"Cẩm nang" tốc ký...

PHAN CHÍ ANH 21/06/2016 08:52

Ngày nay, cánh nhà báo tác nghiệp không phải gồng mình tốc ký như trước vì đã có máy móc “nhìn” giúp, “nghe” giúp. Chỉ có điều, không biết cái sự ghi chép hiện đại như thế này có ghi lại được hết cảm xúc, nỗi vất vả hay những chi tiết ngoài lề như một thời mà mọi công đoạn của quá trình làm báo đều rất thủ công?  

Sáng tạo trong cách viết

Khi mà các thiết bị ghi âm, quay video clip kỹ thuật số còn chưa phổ biến như bây giờ, mỗi lần tham dự các cuộc họp quan trọng hay đi cơ sở lấy tư liệu viết bài, cánh nhà báo luôn phải căng mình ra để ghi chép. Gặp người nói năng chừng mực, khúc chiết, ý nào ra ý đó thì còn dễ thở, còn gặp phải người nói ý nọ xọ ý kia, nói nhanh, nói lặp, nói không tròn vành rõ chữ thì y như rằng, nhà báo vừa phải “vểnh” tai lên để nghe, vừa phải gồng mình ghi chép. Có lẽ xuất phát từ những tình huống nghề nghiệp kiểu ấy nên trước đây, trong chương trình đào tạo sinh viên báo chí, ngoài các học phần chuyên môn, nghiệp vụ ra, các trường còn dạy thêm cho sinh viên kỹ năng tốc ký hoặc trang bị cả một gói kỹ năng đặc thù và cũng rất “đồng bộ”: tai nghe, mắt nhìn, chân đi, tay viết.

Tác nghiệp trên biển.
Tác nghiệp trên biển.

Trải qua một chặng đường dài với những đổi thay rất cơ bản về công nghệ hỗ trợ hoạt động tác nghiệp của nhà báo, bây giờ ngồi lật lại những cuốn sổ ghi chép tốc ký một thời, không khỏi... ngỡ ngàng khi phát hiện ra ở đấy có bao điều thú vị. Có lẽ do phải ghi nhanh, chép gấp, chữ nghĩa hầu hết rất ngoằn ngoèo; nhiều chữ bây giờ đọc lại, phải ngẫm nghĩ một lúc lâu mới đoán được đó là chữ gì. Các ký hiệu toán học, hóa học, chữ viết tắt và cả những từ tiếng Anh, tiếng Pháp đơn giản thì nhiều vô kể. Như với người viết bài này, khi xem lại những cuốn sổ tay tác nghiệp cách đây ngót 20 năm, bỗng thấy chữ viết của mình sao “lạ lẫm” đến vậy. Trong một trang ghi chép đề ngày 7.11.1999, tiêu đề được viết như sau: “CTLTT chủ trì tr/kh CTKPHQLL”. Nếu không đọc hết phần ghi chép bên dưới, không lục lại trí nhớ về các sự việc xảy ra ở thời điểm ấy, chắc chắn không thể “dịch” ra được câu hoàn chỉnh là “Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Tập chủ trì cuộc họp triển khai công tác khắc phục hậu quả lũ lụt”... Khi tếu táo về chuyện nghề, anh em nhà báo vẫn thường nói vui với nhau, mà xem ra cũng đúng: “Chỉ riêng khoản viết tắt, viết bằng ký hiệu không thôi cũng đủ để thấy nhà báo tụi mình vừa năng động, thông minh vừa có kiến thức rộng cỡ nào(!)”.

Công thức 10 - 1 trong tiếp nhận

Không chỉ thường xuyên phải tốc ký và sử dụng phổ biến các “mẹo vặt” kể trên, hầu hết nhà báo từng trải qua thời kỳ công nghệ hỗ trợ tác nghiệp còn lạc hậu còn có thói quen ghi chép kỹ và nhiều. Có những cuộc họp chỉ diễn ra hơn một tiếng đồng hồ nhưng nhà báo ghi kín 4 - 5 trang sổ tay. Ghi chép nhiều là vậy nhưng gom lại trên mặt báo có khi chỉ là một mẩu tin ngắn. Đặc biệt là tại các sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng hay họp HĐND, một số nhà báo ghi chép nhiều và chi tiết không khác gì biên bản của thư ký hội nghị. “Đáng nể” không kém là những trang ghi chép nội dung phỏng vấn các nhân vật quan trọng. Chỉ vì không sẵn có máy ghi âm, toàn bộ nôi dung hỏi - đáp giữa nhà báo và người được phỏng vấn buộc phải chép tay bằng phương pháp tốc ký. Theo một số nhà báo trưởng thành trong giai đoạn này, việc anh em làm báo lúc bấy giờ ghi chép nhiều trước hết một phần là do quy định nghề nghiệp và do thói quen. Cạnh đó, lúc bấy giờ công nghệ in sao tài liệu (photocopy) chưa phổ biến - nếu không muốn nói là còn xa xỉ, không ít loại tài liệu “có vẻ bình thường” nhưng vẫn còn nằm trong danh mục phổ biến hạn chế, thành ra muốn có thông tin đầy đủ phục vụ việc viết tin, bài, nhà báo không còn cách nào khác là phải lắng nghe và ghi chép càng nhiều, càng kỹ lưỡng càng tốt. Nhà báo Bùi Minh Phụng, hiện công tác tại Báo Quảng Nam - người từng có thời gian dài phụ trách mảng thời sự - chính trị là một trong những người hiện còn lưu giữ được khá đầy đủ những cuốn sổ tay đặc kín chữ như thế. Kèm theo từng phần ghi chép ấy anh còn cẩn thận lưu trữ cả giấy mời, giấy triệu tập của mỗi hội nghị, cuộc họp. Ở một mức độ nào đó, những trang ghi chép cẩn trọng, đầy đủ ấy có thể xem là một phần “biên niên” về đời sống chính trị - xã hội địa phương một thời.

Khi còn là Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, nhà báo Hồ Duy Lệ từng nhắc anh em thực hành công thức 10 - 1 trong tiếp nhận, khai thác, xử lý và sử dụng thông tin nghề báo. Anh bảo, bất kể đi họp hay đi tìm hiểu thực tế ở cơ sở, gặp gì cũng phải nghe và ghi chép đầy đủ, nhưng khi thể hiện trong các bản tin hay bài viết, chỉ nên sử dụng 1/10 lượng thông tin mà mình có được. Tất nhiên, đó phải là những thông tin cốt yếu, quan trọng nhất. “Cứ ghi chép thật nhiều, thật kỹ, thật chi tiết, những gì có thể dùng được ngay thì dùng, những cái còn lại cứ để đấy, biết đâu có lúc lại cần”. Mà đúng vậy thật, học cách làm của anh, bây giờ lật tìm trong những cuốn sổ tay cũ, có thể tìm thấy bao nhiêu là thông tin quý giá mà theo thời gian, nhiều người - trong đó có cả những người trong cuộc, đã quên. Và có lẽ cũng nhờ thực hiện triệt để công thức 10 - 1 ấy, sau này, khi đã về nghỉ hưu, nhà báo Hồ Duy Lệ viết được nhiều bài báo hay “từ ký ức” dày đặc những chi tiết thú vị và sống động.

Bây giờ, hầu hết anh chị em làm báo đều được hoặc tự trang bị các phương tiện, công cụ hỗ trợ hiện đại, tinh gọn. Thay vì phải kè kè cuốn sổ tay to đùng, dày cộp, nhà báo bây giờ chỉ mang theo cuốn sổ mỏng bé như bàn tay. Khai thác, tiếp nhận, thu thập dữ liệu có thể thực hiện ngay trên máy tính kết nối internet qua email, chat và kể cả facebook. Tiện lợi là vậy, nhưng với tôi, cẩm nang tốc ký dường như vẫn giữ được xúc cảm của sự kiện, sự việc khi lần giở những trang giấy cũ.

PHAN CHÍ ANH

PHAN CHÍ ANH