Mất kiểm soát tài nguyên

TRẦN HỮU 07/06/2016 09:02

Từ nhiều năm trước, Quảng Nam đã tính toán quy hoạch khai thác, sử dụng khoáng sản phù hợp và kiến nghị Trung ương tháo gỡ nhiều bất cập trong quản trị tài nguyên. Tuy nhiên, tình trạng “trôi chảy” khoáng sản ở khu vực miền núi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bất lực

Không thiếu công cụ, cơ sở pháp lý để chính quyền các huyện miền núi xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại rừng để tận thu khoáng sản trái phép, song có thực tế từ hơn chục năm nay là nhiều “điểm nóng” tồn tại dai dẳng. Điển hình, trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vừa qua, lực lượng chức năng đã triệt phá “doanh trại” vàng tặc quy mô lớn tại địa bàn xã Đắc Pring (Nam Giang) nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Qua đó, đẩy đuổi 120 phu vàng ra khỏi rừng, đốt phá hàng chục lán trại, lập biên bản chờ xử lý 13 chủ bãi tổ chức khai thác. Còn tại huyện Bắc Trà My, khi doanh nghiệp rút ra khỏi bãi bảo vệ thì việc tàn phá thiếc ở các điểm nóng Núi Kẽm, Dương Hòa, Bãi Kẽm (Bắc Trà My) trở nên rầm rộ hơn. Phòng TN&MT huyện này thống kê, ít nhất 100ha rừng phòng hộ bị phá do hệ lụy khai thác thiếc. Để siết chặt quản lý, lãnh đạo huyện yêu cầu các xã cam kết, nếu để xảy ra “điểm nóng” thì chủ tịch UBND cấp xã bị xử lý kỷ luật.

 “Điểm nóng” vàng tặc khe Vinh xã Đắc Pring (Nam Giang) dai dẳng nhiều năm nay. Ảnh: T.H
“Điểm nóng” vàng tặc khe Vinh xã Đắc Pring (Nam Giang) dai dẳng nhiều năm nay. Ảnh: T.H

Ông Nguyễn Đức Xuân - Trưởng phòng TN&MT huyện Bắc Trà My cho rằng, khó khăn về tài chính vẫn là yếu tố mấu chốt. Cử lực lượng chốt giữ các điểm nóng rất tốn kém (mỗi năm ngân sách bỏ từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng). Nhiều lần địa phương kiến nghị cho phép doanh nghiệp có năng lực vào khai thác và quản lý bãi thiếc để bảo vệ môi trường tốt hơn. “Quản lý như hiện nay không biết sức huyện chịu đựng được bao lâu” - ông Xuân băn khoăn. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Toàn - Trưởng phòng TN&MT huyện Phước Sơn cho biết, kinh phí truy quét không hề nhỏ bởi địa điểm khai thác thường xa, đi lại khó khăn, cơ quan chức năng không đủ người để làm hết các điểm, làm dứt điểm điểm này thì lại phát sinh điểm khác. Vùng giáp ranh các xã Phước Đức, Phước Kim, Phước Thành rất phức tạp. Chính quyền huyện Phước Sơn thừa nhận, khai thác vàng trái phép rất nhức nhối, có thời điểm “đuối sức”. Trong khi đó, ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản thuộc Sở TN-MT khẳng định, vai trò của chính quyền sở tại, lực lượmg công an tại các “điểm nóng” chưa thường xuyên, không loại trừ có việc bao che cho khai thác trái phép. “Hệ lụy khai thác khoáng sản trái phép là ô nhiễm môi trường, đặc biệt là phá rừng, mất đất sản xuất, gây cả chết người” - ông Ba nói.

Hàng rào kiểm soát

Tổn thất khoáng sản còn lớn
Theo ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, số lượng các mỏ khoáng sản, doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản tăng nhanh nhưng không có chiều sâu. Doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị để thu hồi tối đa, sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản. Mặt khác, tổn thất khoáng sản còn lớn, sản lượng khoáng sản khai thác thực tế hàng năm khó kiểm soát…

Tại các khu vực đã quy hoạch quản lý, khai thác khoáng sản, các địa phương có thông qua hình thức đấu giá, thu tiền cấp quyền sử dụng khai thác. Năm 2015, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 94 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền gần 146 tỷ đồng, thu được 54 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì thiếu hành lang giám sát nên xảy ra tình trạng đơn vị tư vấn và đơn vị khai thác móc nối, lập hồ sơ giá trị thấp gây mất nguồn thu của Nhà nước. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN-MT nêu bất cập, Luật Khoáng sản hiện hành quy định khá chặt chẽ nhưng áp dụng ở địa phương còn nhiều điểm chưa hợp lý. Sở tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương sớm công bố các khu vực nhỏ lẻ để tỉnh cấp phép nhằm hạn chế khai thác trái phép. Với một số loại không thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh nhưng trong vùng dự án thì cho địa phương cấp phép để tận thu, tránh lãng phí. Riêng vật liệu xây dựng ở vùng đặc biệt khó khăn hay phục vụ công trình trọng điểm thì không áp dụng đấu giá; cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy thì giải quyết cho họ có nguồn gốc hợp pháp. Đến nay, Sở TN&MT kiểm tra thực địa 11 khu vực do UBND các huyện Thăng Bình, Đông Giang, Nam Trà My đề xuất khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Năm 2016, 4 địa phương đề xuất khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Tại buổi làm việc với Sở TN-MT về siết chặt hoạt động khoáng sản diễn ra mới đây, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang lưu ý,  sớm khắc phục các kẽ hở để không cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng khai thác khoáng sản trái quy định dưới các hình thức cải tạo đồng ruộng, phát triển kinh tế trang trại kết hợp tận thu đất sét, đất san lấp làm nguyên liệu; chỉnh trị dòng chảy, lấy nước chống hạn. Rà soát các cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi để thực hiện kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn; chấm dứt tình trạng lợi dụng chủ trương này để bán cát, sỏi ra thị trường. “Đối với các nhà máy sản xuất gạch, ngói đã xây dựng phải xác định có nguồn nguyên liệu hợp pháp chậm nhất đến hết năm 2016, bắt đầu tháng 1.2017 nhà máy nào không có nguồn nguyên liệu hợp pháp sẽ chấm dứt hoạt động. Đối với các nhà máy xin xây dựng mới phải xác định nguồn nguyên liệu mới cho phép xây dựng. Nghiên cứu, đề xuất thiết lập đường dây nóng cung cấp thông tin về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, có cơ chế thưởng cho người cung cấp thông tin chính xác” - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang khẳng định.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU