Tìm chút quê ở phố
Ở phố đã bao năm, trong tâm thức người quê bao giờ cũng mang lòng “hoài nhớ” về gốc gác “quê kiểng” của mình. Tôi nhớ hơn 20 năm trước, tôi với anh bạn đồng nghiệp trong ngành văn hóa nhận nhiệm vụ đưa một đội trình diễn dân gian hát bả trạo - cầu ngư miệt biển chính cống ra Đà Nẵng tham gia biểu diễn phục vụ công chúng mừng một ngày lễ lớn. Lần đầu tiên những chú, bác ngư dân vốn “ăn sóng nói gió” quen sống “dưới nước trên trăng” được ở khách sạn cao tầng. Thôi thì bao nhiêu lạ lẫm. Đang buổi biểu diễn, quản lý khách sạn gọi người phụ trách đội về gấp, hóa ra, các bác khi ra khỏi phòng quên khóa nước trong toilet, nước chảy tràn ra hành lang, thôi thì xin lỗi, họp đội, rút kinh nghiệm… Rồi còn bao nhiêu tuế toái khác. Tiệc buffet các bác mang cả mâm thức ăn về phòng vì không quen ăn đứng, rồi trong khuya khoắt lúc khách đang say giấc các bác cứ thản nhiên “ăn to nói lớn” như ở làng, rồi các bác cứ chân trần mà bước vì không quen giày dép, thậm chí có bác không quen “tè” trong nhà vệ sinh, cứ đi xuống sân khách sạn mà “tè”… Mà làm sao có thể trách cứ các bác ấy được. Người miệt biển vốn vậy, mọi thay đổi môi trường sống khó làm họ thay đổi thói quen sống bao đời…
Vậy mà, mấy chục năm sau, trong đội hát bả trạo ngày ấy, có người đang là chủ một homestay có tiếng hút khách, có người đang ở chung cư ngoài “Hàn” (Đà Nẵng) cùng con cái, có bác bây giờ ngày cưới, ngày giỗ đóng complet thật oách, chẳng khác chi Tây… Chuyện trò chi rồi cũng nhắc những ngày dân dã cũ xưa. Ông chủ homestay đang giữ lại mảnh sân vườn có hàng dừa, giếng nước, giàn hoa giấy ngoài ngõ, căn nhà lợp dừa nước, phên vách cũng dừa, tự hào nhà tui mát lắm, mùa hè gió “vô tư”. Tây thích lắm, chừ xây thêm căn gác nho nhỏ cho khách ở, vậy mà khách cứ đòi ở nhà lá, tréo ngoe vậy đó, họ thèm “tự nhiên”… Ông ở chung cư thì nói “bức bối lắm”, suốt ngày ra ngồi ngoài biển mà nhớ biển, biển ở làng mình, chờ đến tối thì về ngủ… Ông “diện” đồ Tây thì nói “ngó rứa thôi chứ bên trong - ý nói tâm hồn - răng mà khác đi được”, nghĩa là đang đi nghe một giọng hò khoan là tâm hồn “rúng động” liền hà…
Để nguôi ngoai nỗi nhớ quê, người ở phố chọn những không gian xanh thường là trên sân thượng, đầu tiên là trồng cây kiểng, là hoa lá quê mùa như xương rồng, lưỡi rắn, dừa cạn, dứa dại… Kỳ rày đang hồi sợ rau củ phun thuốc sâu, thực phẩm bẩn nên trồng rau sạch để ăn, lợi cả đôi bề… Với mấy bác ở chung cư, lệ kỳ yên sau tết, rồi ngày “đại đoàn kết”, bà con con rủ nhau cúng kiếng thổ thần, thổ địa, cúng rồi, bày mâm ra dọc hành lang, cùng ăn bữa cơm cho thêm tình nghĩa láng giềng. Chung cư thì chung cư, mặc ai đó phê mất văn minh, nhếch nhác, phản cảm, ăn uống xong thì dọn chứ có ảnh hưởng chi “hòa bình thế giới”. Ôi rứa mà hay, thấy có người lạ lởn vởn, láng giềng gọi điện hỏi nhau ngay rằng bác có hẹn ai đến nhà không, thậm chí ra hỏi thăm, đúng tên, đúng người rồi mới yên tâm mời bác vô “nhà “ tôi ngồi uống chén nước mà đợi…
Chất quê ở phố cũng không phải những hành vi “phản văn hoá” mà một số người “đổ vấy” cho “quê” – những việc mà chính người ở quê cũng không hề làm như vậy. Người quê dạy con cháu khi đi ăn giỗ, phải nhường người có tuổi gắp trước thức ăn, thức uống, khi ăn thức gì tuyệt đối không để mứa (thừa), khi ăn đã no không thò đũa vào thức gì mà mình không thể ăn nữa như thói xấu lấy thức ăn cho nhiều rồi bỏ mứa như một số người khi dự các bữa ăn đứng (buffet) hiện nay… Người quê luôn biết kẻ trên người dưới mà ứng xử hài hòa, luôn biết nhập gia tùy tục, thưa trước gửi sau nên không thể có chuyện chen lấn, xô đẩy, không chịu xếp hàng hay phi xe máy vào thang máy chung cư như chuyện xảy ra ở một chung cư của một thành phố lớn hiện nay…
Vậy thì ai mà chẳng thương chất quê “đúng nghĩa” của người quê ở phố…
PHÙNG TẤN ĐÔNG