Idol và fan

PHAN VĂN MINH 05/06/2016 07:38

Hai từ tiếng Anh này có nghĩa là thần tượng và người hâm mộ, ngày nay được dùng như là hai thực thể có quan hệ “cộng sinh” với nhau. Một idol  nổi lên nhờ có một cộng đồng fan, và fan luôn tồn tại gắn liền với tên tuổi một idol.

Một “rừng” fan ngồi đợi sao Hàn. (Ảnh: khampha.vn)
Một “rừng” fan ngồi đợi sao Hàn. (Ảnh: khampha.vn)

Việc nhiều người ái mộ tài năng của một ai đó không phải bây giờ mới xuất hiện. Từ thế kỷ 18, nhà văn, sử gia, nhà triết học Pháp Voltaire đã được rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, chính trị gia và công chúng khắp châu Âu thời đó tôn làm thần tượng. Ngay khi ông còn sống, hàng ngàn người khắp nơi đã góp tiền đúc tượng cho ông, nhiều đến mức không thể sử dụng hết. Khi ông trở về Paris từ biên giới Thụy Sĩ, tấm rèm vải trên xe ngựa của ông đã bị hàng vạn “fan” cuồng nhiệt xông vào xé nát thành nhiều mảnh để... làm kỷ niệm. Đến giữa thế kỷ 20, một hiện tượng tương tự như thế đã đến với ban nhạc Beatles khi họ từ London sang Mỹ vào đầu năm 1964. Đó là thời điểm  cách 2 tháng sau vụ tổng thống Kennedy bị ám sát. Với tài năng sáng tác và biểu diễn, bốn chàng trai đã “khuấy đảo” không gian tang khó ảm đạm của nước Mỹ bằng một thứ âm nhạc “chưa từng có” ở tân lục địa. Báo chí đã gọi sự kiện này là “Beatlemania” (cơn sốt Beatles), và là “British Invasion” (cuộc xâm lăng của người Anh). Khi chương trình biểu diễn của họ được lên truyền hình, ước tính có gần một nửa dân số Mỹ ngồi nhà bật tivi để chiêm ngưỡng hiện tượng Beatles.

Có lẽ “cơn sốt Beatles” ở thế kỷ trước đã đánh dấu cho một trào lưu sùng bái thần tượng thuộc giới showbiz (ca sĩ, diễn viên...), bắt đầu ở Âu Mỹ rồi lan ra khắp thế giới. Và đến xứ ta, những “đợt sóng thần” này có vẻ còn “hung hãn” hơn các nơi khác. Đặc biệt đối với các “sao Hàn” như Bi Rain, Jea Joong, Yoo Chun, Jun Su, Kim Hyun Joong..., các fan nữ Việt lúc nào cũng thể hiện sự ái mộ bằng những... hành vi mê đắm như gào thét, réo tên thần tượng với lời “tỏ tình” tập thể, chẳng hạn “Kim Hyun Joong, em yêu anh!”, mặc dầu anh chàng này đến Việt Nam chỉ để...quảng cáo mỹ phẩm. Các girl fan tuổi teen này, có khi lên đến hàng ngàn em, sẵn sàng bỏ học kéo nhau ra sân bay, mang theo băng rôn, khẩu hiệu cùng quà tặng và ngồi đợi nhiều giờ liền bất kể nắng mưa, thậm chí nhịn đói nhịn khát tới nửa đêm. Nhiều nàng bật khóc hu hu, có nàng ngất xỉu khi bóng dáng thần tượng vừa xuất hiện, có em còn úp mặt hôn lên... chiếc ghế thần tượng vừa ngồi. Nhiều cuộc “tấn công” thần tượng đã xảy ra như kéo áo, cào cấu, truy đuổi náo loạn sân bay, bám theo xe đến tắc nghẽn đường phố, rồi túc trực “phục kích” trước cửa phòng ở khách sạn, đến nỗi các thần tượng không dám ló mặt ra.

Đối với các idol “hàng nội”, tình hình fan có thể thưa hơn về số lượng nhưng cũng không kém phần cuồng nhiệt. Một nam ca sĩ khá nổi tiếng đã “được” một fan nữ đặt ảnh của anh ta trên... bàn thờ. Một MC đẹp trai đã bị một fan  dọa... nhảy sông nếu không đến... uống nước mía cùng cô ta. Lướt qua một vài trang facebook của các “sao”, sẽ  thấy các FC (Fanclub) hoạt động thật náo nhiệt. Ngoài những lời ngợi ca “mê mệt” về tiết mục biểu diễn, về mặt mũi áo quần..., các fan còn cãi vã nhau về những chuyện “bếp núc” khác như mua nhà, đổi xe, thú cưng, khẩu vị... của “sao” này “sao” kia. Khi “thần tượng” bị dính vào một vụ xì-căng-đan thì lập tức các fan ùa lên mạng động viên, bênh vực. Khi giữa các “sao” xảy ra xung đột thì cũng đồng thời nổ ra “cuộc chiến” giữa các FC, không chỉ bằng những câu “comment” đốp chát mà đôi khi bằng cả... cơ bắp ngoài quán xá. Đã vậy, nhiều “sao” lại xem đây là điều vinh dự (!).

Có thể sẽ bị cho là ngớ ngẩn, lạc hậu..., nhưng vẫn cứ phải nêu lên những câu hỏi: Liệu rằng các fan có thật sự sùng bái các “sao” đến vậy không, hay chỉ là hiệu ứng đám đông, là “cơn mê cảm tập thể” giống như bệnh cà hước (hysteria) thường gặp ở nữ sinh? Liệu có phải các fan “sao Hàn” đã thực sự “nhiễm” và “ghiền” những bài hát xứ Hàn? Và tại sao “idol” của giới trẻ Việt chỉ tập trung vào các “showbiz” mà không... chia bớt cho các tài năng khác như nhà khoa học, nhà thơ, nhạc sĩ...? Và liệu sự cống hiến của những “thần tượng” kia có trở thành những giá trị văn hóa bền vững chăng?

Lại nói về danh xưng “thần tượng”. Với gameshow “Song ca cùng thần tượng” trên VTV3, dù sao danh hiệu “thần tượng” cũng được phong cho các ca sĩ đã nổi tiếng. Nhưng với cuộc thi “Việt Nam Idol” (Thần tượng Việt Nam) dành cho những giọng ca còn là “ẩn số”, hay “Việt Nam Idol Kids” (Thần tượng trẻ em Việt Nam) dành cho các cháu có năng khiếu, cho dù được hiểu ngầm chỉ giới hạn trong lĩnh vực ca hát, thì e rằng mỹ danh “thần tượng” đã bị... khuyến mãi quá vội vàng.

Tất nhiên mỗi người đều có quyền tôn sùng  một “thần tượng”. Có thể là cha mẹ, thầy cô, bạn bè, người yêu hoặc một tài năng nào đó trong xã hội. Nhưng nếu xét ở góc nhìn tích cực, “thần tượng” nên chăng là người có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc định hướng cuộc đời mình về phía chân thiện mỹ?

PHAN VĂN MINH

PHAN VĂN MINH