Gom nhặt chuyện nghề
Đằng sau những bài báo được độc giả đón nhận là những câu chuyện của nghề, vui có, buồn có, đôi khi dài như tiếng lòng...
KHÔNG CHO PHÉP MÌNH GỤC NGÃ
1. Năm ngoái, trong một trận đá bóng giao hữu, không may chân trái tôi bị gãy, phải bắt 7 ốc vít “cắm” bên trong. Vậy là đành ở nhà “an dưỡng”. Có những lúc, đôi chân không thể đứng yên, tôi muốn đi trở lại một chuyến thật dài về phía núi. Nhưng đành chịu. Suốt gần một tuần ở bệnh viện, tôi cảm nhận được tâm trạng và nỗi vất vả của người bệnh, người nuôi. Lần đầu tiên tôi thấy mình bất lực. Vài tuần sau đó, tôi chỉ quanh quẩn trong nhà với đôi nạng gỗ và bước chân nặng trĩu. Thật may, bài báo cho số đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã được tôi chuẩn bị từ trước. Chỉ còn thiếu một bài viết lấy ý kiến của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng về những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào miền núi trước thềm đại hội. Vậy là tôi tìm cách kết nối với nhân vật của mình, rất khó khăn bởi thật khó để “gặp” các già làng qua… điện thoại. Cuộc kết nối thành công, sau vài câu “mắng” của các già làng với tôi, vì “tội”... nói nhỏ. Tôi chỉ biết cười, vì thật ra, những cuộc nói chuyện với các già làng, tôi đã “bật” hết âm lượng đến độ một đồng nghiệp của tôi bảo: “Nói gì mà hét to như mắng người ta”.
Tác giả trong buổi tác nghiệp tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ II. |
Đi công tác vùng cao, tôi luôn được các già làng đặc biệt quan tâm. Sự quan tâm ấy không chỉ thể hiện bằng cách chào hỏi, tiếp đón, mà còn cả những câu chuyện đầy niềm vui, thân mật. Năm ngoái, tôi cùng một đồng nghiệp đến làng Voòng (xã Tr’Hy, Tây Giang) để tìm hiểu về điệu nói lý - hát lý của đồng bào Cơ Tu, theo lời giới thiệu của Bí thư Huyện ủy Bh’riu Liếc. Trưa, làng Voòng vắng người, chỉ lác đác phụ nữ trở về từ rẫy. Căn nhà của già Clâu Blao nằm chênh vênh trên sườn đồi, cạnh con đường mới. Sau vài câu chào hỏi, già Blao đã đón chúng tôi vào nhà, rồi “ra lệnh” cô con gái nấu cơm mời khách. Cơm nước xong xuôi, già cho gọi thêm vài cụ cao niên trong làng cùng hỗ trợ giúp chúng tôi hoàn thiện đề tài chỉ sau một cuộc rượu thân mật.
2. Cuối năm 2014, tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ II, tôi tác nghiệp trong bộ trang phục thật đặc biệt: áo khoác truyền thống của đồng bào mình - dân tộc Cơ Tu. Kể từ khi bước chân vào nghề báo, đây là lần đầu tiên tôi diện trang phục truyền thống đến tác nghiệp tại sự kiện lớn của tỉnh. Bởi vậy, sự khác lạ của tôi khiến nhiều đồng nghiệp tỏ ra khá bất ngờ. Bên lề đại hội, vài người quen, cũng là anh em đồng bào miền núi của tôi đến vỗ vai khen “đẹp” đầy phấn khích. Tôi hòa mình cùng sắc màu truyền thống đầy niềm vui xen lẫn niềm tự hào và chợt thấy mình như đang được âu yếm trong vòng tay yêu thương của đồng bào, anh em miền núi nguồn cội. Cũng có một vài người quen, là anh em đồng bào Kinh ở miền xuôi khi thấy tôi mặc trang phục truyền thống, nói đùa rằng “Báo Quảng Nam có trang phục lạ và đẹp thế. Cho anh em cùng đăng ký nhé!”, là bởi họ biết tôi cũng là người Cơ Tu, luôn tự hào với bản sắc của đồng bào mình. Và trong đâu đó ngoài xã hội, vẫn có không ít con em đồng bào miền núi tỏ ra khá ngại ngùng khi nhận mình là người dân tộc thiểu số trước đám đông, trước bà con miền xuôi. Thiệt lạ lùng!
