Mùa hè của em
Những ngày đầu tháng 6, các trung tâm, địa chỉ học hè đã “khai giảng”. Và trẻ bắt đầu lục tục kéo đến, căng mình với “học kỳ 3”. Mùa hè với trẻ em từ nông thôn, đô thị đến miền núi, vùng biển thường có những điểm chung: hoặc học hè, hoặc ra đồng lên rẫy. Điều đó giờ… bình thường đến nỗi, vẫn lo lắng nhưng ít ai còn buồn, vì không như thế thì phải làm gì với mấy tháng hè?
Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
LẠI HỌC!
Thiếu vắng sân chơi, những lớp đào tạo kỹ năng sống khá hạn chế và lại có mức học phí cao khiến cho nhiều trẻ em ở thành thị không còn ngày nghỉ hè đúng nghĩa. Thay vào đó, các em buộc phải đến những lớp học hè, học năng khiếu… Những ngày nghỉ hè đúng nghĩa của các em, giờ ở đâu?
Sau bế giảng là học hè
Chẳng biết tự bao giờ, có một “học kỳ 3” chờ sẵn đối với nhiều em nhỏ ở thành thị, bởi lịch học hè gần như xuất hiện ngay sau ngày bế giảng. Nhẹ nhàng thì học ngoại ngữ, học năng khiếu, khiêu vũ, đánh đàn. “Nặng” hơn là học trước chương trình trong năm học mới. Gọi là nghỉ hè, nhưng nhiều em học sinh cứ phải vạ vật xoay xở với lịch học không khác gì ngày thường. Kỳ nghỉ hè vì thế trở nên nhạt nhòa hơn trong mắt các em. Chị C.T.P. (phường An Mỹ,TP.Tam Kỳ) chia sẻ, khi con nghỉ hè, do bận việc, lại không an tâm khi để con trẻ ở nhà một mình, gia đình chị buộc phải tìm lớp cho con học. “Chỉ tranh thủ dịp cuối tuần đưa con về quê nội chơi, các ngày còn lại, vì phải làm việc nên đành chấp nhận cho con đi học như các bạn cùng trang lứa. Quanh địa bàn Tam Kỳ, cũng không tìm được nơi tiếp nhận học sinh độ tuổi tiểu học, THCS, chỉ có cách gửi nhờ các lớp dạy thêm hoặc vào các trung tâm dạy ngoại ngữ, năng khiếu thôi” - chị P. nói.
Trẻ tham gia học kỳ quân đội do Tỉnh đoàn tổ chức.Ảnh: CÔNG VINH |
Theo khảo sát, có nhiều giáo viên tiểu học, THCS tổ chức mở lớp dạy hè do nhu cầu của phụ huynh học sinh là khá cao. Tin tưởng các cô giáo ở trường, dù nhiều giáo viên không muốn mở lớp do sợ vi phạm các quy định của ngành giáo dục, nhưng nhiều phụ huynh vẫn cố “nằn nì” để có chỗ gửi các em trong những ngày hè. Vô hình trung, “học kỳ 3” cứ thế kéo dài gần hết đến năm học mới. “Cả năm học đã rất mệt, hè cháu muốn được đi chơi, đi du lịch. Nhưng ba mẹ không có thời gian rảnh, lại không biết làm gì trong hè nên cháu cũng phải tìm lớp học thêm như các bạn cùng khóa” - em Th., một học sinh lớp 8 chia sẻ.
Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh: Chăm lo cho trẻ em là nhiệm vụ thường xuyên Toàn tỉnh hiện có 321.300 trẻ em, trong đó trẻ sống trong hộ nghèo là 55.955; trẻ có hoàn cảnh đặc biệt là 24.434 (tỷ lệ 5,8%), trẻ có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt 59.419 (tỷ lệ 14,1%). Như vậy, trẻ em của tỉnh thuộc diện khó khăn, đặc biệt còn chiếm tỷ lệ khá cao, cần được sự chăm sóc của cả cộng đồng xã hội. Trong toàn tỉnh, chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ thường xuyên. Không chỉ trong Tháng hành động vì trẻ em là tháng 6, mà xuyên suốt cả năm tỉnh có nhiều hoạt động chăm lo cho trẻ em. Đối với xã hội sẽ có các hoạt động truyền thông, giáo dục vận động xã hội cùng vào cuộc chăm lo cho đời sống tinh thần và vật chất của trẻ em. Đội ngũ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp thường xuyên được nâng cao năng lực để làm tốt hơn công tác này, đặc biệt là kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích, vì an toàn cho trẻ em. Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được duy trì và nhân rộng. Các hoạt động trợ giúp, xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động về phía Nhà nước được tăng cường. Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp tiếp tục vận động các nguồn tài trợ từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để có nhiều hoạt động trợ giúp trẻ em thật hiệu quả như mổ tim bẩm sinh, phẫu thuật hở hàm ếch, giúp trẻ em đến trường bằng những suất học bổng, trợ giúp trẻ em nghèo bị bệnh hiểm nghèo được chữa bệnh…D.LỆ (ghi) |
Những lớp học hè với quy mô 10 - 20 em là khá phổ biến ở TP.Tam Kỳ hiện nay. Ngoài ra, các trung tâm dạy Anh ngữ, trung tâm âm nhạc cũng vào mùa tuyển sinh với lượng học sinh tăng cao hơn so với trong năm học. Điều này cũng xuất phát từ tâm lý của các phụ huynh, khi không thể quản lý con cái trong dịp hè. Ngày nghỉ hè, vẫn tiếp tục là chuỗi ngày dài… đi học.
