Bỏ hoang công trình nước sạch

NGUYỄN QUANG VIỆT 17/06/2016 08:36

Người dân 2 thôn Cẩm Sơn và La Nga (xã Bình Lãnh, Thăng Bình) đang thiếu nước sạch trầm trọng. Trong khi đó, công trình nước sạch tập trung có giá trị đến 5,7 tỷ đồng lại bị bỏ hoang.

Công trình nước sạch Bình Lãnh bị bỏ hoang trong thời gian qua. Ảnh: Q.VIỆT
Công trình nước sạch Bình Lãnh bị bỏ hoang trong thời gian qua. Ảnh: Q.VIỆT

Điêu đứng vì thiếu nước

Giữa tháng 6, cao điểm của mùa nắng nóng, Bình Lãnh khan hiếm nước sạch trên diện rộng. Do địa hình chủ yếu là vùng đồi núi khô cằn nên nhiều giếng đào đã trơ đáy; còn giếng đóng, hút nước bằng mô tơ điện cũng vô hiệu. Ông Huỳnh Đình Cảnh (thôn La Nga) cho biết, trước đây gia đình sử dụng nguồn nước từ giếng đào. Vậy mà 2 tháng nay, giếng này không còn một giọt nước. Ông Cảnh đã phải vay mượn, đầu tư đóng giếng sâu xuống lòng đất đến vài chục mét, nhưng nước lúc có, lúc không. “Sáng sớm là thời điểm dễ bơm nước nhất mà nhiều khi gia đình chúng tôi cũng chịu thua, không lấy được nước. Nhiều khi bức bí quá, phải chạy xe máy lên hồ Cao Ngạn múc nước về dùng” - ông Cảnh than vãn. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phước Vinh, Trưởng thôn La Nga cứ lắc đầu lia lịa. “Ôi thôi, người dân ở đây điêu đứng vì thiếu nước sinh hoạt quá lắm rồi. Thôn này trước đây là căn cứ địa cách mạng, bọn giặc thả bom, rắc chất độc hóa học triền miên, nguồn nước độc hại lắm. Huyện đầu tư công trình nước sạch, tưởng khắc phục được điều đó hóa ra rầu lòng” - ông nói.

Trước tình trạng người dân xã Bình Lãnh thiếu nước sạch sử dụng, từ đầu năm 2014, huyện Thăng Bình lập hồ sơ xin vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung tại thôn La Nga để cung cấp nước sạch cho người dân ở 2 thôn Cẩm Sơn và La Nga. Công trình được xây dựng trong vòng 1 năm, trị giá 5,7 tỷ đồng và được bàn giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Lãnh (HTX Bình Lãnh) quản lý, đưa vào sử dụng từ tháng 1.2015. Công trình lấy nước từ 2 nguồn là hồ Cao Ngạn và nguồn nước tự chảy đấu nối từ đập và mương Cẩm La.  Khi đưa nước về bồn, lẽ ra được lọc sạch, sử dụng thì nguồn cát được bố trí lọc nước làm lấp kín hết các khoan ống dẫn nước. Vì thế, nước được dẫn về bồn lọc cứ tràn ra ngoài. Sau khi đi vào hoạt động vài ngày thì công trình hư hỏng, phải sửa chữa, đến tháng 8.2015 được hoạt động trở lại nhưng cũng chỉ được vài ngày. “Thời gian đó, đường ống dẫn nước từ đập và mương Cẩm La bị bể hoàn toàn do thi công đường giao thông. Máy bơm nước được bố trí trên đường ray để dẫn nước về bồn bị rơi xuống hồ Cao Ngạn do dây cáp chằng nối bị đứt. Vậy là hỏng luôn cả 2 nguồn dẫn nước. Từ đó đến nay, công trình bị bỏ hoang” - ông Nguyễn Bông, Giám đốc HTX Bình Lãnh cho biết.

Khó sửa chữa

Ông Bông cho rằng, việc công trình nước sạch được nghiệm thu và bàn giao cho HTX Bình Lãnh quản lý chẳng khác nào mang con bỏ chợ. Vì hợp tác xã không có kỹ sư vận hành, không biết xử lý thế nào khi có sự cố, trong khi đó công trình nước sạch này có quá nhiều việc phải quản lý. Ngoài ra, HTX Bình Lãnh không có điều kiện vật chất ổn định, không biết xoay xở thế nào khi công trình cần vốn để sửa chữa, nâng cấp hay thay thế thiết bị. Trong khi đó, mỗi khi công trình nước sạch có vấn đề, hợp tác xã báo cáo lên cấp trên thì được chỉ đạo là hợp tác xã tự xử lý. “Khi nhận quản lý công trình chúng tôi rất hoang mang. Hợp tác xã đã thuê kỹ sư vận hành về đứng chân ở công trình nhưng ở chưa được 1 tháng vì lương ba cọc, ba đồng. Chúng tôi lo vì sợ người dân không chịu trả tiền nước sử dụng, họ có thói quen sử dụng nước sạch miễn phí. Còn chúng tôi, khi quản lý công trình cần phải có nguồn vốn cố định để sửa chữa máy móc, thay thế thiết bị và dùng cho bảo dưỡng công trình” - ông Bông nói.

Theo ông Nguyễn Tấn Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh, công trình nước sạch bị bỏ hoang là lãng phí lớn. “Trong điều kiện khô hạn ngày một khốc liệt hơn, thì công trình tiền tỷ bỏ hoang là quá đáng tiếc. Công trình bị hỏng có nguyên do từ thiết kế và có lỗi từ năng lực quản lý yếu kém” - ông Thiện nói. Ông Thiện cho rằng, xã đã báo cáo tình hình công trình nước sạch không hoạt động được lên UBND huyện Thăng Bình. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói: “Hoạt động yếu kém của công trình nước sạch có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Huyện đã có công văn và đề xuất Sở NN&PTNT cử đoàn công tác, phối hợp cùng huyện đi khảo sát, kiểm tra, xem xét mức độ hư hại của công trình. Huyện sẽ bố trí vốn đối ứng khi tỉnh có chủ trương khắc phục lại các hư hỏng của công trình”. Khi được sửa chữa lại và đưa vào hoạt động thì việc giao công trình này cho đơn vị nào quản lý là điều cần cất nhắc kỹ khi trên địa bàn huyện Thăng Bình có đến hơn ½ trong tổng số 15 công trình nước sạch rơi vào bỏ không sau đầu tư.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT