Khuyến khích. Tổng trị giá giải thưởng lần thứ X là 192 triệu đồng. |
Từng nhiều năm tham gia làm giám khảo, nhà báo Trương Công Định - Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Đà Nẵng cho rằng, ở giải lần này, sự phong phú về thể loại, đề tài và chất lượng sản phẩm dự thi đã phản ánh nhiều mặt sống động về đời sống xã hội, khắc họa một bức tranh đa màu sắc của vùng đất Quảng Nam trong năm qua. Nhiều tác phẩm viết về đề tài vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ trọng lớn, tập trung phản ánh được những điển hình nhân tố mới, những thành tựu trong công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi của tỉnh, những vấn đề bức xúc trong bộ mặt chung của xã hội. Sự đa dạng còn thể hiện ở nhiều góc độ của đời sống vùng cao, được phác họa đầy tính chân thực giữa quá khứ và hiện tại và sự tác động quyết liệt của những “luồng gió độc” vào cuộc sống của đồng bào. Cùng với các chủ đề về lịch sử, truyền thống cách mạng, danh nhân xứ Quảng, nhiều tác phẩm đã phản ánh về công cuộc đổi mới, các vấn đề về môi trường trong cuộc sống hiện nay.
Theo ban giám khảo, sự đầu tư, chắt lọc trong từng câu chuyện của các tác giả đã tạo nên tính hấp dẫn cho người đọc, người nghe. Ở đó, có cả câu chuyện cảm động về những giáo viên ngày đêm cắm bản để “cõng chữ” cho con em đồng bào miền núi như tác phẩm “Cõng chữ cõng tình” của Phạm Văn Hào (Báo Quảng Nam). Hay tấm gương bảo bọc cho sinh linh bé bỏng bị bỏ rơi với tấm lòng thật rộng mở như chính tên tác phẩm “Món quà của đời” của Phạm Tấn Lực (Báo Tuổi trẻ). Tất cả như toát lên vẻ đẹp về sự hy sinh thầm lặng với bao ý nghĩa cuộc sống từ những nỗ lực tự thân và hướng về cộng đồng.
Đối với loại hình ảnh báo chí, nhà báo Vũ Công Điền - thành viên Ban giám khảo chia sẻ, hầu hết tác phẩm dự thi đã phản ánh đa dạng trên mọi lĩnh vực cuộc sống, từ biển đảo, môi trường, đến văn hóa - xã hội, đảm bảo với tiêu chí cuộc thi. Nhiều tác phẩm có chất lượng khá tốt, ghi lại những khoảnh khắc rất nóng, rất thời sự của xã hội diễn ra hàng ngày trên vùng đất Quảng Nam, thể hiện cách nhìn mới lạ, góc máy độc đáo của tác giả khi bấm máy. Ở thể loại báo hình, nhà báo Mai Văn Tư - Giám đốc Đài phát thanh - truyền hình Quảng Nam cho hay, ưu điểm ở loại hình này là các nhà báo đã biết vận dụng khai thác chủ đề về biển đảo, về quê hương xứ Quảng một cách khôn khéo, hấp dẫn. “Các vấn đề thời sự về xâm thực biển, làm đường giao thông, đầu ra cho nông sản và một số phim tài liệu về chủ quyền biển đảo, miền núi cũng được đầu tư khá công phu, sáng tạo về chủ đề, cách thể hiện, xử lý tư liệu và hậu kỳ. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm cũng thể hiện được tính nhân văn cao của con người trong nhịp sống hiện đại” - nhà báo Mai Văn Tư nói.
Còn rất nhiều tác phẩm hay, ý nghĩa về dấu ấn cuộc sống của người dân xứ Quảng trong suốt chặng đường phát triển. Đi qua 10 mùa giải, người làm báo xứ Quảng cũng “gói” cho riêng mình từng mảnh ghép nhỏ về bức tranh cuộc sống đa màu sắc ấy. Cũng là để ghi dấu thêm về một sân chơi đầy ý nghĩa, vinh danh những “đứa con tinh thần” trong làng báo Quảng Nam nói riêng và người làm báo nói chung, hướng đến kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Phan Xuân Hiền (Báo Quảng Nam): Sân chơi chuyên nghiệp Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng là một sân chơi chuyên nghiệp cho những người làm báo ở trong và ngoài tỉnh. Sân chơi đó ngày càng được nâng tầm, thu hút ngày càng nhiều đội ngũ phóng viên, nhà báo tham gia hưởng ứng theo từng năm. Đây cũng là cơ hội để người làm báo nhìn lại những nỗ lực của mình trong suốt một năm lao động miệt mài, chăm chỉ để cho ra đời những “đứa con tinh thần” đầy trân quý của bản thân, gửi gắm nhiều thông điệp cho độc giả. Phóng viên Bùi Tấn Sỹ (Đài PT-TH Quảng Nam): Nhìn lại một năm lao động Là phóng viên được phân công phụ trách địa bàn miền núi, với tôi Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng không chỉ đơn thuần là để vinh danh, mà còn giúp bản thân tự ghi nhận những cố gắng của mình qua một năm lăn lộn. Những giải thưởng, tác phẩm được đồng bào đón nhận, được đồng nghiệp đánh giá, chia sẻ sẽ giúp bản thân có cái nhìn tổng quan hơn về nghề nghiệp của mình, từ đó sẽ tự đề ra cho mình hướng đi, hướng phấn đấu, làm sao có những bài viết phóng sự, những thước phim chân thật, gần gũi với đồng bào để phản ánh được hơi thở cuộc sống, cách làm hay của đồng bào vùng cao. |
ALĂNG NGƯỚC