3. Trong số hàng trăm bài báo của tôi, đa số là những tác phẩm được viết về đồng bào miền núi, từ đời sống xã hội, văn hóa, du lịch, cho đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, cải cách hành chính. Và, cũng trong số bài viết tuyên truyền, cũng có một vài bài viết mang tính phản biện, góp ý cho quá trình xây dựng và phát triển ở vùng miền núi, luôn được bạn đọc quan tâm. Nhưng cũng có không ít “người trong cuộc” kiếm cớ sinh sự, thậm chí phản hồi theo kiểu “trả đũa” với lời lẽ rất khó nghe.
Đầu năm 2014, từ đơn thư của bạn đọc, tôi thực hiện bài viết phản ánh về trường hợp một học sinh đồng bào Cơ Tu bị thầy hiệu phó của trường dùng cây đánh vào bắp chân đến bầm tím, xảy ra tại huyện miền núi Tây Giang. Sau khi bài báo đăng, tôi nhận được điện thoại từ một người tự xưng là giáo viên, cũng là bạn của thầy hiệu phó kia, hàm ý trách móc vì “chuyện nhỏ, không đáng lên báo”. Không lâu sau đó, tòa soạn gửi email đến tôi, kèm thông tin phản hồi của bạn đọc và không ai khác, chính là người đã điện thoại cho tôi trước đó. Phản hồi khá dài, chủ yếu ý kiến cá nhân của bạn đọc. Vấn đề là tôi không làm sai điều gì.
Làm báo, nhiều khi vui, nhiều khi buồn và cũng đầy tâm sự. Nhưng người làm báo không cho phép mình gục ngã, tôi nghĩ vậy, vì phía trước con đường tôi đang đi vẫn còn có nhiều câu chuyện chưa thể biết trước. Bên tôi còn có đồng bào tôi, luôn sát cánh bên tôi trên mỗi bước đi dù có chông gai đến mấy. (ALĂNG NGƯỚC)
NHỮNG CHUYẾN RONG CHƠI
Tôi ngồi lại bên cây cầu gỗ cạnh làng Aur. Nước trong veo, vang tiếng lũ trẻ con mải mê cười đùa phía cánh đồng cỏ cuối làng. Lòng cứ ước giá như khoảnh khắc yên bình này kéo dài mãi, như một kiểu xúc cảm ích kỷ cho riêng mình. Đó cũng chính là một thứ đặc ân mà nghề, sau sóng gió, đã mang lại cho tôi trong những lần đi về phía núi…
Tác giả trong một ngôi nhà của dân làng Aur (xã A Vương, Tây Giang). |
Đã hơn một năm kể từ ngày tôi đặt chân đến Aur, ngôi làng nhỏ của xã A Vương (Tây Giang) nằm tách biệt trong những cánh rừng. Một làng nhỏ chỉ chừng vài chục hộ rất đẹp và rất sạch của người Cơ Tu. Mất 6 tiếng đồng hồ đi theo con đường mòn độc đạo xuyên qua những tán rừng, chúng tôi đến được Aur. Và ở đó, sống cùng với họ trọn một ngày, rồi đêm về nghe họ hát, uống rượu cùng họ, thứ rượu cần ngọt nồng của người vùng cao. Chúng tôi được đón đãi ân cần hệt như đứa con xa trở về. Người Cơ Tu chân tình mà hồn hậu. Không một nghi ngại, không tính toán thiệt hơn, và chúng tôi, như có cảm giác đang được chở che bởi cả một ngôi làng. Sáng sớm hôm sau, tôi đã ngồi thật lâu bên cây cầu gỗ cạnh làng, nhìn nắng xiên qua những tán lá rừng, nghe lũ trẻ cười đùa tan theo tiếng suối reo. Những mệt mỏi đã gác lại đâu đó ngoài kia, để đắm mình trong nhịp sống rất chậm của làng, giữa rừng già xanh thẳm. Một chuyến đi thật đẹp!
Những hành trình của chúng tôi, đằng sau công việc, còn là cuộc dạo chơi về những vùng đất lạ, như Aur, mà không phải ai cũng may mắn được đi, được đến nhiều như thế. Như lần ngược lên đỉnh Ngọc Linh để đến Măng Lùng (xã Trà Linh, Nam Trà My), chúng tôi đã có dịp đi qua một ngôi làng thật đẹp: Kon Bin. Buổi sáng, làng Kon Bin như một ban công chìa ra, phía dưới là cả một cánh đồng mây trắng. Đầu làng có một đồng cỏ xanh rì, quanh năm gió mát. Khi chúng tôi đến, trời thì cao và rất xanh, rọi nắng lên những mảnh ruộng bậc thang vào mùa của người Xê Đăng. Kon Bin đẹp đến ngỡ ngàng. Không như những vùng đất nổi danh, Kon Bin xa lạ, vô hình trên bản đồ du lịch, nhưng lại khơi gợi lên vô vàn cảm xúc tươi mới cho chúng tôi, những kẻ lữ hành chưa bao giờ muốn dừng lại.
Những bản làng phía tây xứ Quảng còn biết bao điều để khám phá. Với tôi, mỗi chuyến đi, là một lần bắt gặp những khung cảnh đẹp, những khoảnh khắc đẹp, và cả những xúc cảm đẹp cho riêng mình. Đã có lần, tôi theo vợ chồng người ngư dân nghèo ở xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên), lênh đênh một đêm ròng trên dòng Thu Bồn gần Cửa Đại, đánh cá và cất rớ. Không chỉ là trải nghiệm ngắm dòng Thu Bồn về đêm, trong lấp lóa những ánh đèn trên “rớ” của ngư dân, mà có cả bình minh lấp loáng phía Cửa Đợi, giữa mênh mông sông nước, khi những nhịp cầu Cửa Đại vẫn đang vươn mình chờ hợp long. Chắc hẳn, sẽ khó tìm được một “tour” du lịch nào như thế, mà tôi đã may mắn được trải nghiệm bằng nghề báo của mình.
“Tỉnh dậy hoàn toàn đơn độc trong một thị trấn xa lạ là một trong những cảm xúc tuyệt vời nhất trên thế giới” - câu văn của Freya Stark đã theo tôi suốt những chuyến đi dài như thế. Đi để biết, đi để trải nghiệm, và đi để tận hưởng những xúc cảm tuyệt vời trong hành trình của mình. Những xúc cảm luôn tươi mới, như một thứ hấp lực vẫy gọi từ những chuyến đi, mà chúng tôi đã không thể nào cưỡng lại được mỗi lần có dịp.
Và vì thế, chiếc ba lô của chúng tôi luôn sẵn sàng… (PHƯƠNG GIANG)
TÁC NGHIỆP Ở TRƯỜNG SA
Đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua, tôi vinh dự là một trong số ít những phóng viên được cử đi tác nghiệp ở Trường Sa để phản ánh công tác bầu cử sớm của quân dân trên các đảo. Đây là một chuyến hải trình đặc biệt, để lại dấu ấn sâu đậm đối với một nhà báo trẻ như tôi.
Tác giả tác nghiệp trên đảo Song Tử Tây của quần đảo Trường Sa. |
Các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa tiến hành bầu cử sớm trước một tuần lễ (15.5) so với ngày bầu cử của cả nước. Nhận nhiệm vụ đột xuất từ lãnh đạo cơ quan để đi Trường Sa tác nghiệp về công tác bầu cử, tôi vừa tự hào nhưng cũng rất lo lắng vì đây là lần đầu đến với Trường Sa. Ngày 5.5, hai tàu hải quân rời quân cảng Cam Ranh chia làm hai hướng đến các đảo nằm ở phía bắc và phía nam quần đảo Trường Sa để triển khai công tác bầu cử. Được “biên chế” trên tàu 633, tôi cùng đoàn công tác thực hiện hải trình đến 10 đảo nằm ở phía bắc quần đảo.
Viết tin trên điện thoại, thức trắng đêm gửi hình
Tôi được cơ quan giao nhiệm vụ thực hiện 3 loại hình thông tin, gồm tin văn bản, tin truyền hình và tin ảnh. Công việc “3 trong 1” đối với một phóng viên rất nhiều áp lực nên đòi hỏi phải có kế hoạch tác nghiệp, xử lý thông tin hợp lý.
