Sân chơi nâng tầm chuyên nghiệp

LÊ QUÂN (thực hiện) 13/06/2016 08:26

Trong 2 ngày 13 và 14.6, tại TP.Tam Kỳ, Đài Phát thanh - truyền hình (PT-TH) Quảng Nam tổ chức Liên hoan PT-TH toàn tỉnh lần thứ V - năm 2016. Đây là dịp để những người làm công tác PT-TH trong tỉnh gặp gỡ, trao đổi, học hỏi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Dịp này, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi cùng ông Mai Văn Tư - Giám đốc Đài PT-TH Quảng Nam, Trưởng ban Tổ chức liên hoan.

Phóng viên, quay phim Đài PT-TH Quảng Nam tác nghiệp hiện trường.Ảnh: NGÔ HÒA
Phóng viên, quay phim Đài PT-TH Quảng Nam tác nghiệp hiện trường.Ảnh: NGÔ HÒA

PV: Theo như thông tin của Ban tổ chức, liên hoan lần này có một số nét mới so với các năm. Cụ thể thế nào, thưa ông?

- Ông Mai Văn Tư: Có 2 điểm khác biệt cơ bản giữa Liên hoan PT-TH tỉnh năm 2016 so với các kỳ liên hoan trước, thể hiện ở đơn vị tham gia và thể loại dự thi. Nếu các kỳ liên hoan trước đơn vị tham gia dự thi là đài huyện, thị xã, thành phố và các chuyên mục có chương trình phát định kỳ trên sóng đài tỉnh; thì nay bổ sung thêm mỗi phòng chuyên môn thuộc khối nội dung của đài tỉnh cũng là một đơn vị dự thi. Như vậy, liên hoan lần này có sự tham gia của 18 đài huyện, thị xã, thành phố, 4 chuyên mục của các ngành công an, quân sự, biên phòng, y tế và 5 phòng nội dung đài tỉnh gồm thời sự, chuyên đề, tiếng dân tộc, văn nghệ - giải trí và chương trình. Điểm khác biệt thứ hai là thể loại dự thi tương đối phong phú. Đối với lĩnh vực phát thanh không có gì thay đổi, nhưng ở lĩnh vực truyền hình, ngoài phim phóng sự dài còn bổ sung thêm thể loại phim chuyên đề - khoa giáo và phim tài liệu.

5 thể loại dự thi của liên hoan, bao gồm:

- Lĩnh vực phát thanh: thể loại gương Người tốt việc tốt, thời lượng không quá 5 phút/tác phẩm; thể loại phóng sự, thời lượng không quá 7 phút/tác phẩm.

- Lĩnh vực truyền hình: thể loại phóng sự dài, thời lượng 10 - 12 phút/tác phẩm; chuyên đề - khoa giáo, thời lượng 14 -15 phút/tác phẩm; phim tài liệu, thời lượng không quá 20 phút/tác phẩm.

Từ khi có quyết định cho phép tổ chức của UBND tỉnh và qua phát động của Ban tổ chức, trong nhiều tháng qua tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đài cấp huyện, cũng như các chuyên mục cộng tác, với tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp đã dấy lên không khí thi đua làm chương trình hay, chương trình tốt gửi về tham dự liên hoan. Đối với các đơn vị dự thi là phòng chức năng đài tỉnh, dù là lần đầu tham dự nhưng vẫn thể hiện quyết tâm cao trong việc tìm kiếm chủ đề, tổ chức quay phim, hậu kỳ để có tác phẩm tốt nhất tham gia. Dù bận làm chương trình phát sóng hàng ngày nhưng lực lượng của các phòng đài tỉnh trong mấy tuần qua vẫn dàn xếp thời gian thỏa đáng để làm tác phẩm dự thi. Tinh thần chung là rất phấn khởi cho ngày hội nghề nghiệp của mình. Mặt khác, chúng tôi ý thức rằng, việc bổ sung mỗi phòng nội dung đài tỉnh là một đơn vị dự thi cũng sẽ giúp cho đài tỉnh có một bước tập luyện, chuẩn bị chu đáo về các tác phẩm PT-TH có chất lượng để tham dự liên hoan PT-TH toàn quốc được tổ chức hàng năm.

Có một điểm đáng quan tâm của liên hoan lần này là Ban tổ chức sẽ công chiếu toàn bộ tác phẩm của các đơn vị trong thời gian diễn ra liên hoan. Dịp này, chúng tôi còn tổ chức hội thảo trao đổi nghiệp vụ về cách làm phim phóng sự dài, chuyên đề - khoa giáo, phim tài liệu. Trong đó, nhiều nội dung về tác nghiệp sẽ được bàn tới, nhất là làm sao nâng cao được tính chuyên nghiệp trong hoạt động chuyên môn. Tính chuyên nghiệp trong sản xuất chương trình PT-TH không chỉ là đòi hỏi đối với đội ngũ làm báo đài cấp huyện, các chuyên mục cộng tác mà cũng rất cần thiết đối với anh em công tác tại đài tỉnh.

PV: Ông có thể chia sẻ về tiêu chí đánh giá tác phẩm tham gia liên hoan lần này?

- Ông Mai Văn Tư: Có 2 tiêu chí để chấm chọn cho một tác phẩm là nội dung chủ đề và hình thức thể hiện.

Về nội dung, chủ đề phải mang tính thời sự cao, được dư luận xã hội quan tâm; các chủ đề mang tính phát hiện, điển hình, gây được ấn tượng cho người nghe, người xem. Khi nội dung tác phẩm đạt hiệu quả cao, nhất định tác phẩm đó sẽ có ảnh hưởng tới xã hội. Liên hoan lần này tập trung vào các đề tài như, những đổi thay trên quê hương Quảng Nam qua gần 20 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày chia tách tỉnh; kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020; kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TƯ ngày 14.5.2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đặc biệt chú ý những điển hình tiên tiến, cách làm hay trên các lĩnh vực, trong đó khuyến khích các chủ đề về thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, công tác cải cách hành chính, xóa nghèo bền vững, phát triển công nghiệp, xây dựng nông thôn mới, việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và biển đảo quê hương.

Ban tổ chức liên hoan cho biết, đã nhận được 129 tác phẩm của 27 đơn vị gửi dự thi. Trong đó có 38 tác phẩm gương Người tốt việc tốt phát thanh, 28 phóng sự thu thanh, 36 phim phóng sự dài, 13 phim chuyên đề - khoa giáo và 14  phim tài liệu. Tổng thời lượng của cả 5 thể loại dự thi gồm hơn 380 phút phát thanh và gần 900 phút truyền hình. Liên hoan được tổ chức trong 2 ngày 13 và 14.6. Chương trình tổng kết, trao thưởng liên hoan sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 14.6 tại hội trường UBND TP.Tam Kỳ và được Đài PT-TH Quảng Nam truyền hình trực tiếp.

Về hình thức thể hiện, yêu cầu đặt ra là các tác phẩm phải có bố cục chặt chẽ, phân tích, lập luận sâu sắc; lời bình súc tính, ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề. Trong đó, đối với các tác phẩm ở thể loại phát thanh, ưu tiên tác phẩm có sử dụng tiếng động một cách hợp lý, sáng tạo trong thể hiện, đạt hiệu quả chất lượng về âm thanh của người dẫn chương trình, phỏng vấn. Đối với tác phẩm ở thể loại truyền hình, ưu tiên tác phẩm có hình ảnh đẹp, quay phim, xử lý hậu kỳ tốt.

Năm nay, thành phần Ban giám khảo là các chuyên gia có kinh nghiệm đến từ kênh VTV8 - Đài Truyền hình Việt Nam, Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại miền Trung. Để đảm bảo tính khách quan trong chấm chọn, các tiểu ban làm việc độc lập và từng thành viên đưa ra quyết định bình chọn tác phẩm đoạt giải bằng cách bỏ phiếu kín. Do đây là một trong những nội dung chính của liên hoan, nên Ban tổ chức, Ban giám đốc đài đã quán triệt, xây dựng kế hoạch, ban hành thể thức chấm chọn một cách chi tiết để làm cơ sở cho các thành viên Ban giám khảo làm tốt việc phát hiện, tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc ở các thể loại của báo nói và báo hình.

PV: Với người làm báo ở đài cấp huyện, theo ông, thể tài phim tài liệu và phóng sự dài có làm khó họ?

- Ông Mai Văn Tư: Thực ra, đối với anh em phóng viên đài cấp huyện, việc làm phim tài liệu, chuyên đề - khoa giáo hay phóng sự dài so với đài tỉnh có khó hơn, bởi đài huyện lâu nay chủ yếu làm tin và phóng sự ngắn. Tuy nhiên, trong các năm qua gần như hầu hết đài huyện đều thay phiên tham gia thực hiện chuyên mục: “Những miền quê xứ Quảng” phát trên sóng truyền hình đài tỉnh. Qua chuyên mục này đã giúp cho nhiều anh em đài huyện tiếp cận với cách làm phim phóng sự, phim tài liệu. Hơn nữa, trong nhiều năm hầu như các đài huyện đều cử anh em tham dự những khóa tập huấn về làm phóng sự dài, phim tài liệu và đây cũng chính là cơ sở để Ban tổ chức quyết định đưa các thể loại này vào dự thi.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm kỹ năng với các đồng nghiệp về cách thức duy trì và phát triển sự kiện thành một tác phẩm truyền hình hay?

- Ông Mai Văn Tư: Trong những năm gần đây, Đài PT-TH Quảng Nam có được một số phim đoạt giải cao tại các kỳ liên hoan toàn quốc. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên, quay phim của đài tỉnh khiêm tốn học hỏi cách làm, cần mẫn kiên trì và nhất là rất chịu khó trong công việc làm phim tài liệu. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, làm phóng sự dài hay phim tài liệu thì phải chịu khó trong tích góp tư liệu, chọn đề tài và chịu khó cả trong quay phim, xử lý hậu kỳ, xử lý tư liệu. Kinh nghiệm ở đài tỉnh qua các năm cho thấy, phim đoạt giải đều là những tác phẩm có chủ đề mới lạ; cách thể hiện sáng tạo, không rơi vào tình trạng phản ánh chung chung như cách làm truyền thống lâu nay. Để làm được điều đó đòi hỏi người làm nghề phải bỏ công sức lao động một cách nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp nhiều năm liền, chứ không thể nói đi vài ba ngày là làm xong một phim tài liệu.

Khi bạn tìm được một chủ đề với những tình tiết, câu chuyện hay, mới lạ, dễ gây ấn tượng; phim được xây dựng trên nền ngôn ngữ hình ảnh ấn tượng và nội dung lời bình sâu sắc là bạn đã cầm chắc sự thành công của một tác phẩm truyền hình.

LÊ QUÂN (thực hiện)

LÊ QUÂN (thực hiện)