Công xưởng thế giới giảm sức hút
Trung Quốc - công xưởng của thế giới đang chật vật khi dòng vốn đầu tư chảy sang thị trường các nước có điều kiện thuận lợi hơn.
Một ngày Chủ nhật vắng vẻ trên nhiều tuyến đường của thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, nơi từng nhộn nhịp với các nhà máy hoạt động liên tục, nhiều khu nhà trọ dành cho hàng triệu công nhân. Dù còn nhiều băng rôn quảng cáo tuyển dụng công nhân khi các nhà máy cam kết sẽ tiếp tục hoạt động cho đến hết năm nay nhưng người dân địa phương cho biết, thực tế không phải vậy.
Đông Quản, một trong thành phố công nghiệp lớn, được xem là cái nôi trong giai đoạn bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc. Giá trị kinh tế của Đông Quản đạt 1,2 nghìn tỷ USD, nhiều hơn cả tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia. Nhiều nhà máy lớn được xây dựng từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài với các lĩnh vực sản xuất đồ chơi, nội thất, giày dép, điện thoại di động…, thu hút khoảng 8 triệu công nhân từ khắp Trung Quốc. Nhưng nay, hầu hết công nhân tại đây buộc phải về quê hoặc tìm vùng đất khác để mưu sinh. Nữ công nhân Yu cho hay, phải trở về quê nhà ở tỉnh Trùng Khánh vì thất nghiệp. Cô từng làm việc tại xưởng may mặc chuyên cung ứng sản phẩm cho các thương hiệu ở phương tây, khi đó có hơn 2.000 công nhân lấp đầy các khu trọ phía sau nhà xưởng, nay chỉ còn khoảng 100 người. Bởi các nhà máy chuyển hoạt động sang các thị trường có giá nhân công rẻ hơn tại Đông Nam Á.
Công nhân làm việc tại hãng sản xuất điện tử TCL ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông. |
Li Dongsheng, người sáng lập kiêm chủ tịch Tập đoàn TCL, một trong những nhà máy sản xuất điện thoại và ti vi lớn nhất thế giới nói: “Nhiều công ty sản xuất lớn tại Trung Quốc đang chịu áp lực khi giá nhân công và sản xuất đều đồng loạt tăng trong thời gian qua. Theo đó buộc họ phải chuyển hoạt động sản xuất sang các thị trường hấp dẫn hơn đang nổi lên tại Đông Nam Á”. Các thành viên của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết, hiện có khoảng 25% các nhà đầu tư đã và đang cân nhắc rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc.
Theo số liệu của Tổng cục hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 2 vừa qua đã giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 821,8 tỷ nhân dân tệ (126,3 tỷ USD). Trong bối cảnh đó, Chính phủ Trung Quốc đang chuyển hướng mô hình kinh tế, từ một “công xưởng sản xuất của thế giới” sang tiêu thụ và dịch vụ. Một quan chức của Đông Quản cho biết, thành phố sẽ đầu tư khoảng 144 tỷ USD đề nâng cấp 2.000 công ty trong vòng 3 năm tới và sử dụng rô-bốt thay thế công nhân nhằm cắt giảm chi phí lao động. Như năm ngoái, hơn 43 nghìn việc làm được thay thế hoàn toàn bằng rô-bốt. Nghiệp đoàn lao động Trung Quốc tiết lộ chỉ trong năm ngoái, có gần 900 vụ đình công và xô xát diễn ra tại các nhà máy sản xuất, trong đó có 267 vụ tại tỉnh Quảng Đông. Một trong những nguyên nhân là các công nhân phản đối việc Tập đoàn Microsoft quyết định đóng cửa nhà máy sản xuất Nokia hoạt động tại Quảng Đông từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước.
Hãng tin Bloomberg trích dẫn báo cáo của ngân hàng ANZ cho hay, Đông Nam Á sẽ trở thành công xưởng của thế giới trong 10 - 15 năm tới, khi các công ty chuyển sang khu vực này để tranh thử nguồn lao động dồi dào, giá rẻ.
NAM VIỆT (theo Bloomberg)