Hạn hán khắc nghiệt tại châu Á

NAM VIỆT 16/06/2016 09:40

Hạn hán tiếp tục bao trùm châu Á, làm xáo trộn cuộc sống của hàng triệu người cũng như cản trở phát triển nền kinh tế khu vực này.

Người dân ở huyện Latur, bang Maharashtra đi rất xa để mang được nước về. (Ảnh: aljazeera)
Người dân ở huyện Latur, bang Maharashtra đi rất xa để mang được nước về. (Ảnh: aljazeera)

El Nino gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan hay khô hạn kéo dài trong thời gian qua khiến cho những cánh đồng phù sa khô cằn, nứt nẻ không thể canh tác, cuộc sống của hàng triệu gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các quốc gia trong khu vực như lúa gạo, đường giảm mạnh. Cụ thể, sản lượng đường của quốc gia sản xuất lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ giảm trong năm nay, xuống còn 25 triệu tấn so với 26 triệu tấn cùng kỳ năm trước, do hạn hán ảnh hưởng tới vụ mía ở bang sản xuất lớn nhất là Maharashtra. Vì hạn nặng, Cộng hòa quần đảo Marshall nằm phía tây Thái Bình Dương mới đây ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi toàn bộ hơn 60 nghìn người dân của đảo bị tác động bởi El Nino.

Hàng chục triệu người dân tại khu vực sống trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nước uống, phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Người dân phải đi cả cây số, xếp hàng nhiều giờ mới lấy được một ít nước ngọt đem về. Mới đây, một bé gái 12 tuổi tại bang Maharashtra, nơi bị tác động nặng nề từ hạn hán đã bị đột quỵ sau khi phải trải qua một quãng đường xa để lấy nước. Tình trạng nắng nóng khốc liệt, kéo dài khiến nhiều người, nhất là người già và trẻ em nhập viện vì các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa… Chỉ riêng trong tháng 5 vừa qua, Ấn Độ có ít nhất 1.200 người tử vong khi nhiệt độ nhiều nơi lên tới 500C.

Mặc dù trong trong 3 tháng đầu năm 2016, Thái Lan giành vị trí số một thế giới về xuất khẩu gạo với tổng lượng là 2,85 triệu tấn, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, hạn hán cũng gây mất mùa nhiều loại cây trồng, hoa màu, tổn thất hàng tỷ USD. Bộ Tài chính Thái Lan quyết định chi gần 2 tỷ USD cho quỹ khẩn cấp với chương trình dài hạn để giúp đỡ cho các hộ nông dân nghèo. Ancha Srinivasanivasan, chuyên gia về biến đổi khí hậu thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói: “Hiện tượng El Nino diễn ra khắp nơi trên thế giới và châu Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Hạn hán ngày càng diễn ra thương xuyên, khốc liệt hơn sẽ dẫn đến bất ổn nguồn năng lượng, lương thực và nguồn nước nghiêm trọng”.

Theo ADB, nhiều quốc gia châu Á và Thái Bình Dương nỗ lực để ứng phó với tình trạng hạn hán như Lào, Việt Nam, Campuchia cải thiện hệ thống tưới tiêu. Ngoài ra, các hệ thống cảnh báo sớm hiện tượng thời tiết đã được lắp đặt. Tại Sri Lanka, nước từ con sông phù sa Mahaweli được dẫn về cung cấp cho những vùng đất bị bỏ hoang vì nắng nóng để giúp người dân tiếp tục sản xuất, cải thiện thu nhập. Nhìn chung, người dân khắp nơi ở châu Á và Thái Bình Dương hiện nhận thức rất rõ về chính sách và hành động của quốc gia để ứng phó với hạn hán. Bên cạnh đó, Tổ chức tư vấn tài chính IHS Global Insight ước tính hiện tượng El Nino gây thiệt hại riêng cho nền kinh tế Đông Nam Á khoảng 10 tỷ USD. Mặc dù nắng nóng được dự báo giảm vào giữa năm nhưng có nhiều lo lắng về hiện tượng La Nina sẽ theo sau đó vào cuối năm. Theo thường lệ,  El Nino sẽ gây ra mưa lớn và lũ lụt, gây thiệt hại mùa màng và nguy cơ dịch bệnh, sâu bệnh tăng. Sự chuyển đổi hiện tượng này sẽ tạo nên một dạng thời tiết cực đoan có sức tàn phá khủng khiếp với con người và môi sinh.

NAM VIỆT

NAM VIỆT