Chống thực phẩm "bẩn": Cần người can đảm
Các xã vùng đông của tỉnh lâu nay ít có lò mổ tập trung. Ở mỗi cụm dân cư, thương lái thường mua heo về mổ rồi bán tại chợ quê hoặc những điểm lẻ tẻ. Giết mổ không được quy củ như vậy mà gần đây, nhiều bà nội trợ ở thành phố lại về tìm mua thịt heo quê. Nhiều phụ nữ chia sẻ rằng mua thịt heo ở quê sẽ tránh được chất cấm, heo không dịch bệnh vì chủ yếu những con heo này được thu gom từ dân địa phương thường chăn nuôi theo kiểu cơm thừa canh cặn, và cũng chính vì thế mà thịt thơm ngon hơn heo nuôi tập trung.
Tôi một lần thử phổ biến cái “lý luận” về sự sạch theo quy định an toàn thực phẩm như giết mổ tập, có con dấu kiểm dịch… thì bị một tiểu thương ở quê cự ngay. Chị cho rằng thật ra có kiểm soát được chất lượng heo mổ tập trung đâu. Ở lò mổ tập trung, thương lái đem heo tới giết mổ xong, đóng phí, kêu lực lượng chuyên môn đến lăn dấu là đưa đi tiêu thụ. Việc lăn dấu xác nhận cũng chỉ cho có thôi, mổ xong rồi mới lăn, phần việc này thường được giao cho lực lượng thú y cơ sở, chỉ bằng mắt thường nên không dễ phát hiện heo sạch với heo bệnh. Chưa kể, thú y cơ sở là người địa phương, hoạt động kiểu bán chuyên nghiệp, chủ lò giết mổ đêm hôm, lại ở chỗ quen biết… nên chủ yếu “nhắm mắt” mà lăn cho xong. Mà cho dù có lăn đúng quy định thì chỉ lăn được một chỗ trên con heo, tiểu thương khi bán thịt nói phần được lăn dấu đã bán mất rồi thì người tiêu dùng cũng đành chịu… Vậy nên, thật ra rất khó bảo vệ hoặc kiểm soát cái quy định về an toàn thực phẩm trong trường hợp này. Tiểu thương ở quê vì vậy cũng không tâm phục khẩu phục những quy định ở lò mổ tập trung, họ cứ giết mổ heo tự phát như lâu nay, nếu bị cấm đoán thì nghỉ vài ngày xả hơi, hết đợt kiểm tra lại mổ bán tiếp…
Người tiêu dùng khi mua thịt ở quê có thêm niềm vui vì dần gắn bó với tiểu thương và tin tưởng ở cái sự “trong sạch” của người bán. Nhiều tiểu thương cũng vậy, vì là chỗ quen biết và bán buôn nhỏ, lâu dài nên thường nghĩ cho người tiêu dùng, can đảm từ chối giết mổ những con heo không an toàn, dù có thể lợi nhuận sẽ cao hơn. Một tiểu thương ở quê kể, không hiếm lần được các chủ lò mổ tập trung và các đầu mối kêu bán heo “bẩn” nhằm phân phát bớt loại thực phẩm không an toàn này về các vùng quê, nhưng họ từ chối. Và người tiêu dùng cũng chỉ mong chờ có vậy, hơn lúc nào hết họ trông chờ vào sự can đảm của người sản xuất và phân phối thực phẩm trong bối cảnh “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn như thế”…
MINH ĐỨC