Ngậm ngùi bên làng Rô

TRẦN HỮU PHÚC 11/06/2016 08:18

Ánh sáng của văn minh làm thay đổi diện mạo nhiều bản làng vùng cao, nhưng làng Rô thì lại chìm khuất dưới dãy núi Trường Sơn quanh năm mịt mù.

Công trình nhà sinh hoạt truyền thống kết hợp với phòng tránh thiên tai xây dựng tại thôn Rô trị giá gần 5 tỷ đồng sắp sửa hoàn thành.Ảnh: HỮU PHÚC
Công trình nhà sinh hoạt truyền thống kết hợp với phòng tránh thiên tai xây dựng tại thôn Rô trị giá gần 5 tỷ đồng sắp sửa hoàn thành.Ảnh: HỮU PHÚC

Làng Rô thuộc xã Cà Dy (Nam Giang) xưa nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại chỉ co cụm vài chục nóc nhà, bây giờ thành điểm sống tập trung của đồng bào Cơ Tu. Đỉnh núi Ađhây sừng sững bao bọc lấy làng tựa như người mẹ bế con vào lòng. Phía dưới là dòng sông Đắc Mỹ lởm chởm đá.

Cái nghèo đeo bám

Khung cảnh núi rừng trùng điệp, nghĩa tình son sắt thủy chung của đồng bào làng Rô trở thành nguồn cảm hứng để nhà thơ Tố Hữu viết bản trường ca “Nước non ngàn dặm”. Trong cuộc vượt ngục nhà tù Đắk Gley (Kon Tum), nhà thơ Tố Hữu dừng lại đây và được đồng bào cưu mang, cứu sống. Ông Đinh Văn Reng là ân nhân đầu tiên, người không ngại hiểm nguy mang lương thực, thức ăn tiếp tế, giúp đỡ dù thời điểm đó giặc Pháp treo thưởng cao nếu ai bắt được Tố Hữu. Khi trở lại làng Rô, để tỏ lòng biết ơn ân nhân của mình, Tố Hữu đã tặng cho già Reng chiếc radio, bức ảnh của mình làm kỷ niệm. Hai tặng vật này, luôn đặt ở vị trí trang trọng trên bàn thờ gia đình già Reng sau ngày nhà thơ mất.

Mặt trời lặn sau đỉnh núi. Tôi về làng Rô, mong thắp một nén nhang tưởng nhớ già Reng. Năm 2009, già qua đời. Trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ này hiện bà Kaphu Thị Đẹp (người vợ đời thứ ba của ông Reng) và gia đình của người con trai út đang ở. Trên bàn thờ, có di ảnh Tố Hữu và già Reng. “Báu vật” của làng ở đâu?” - nhìn không thấy chiếc radio tôi thắc mắc. Bà Kaphu Thị Đẹp trả lời: “Cán bộ đã mang về nhà bảo tàng văn hóa huyện mấy năm nay rồi”. Hỏi tiếp: “Từ ngày ổng chết, gia đình amế (mẹ) có nhận tiền hỗ trợ chính sách gì của Nhà nước không?”. “Một xu cũng không có. Hồ sơ chế độ thanh niên xung phong mấy năm nay amế đi làm rồi nhưng chưa thấy giải quyết chi mô. Nhà ở hư hỏng, dột nát nhưng không có tiền sửa chữa nên bỏ luôn. Amế thì tuổi cao sức yếu có làm chi được mô” - bà Đẹp thật thà.

Ngôi nhà cấp 4 nhỏ hẹp, tạm bợ chừng 30m2 mà có 5 nhân khẩu sinh sống. Nhìn quanh chẳng có thứ tài sản gì đáng giá, ngoài chiếc ti vi cũ kỹ. Trong 10 năm nay, gia đình bà Đẹp thuộc diện hộ nghèo “tiêu biểu” của thôn, xã. “Cứ đến dịp gần tết cổ truyền, cán bộ có cho gạo, mắm muối thôi chứ ngoài ra không có gì hết” - Đinh Văn Vôl, cậu con trai sống chung với bà Đẹp nói chen vào. Bữa cơm chiều của gia đình chỉ có một mớ rau hái từ rừng với chén mắm nem đùng đục. “Gia đình vẫn thường xuyên ăn uống thế này?”. Vôl nhìn tôi rồi bình thản nói: “Bình thường thì cũng có thịt, cá mua từ các xe bán hàng di động mỗi ngày. Nhưng tại mấy bữa ni em bị sốt không đi làm thuê đổi thức ăn tươi được”.

Năm 2006, lúc già Reng còn sống, những người con của cố nhà thơ Tố Hữu gom góp ít tiền sửa chữa lại ngôi nhà mà trước đây Lâm trường Cà Dy (cũ) hỗ trợ xây. Nhưng hiện móng nhà xuống cấp, mảng tường lộ những vết nứt, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. “Gia đình amế cơm ăn chưa đủ no, áo mặc chưa đủ ấm lấy tiền đâu để tu sửa. Con viết báo nhớ vận động giúp amế tiền sửa nhà” - bà Kaphu Thị Đẹp gửi gắm khách lúc chia tay. Chủ tịch UBND xã Cà Dy - ông  Bha Nướch Phước bảo, gia đình ông Reng có công nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng, nhưng hồ sơ chế độ đến nay vẫn chưa được giải quyết. Chính quyền xã rất muốn sửa chữa lại ngôi nhà tình nghĩa này nhưng địa phương không biết lấy đâu ra nguồn hỗ trợ.

Hẹp đường mưu sinh

Hơn 5 năm trở lại làng Rô, tôi cố tìm ra nét khởi sắc trong từng nếp nhà, bếp lửa của người dân, nhưng dường như đời sống nơi đây vẫn giẫm chân tại chỗ. Anh Hồ Văn Thương là lao động chính nuôi 5 miệng ăn. Mấy năm nay, gia đình Thương thuộc hộ nghèo “điển hình” của thôn. Thương bảo, con trẻ nheo nhóc, thu nhập từ nghề làm thuê mướn thì bấp bênh. “Mình sống ở núi mà chẳng có miếng đất cắm dùi. Trước đây người dân dưới xuôi lên khai hoang, chiếm đất sản xuất nên bây giờ đồng bào không có đất trồng trọt. Công việc khai thác gỗ, bẫy thú trong rừng không đủ kiếm cái ăn qua ngày” - Thương tâm sự.  Ít nhất 20 hộ của làng đều lâm vào tình cảnh “trắng” đất sản xuất như Thương, nên ai thuê đâu làm đó, kể cả bất đắc dĩ làm lâm tặc. Nghèo, không đất sản xuất... nên đồng bào làng Rô dựa dẫm vào rừng để sinh nhai. Thôn Rô với hơn 100 hộ thì có 76 hộ nghèo. Ngôi làng nằm vắt vẻo trên núi, dưới là sông suối, trên là rừng tự nhiên nên đất trồng cây lúa, bắp rất khan hiếm.

Đồng bào làng Rô nghèo dai dẳng do thiếu tư liệu đất sản xuất.Ảnh: HỮU PHÚC
Đồng bào làng Rô nghèo dai dẳng do thiếu tư liệu đất sản xuất.Ảnh: HỮU PHÚC

Đi trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua làng Rô dày đặc các tấm biển báo cấm chặt phá, khai thác, lấn chiếm đất rừng trái phép. Tôi đọc báo cáo của cơ quan kiểm lâm, giật mình bởi con số mỗi năm lực lượng chức năng mò mẫm tháo gỡ hàng nghìn bẫy đặt thú rừng tại các khu rừng thuộc địa phận xã Cà Dy. Trưởng thôn Rô - ông Đinh Văn Xô chua chát: “Chỗ có đất bằng phẳng từ km24 đến km31, dân dưới đồng bằng lên thu gom mua hết. Hàng chục thanh niên lập gia đình sinh con đẻ cái tách hộ ra ở riêng đều không có một miếng đất nào canh tác. Đói nghèo cứ triền miên năm này qua năm nọ”.

Một số diện tích nương rẫy của đồng bào làng Rô nằm ở dãy núi Amó, bên kia sông Đắc Mỹ nhưng khó khăn đi lại, sản xuất. Cho nên, gần đây tại km28 đến km31 giáp ranh giữa xã Cà Dy với xã Phước Xuân (Phước Sơn), một số đồng bào làng Rô bất chấp lấn chiếm rừng phòng hộ tìm đất sản xuất. Làm ra củ khoai, hạt thóc trên rẻo cao này quý như hạt ngọc. Ông Bha Nướch Phước cho biết, Rô là một trong những thôn nghèo khó nhất của xã. Cái nghèo đeo bám do không có mặt bằng sản xuất lúa nước; địa bàn thuần nông nhưng nhiều hộ “trắng” tư liệu sản xuất. Xã chậm phát triển kinh tế do yếu sản xuất hàng hóa. Trước khó khăn của đồng bào làng Rô, Sở NN&PTNT đang khảo sát đầu tư 4 tỷ đồng để làng phát triển mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp. Hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, nên diện tích sản xuất lúa nước của cả xã giảm qua từng năm. Thậm chí vào vụ chính đông xuân mà chỉ canh tác 3,7ha. Hết lo đứt bữa ăn hàng ngày, người dân còn khổ sở với nước sinh hoạt. Do trên cao rừng bị phá nát nên nghèo thảm thực vật, không giữ được nước. Hệ quả là đồng bào đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch trầm trọng vào mùa khô này.

Tan giấc mơ dựng gươl

Giữa làng nghèo, sừng sững một công trình bằng bê tông cốt thép trị giá gần 5 tỷ đồng  sắp hoàn thành. Sự đối lập của không gian sống đại ngàn đang hiện ra trước mắt tôi. Một bên là làng mạc, nhà cửa tạm bợ với những con người hàng ngày vất vả mưu sinh. Bên kia là sự bề thế của một công trình có tên gọi nhà sinh hoạt truyền thống kết hợp với phòng tránh thiên tai. Theo chính quyền xã Cà Dy, đây là công trình đa chức năng, có thể làm nhà dạy trẻ, tránh thiên tai cho đồng bào với trị giá gần 5 tỷ đồng do Quỹ thiên tai miền Trung tài trợ, dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 6 này. Từ ngày dự án thi công, người dân đã tan tành nguyện ước xây dựng một gươl truyền thống theo ý của làng. Một đống gỗ quý hơn 6m3 dần mục nát nằm lăn lóc giữa nhà văn hóa thôn. Đây là số gỗ mà năm 2010 đồng bào bỏ công sức lên rừng khai thác, vận chuyển về chờ ngày làm gươl truyền thống. Tuy nhiên, khi dự án thiết kế toàn bê tông cốt thép thì số gỗ trên cũng không thể sử dụng được. Trưởng thôn Đinh Văn Xô ngậm ngùi: “Nhìn công trình truyền thống hoành tráng mà đồng bào đâu có ưng cái bụng. Nguyện vọng của họ là gươl bằng gỗ. Tiền đầu tư cho nhà sinh hoạt truyền thống chỉ cần hơn 1 tỷ đồng là được rồi”. Cũng theo ông Xô, khi triển khai dự án này người dân không được góp ý kiến. Trong điều kiện thôn bản khó nghèo, đồng bào cần được hỗ trợ thiết thực về đất sản xuất, con vật nuôi.

Tôi rời Rô khi nắng chiều tắt hẳn. Lại hiện lên trong đầu hai hình ảnh tương phản về một ngôi làng, thoảng bên tai lời thì thầm gửi gắm của bà Kaphu Thị Đẹp lúc chia tay.

TRẦN HỮU PHÚC

TRẦN HỮU PHÚC