Khi tàu hải quân 633 trở về đất liền, trên tàu có thêm những người lính trẻ đi cùng, các chiến sĩ mới ở độ tuổi đôi mươi, vào đất liền để tham gia kỳ thi đại học sắp tới. Trong đó, tôi thực sự xúc động khi trò chuyện với chiến sĩ Phạm Trung Hiếu, quê ở Quảng Ninh. Hiếu có khuôn mặt rất hiền, làn da đen sạm vì nắng gió Trường Sa và lúc nào cũng nở nụ cười. Hiếu chia sẻ, do nhận được lệnh lên tàu gấp nên chỉ kịp mang theo chiếc ba lô và đồ dùng cá nhân, không mang được món quà gì từ đảo. Khi biết tôi là phóng viên, Hiếu liền ngỏ ý xin một vài tấm ảnh chụp về Trường Sa gửi qua điện thoại để khi về đất liền sẽ in ra và gửi tặng bạn bè. Hiếu chia sẻ lần này trở về đất liền sẽ đăng ký thi vào một trường đại học quân sự vì ước mơ sau này sẽ trở thành sĩ quan hải quân để lại được ra với Trường Sa, công tác gắn bó với đảo. |
Trong hành trình, anh em phóng viên chỉ được lên một số đảo với thời gian ngắn nên tôi cố gắng viết tin bài nhanh nhất phản ánh công tác chuẩn bị, không khí bầu cử của quân và dân trên các đảo để gửi về đất liền. Tuy nhiên do đặc thù tác nghiệp ngoài đảo xa, việc sử dụng USB 3G trên máy tính xách tay để truy cập vào gmail vô cùng khó khăn và dường như là không thể. Tôi đã chuyển sang phương án khác là viết tin, bài bằng phần mềm gõ văn bản trên điện thoại. Cách làm này tỏ rất hiệu quả vì có thể viết tin, bài ở mọi nơi, nhiều khi bị say sóng biển nằm trong tàu tôi vẫn làm được tin bài kịp thời. Điều quan trọng hơn, máy điện thoại kết nối mạng ổn định nên có thể gửi tin văn bản về nhanh. Đối với ảnh, chúng tôi phải nén file xuống mức thấp nhất có thể cho phép và phải gửi qua mục tin nhắn trên facebook. Riêng đối với sản phẩm thông tin truyền hình, việc gửi về đất liền đòi hỏi sự kỳ công. Khi tàu hải quân 633 neo đậu gần các đảo hoặc khi đoàn công tác lên đảo lúc đó mới có sóng điện thoại và internet. Tôi và anh em phóng viên khác thường thì ban ngày dựng hình sẵn và khi trời tối là bắt đầu gửi hình về. Nếu hơn một phút hình ở trong đất liền chỉ mất vài giây là có thể gửi xong thì ở ngoài Trường Sa anh em phóng viên phải cắt ra từng clip nhỏ gửi từ 7 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau và thường xuyên ngồi kiểm tra vì đường truyền hay bị tạm dừng trong quá trình gửi. Những đêm thức trắng để canh gửi tin truyền hình về cơ quan tuy vất vả nhưng chính lúc đó chúng tôi càng cảm thấy yêu nghề hơn.
Vẹn nguyên cảm xúc với Trường Sa
“Bâng khuâng!”, có lẽ là cảm xúc chung của mọi người sau khi trở về từ Trường Sa. Tôi vẫn còn giữ nguyên cảm xúc của mình khi nhìn thấy hòn đảo đầu tiên là đảo chìm Đá Lớn sau 2 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển. Rồi lúc ngắm đảo Sinh Tồn Đông đẹp lung linh khi hoàng hôn chớm buông từ trên boong tàu; những lúc ngắm trăng sáng vằng vặc giữa mênh mông biển khơi... Hay khi nhìn thấy những con tàu đánh cá xa bờ của bà con ngư dân với cờ đỏ sao vàng tung bay trên ngư trường truyền thống. Mỗi một hòn đảo của quần đảo Trường Sa đều có những nét đẹp rất riêng dù đó là đảo nổi hay đảo chìm, nhưng tất cả có một điểm chung là hình ảnh của những người lính đảo rất kiên trung nơi đầu sóng ngọn gió. Những ngày ở trên đảo, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được thế nào là “Nắng gió thiêu thịt da những ngày khát mưa. Muối đắng môi cười thèm cọng rau xanh”, như trong lời bài hát Sức sống Trường Sa. Tuy nhiên vượt qua những khó khăn vất vả, sự khắc nghiệt thời tiết ngoài đảo vẫn là niềm lạc quan yêu đời của các chiến sĩ.
Trong chuyến hải trình dài ngày trên tàu 633, bên cạnh việc hoàn thành công tác chuyên môn nghiệp vụ, anh em phóng viên trên tàu còn được trải nghiệm cuộc sống như một “thủy thủ”. Hàng ngày, chúng tôi phân công nhau xuống phụ bếp nấu ăn với nhà tàu; cùng câu cá trên tàu, cùng đi bắt ốc nhảy trên các bãi san hô ở đảo chìm với chiến sĩ hải quân để cải thiện bữa ăn.
Mỗi người con đất Việt khi đến với Trường Sa đều mang trong mình những cảm xúc rất riêng. Đối với tôi, lần đầu được đặt chân đến với Trường Sa và tác nghiệp trong một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước sẽ mãi luôn là một kỷ niệm đẹp trong nghề làm báo của mình. (TÚ UYÊN)
KHI PHÓNG VIÊN SUY LUẬN
Tôi suýt chút nữa mắc một tai nạn nghề nghiệp nghiêm trọng nếu tổng biên tập không kịp thời phát hiện. Tất cả chỉ vì suy luận chủ quan. Đó là trong cuộc họp, ngồi bên cạnh anh Phó Trưởng phòng Dân vận Quân khu 5, cơ quan cung cấp thông tin về bầu cử vừa rồi, tôi bèn hỏi luôn quân đội có bao nhiêu người ứng cử đại biểu Quốc hội. Anh thông tin vắn tắt tên, nơi công tác từng người, vì lúc này anh không mang theo văn bản. Những người anh nói, tôi cũng đã biết hết nên thấy không cần thiết phải lấy văn bản nữa, bèn viết nhanh và nộp tin. Tổng biên tập của tôi là người kỹ tính, nghi ngờ hỏi sao một tỉnh mà cả chỉ huy trưởng lẫn chính ủy đều ứng cử, không thể như vậy được và bảo tôi lấy văn bản về cho xem. Thì ra, bộ chỉ huy tỉnh này cũng có người tên Thành, nhưng chữ lót khác và cũng không phải chính ủy mà là phó chủ nhiệm kỹ thuật. Tôi hú hồn, may mà sửa kịp thời. Vốn là người rất cẩn thận vậy mà lần này tôi đã vấp phải lỗi sơ đẳng vì nghe không tới đầu tới đuôi lại suy luận vô căn cứ.
Có phóng viên nghe kể một vị giám đốc tuổi thơ khổ lắm bèn suy luận và đặt tít bài “Từ mò cua bắt ốc trở thành giám đốc”. Nhân vật được khen trong bài sau đó đã gửi thư đến tòa soạn không hài lòng vì ngày nhỏ có khổ nhưng ông chưa hề bắt ốc mò cua vì không có “cơ may” ấy. Lại có nhà báo từ xa nhìn con sông quê hiền hòa, làng mạc trù phú, về nhà viết rằng ngày trước hai bên bến sông thuyền bè qua lại đông đúc, dân buôn bán tấp nập. Vị lão làng ở địa phương đó phàn nàn rằng người viết không đến tận nơi mà chỉ tưởng tượng. Đặc điểm của làng này là không có bến sông. Có phóng viên cũng vì tin ở tờ kế hoạch của một buổi lễ quan trọng, trong đó ghi thành phần dự lễ có một quan chức cấp cao. Không ngờ sáng đó, vị lãnh đạo này không dự được. Ban tổ chức đã giới thiệu lại thành phần, nhưng phóng viên không chú ý. Kết quả báo đăng không đúng, bị rầy rà với cấp trên. Mới đây nhất, cô bạn tôi đi đưa tin tùy viên các nước ra mắt chào xã giao UBND TP.Đà Nẵng. Khi ra về cô mới nhớ chưa hỏi vị đại diện các tùy viên phát biểu là người nước nào bèn hỏi bạn đi cùng. Bạn này cũng “a ma tơ” trả lời đại là người một nước Nam Á, dù bản thân không biết chính xác. Nhìn vào trong ảnh thấy vị này râu quai nón, dáng dấp giống thiệt, bèn cứ thế đưa lên báo. Kết quả là cơ quan đối ngoại đã gọi điện đến tòa soạn phàn nàn vì thông tin không chính xác. Lại có phóng viên không đi đến tận nơi mà chỉ lấy tư liệu qua email. Để chứng tỏ bài có tính cơ sở, bèn lên mạng lấy tên chủ tịch xã nơi có đơn vị đứng chân “lồng” ý kiến vào với nội dung khen ngợi đơn vị này. Không ngờ vị lãnh đạo xã đã nghỉ làm từ 5 tháng trước. Đối tượng được khen mà không dám tặng báo cho địa phương. Có phóng viên viết về bão lụt của một huyện nhưng chỉ đi được nửa đường. Chủ quan huyện này vùng trũng, năm nào cũng bị lụt nên chỉ gọi điện thoại hỏi những thông tin chính rồi copy nội dung của năm ngoái đưa vào, trong đó có chi tiết thiệt hại hàng chục con bò do nước cuốn trôi. Huyện này đã gọi điện yêu cầu tòa soạn phải đính chính vì năm nay địa phương đã sớm triển khai việc di dời gia súc nên không hề có thiệt hại con bò nào…
Tai nạn nghề nghiệp hiếm khi do khách quan mà chính từ người viết gây ra nếu còn suy luận như vậy. (HỒNG VÂN)