Thiếu các lớp dạy kỹ năng
Trong khi lượng học sinh ở địa bàn thành phố là khá lớn, thì các lớp học kỹ năng - điều cực kỳ cần thiết cho trẻ em, lại có quy mô còn khá khiêm tốn. Tại Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung (đường Huỳnh Thúc Kháng, TP.Tam Kỳ), nơi có tương đối nhiều các hoạt động giáo dục kỹ năng, số lượng phụ huynh đăng ký các hoạt động này còn khá khiêm tốn. Ông Nguyễn Tấn Lâm, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ - đào tạo của trung tâm chia sẻ, trong hè, trung tâm sẽ mở nhiều lớp đào tạo kỹ năng sống cho các em như “Học kỳ trong quân đội”, “Em tập làm chiến sĩ”, các trại sáng tác, trại hè du lịch biển đảo… Tuy nhiên, chỉ ở quy mô xấp xỉ 80 - 90 em, do nhu cầu thực sự không cao. “Các lớp học này chiêu sinh học sinh chủ yếu ở địa bàn Quảng Nam và các tỉnh lân cận, mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho các em, nhất là rèn luyện kỹ năng. Tuy nhiên, quy mô còn khá khiêm tốn, có năm chỉ đạt 50 em/khóa.
Ngoài Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung, Tỉnh đoàn và một số đơn vị cũng tổ chức các khóa giáo dục kỹ năng như “Học kỳ trong quân đội” và nhiều hoạt động tương tự. Tuy nhiên, mức học phí khá cao (1,9 triệu đồng/học viên/tuần học). Các lớp khác mức phí có thấp hơn, nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho các em đi học.
Trong bối cảnh thiếu sân chơi và vắng các hoạt động cho các em học sinh ngày hè, nhiều gia đình chọn cách cho các em học bơi, vốn đang là xu hướng ngày càng phổ biến ở TP.Tam Kỳ. Hiện nay, Tam Kỳ cũng đã có một số hồ bơi mi ni tổ chức lớp dạy bơi thường xuyên cho các em học sinh, cũng là một hoạt động bổ ích đối với trẻ. Ít ra, đây cũng là một trong những kỹ năng cần thiết đối với các em, trong khi những ngày hè dần dần mất đi ý nghĩa… (THÀNH CÔNG - PHAN VINH)
RA ĐỒNG GIÚP MẸ
1. Trên một quãng đường đèo dốc khá vắng vẻ thuộc tuyến ĐT 614, đoạn giáp ranh giữa xã Tiên Sơn (huyện Tiên Phước) và Bình Lâm (huyện Hiệp Đức), em Võ Thị Kim Như (lớp 8, Trường THCS Chu Văn An, Bình Lâm, Hiệp Đức) đang ra sức kéo dây thẹo bò để lùa bò về nhà vì trời đã sẫm tối.
Như đi giữ 1 con bò lớn và 2 con bò con, cùng lúc trông cả đứa em gái ruột mới học lớp 2 và đứa em gái họ được lên nhà Như ở chơi vài ngày. Vì Như phải đi giữ bò giúp bố mẹ, nên 2 đứa em nhỏ cũng lẽo đẽo theo chị, chứ ở nhà không ai trông. Hỏi Như sao giờ này ba chị em còn thả bò ở nơi vắng vẻ, Như nói: “Con giữ bò ở đây miết, không sợ. Ở trên ni mới có cỏ cho bò ăn, chứ ở dưới đồng gần nhà nắng quá cỏ chết hết, bò không có chi để ăn. Cha mẹ con làm nông nên cũng đi làm miết, nghỉ hè con giúp cha mẹ giữ bò”. Nói rồi Như chỉ tay xuống phía dưới con suối nằm dưới chân đồi, nói rằng Như thả bò ở đây và ở gần bờ suối, có cỏ ngon và có nước cho bò uống. Ở bờ suối lại mát mẻ, Như cũng hay thả bò ăn cỏ rồi lội xuống suối bắt ốc về ăn. Nhưng tuyệt nhiên Như không tắm suối, vì cha mẹ có căn dặn không được tắm suối nguy hiểm. Nghỉ hè, Như chưa biết có đi học hè hay không, nhưng việc hằng ngày của Như là làm những việc giúp cha mẹ như chăn bò, nấu cơm ngày hai bữa trưa tối, giữ em, cho heo gà ăn, dọn dẹp nhà cửa. Như hồn nhiên: “Những việc đó con quen rồi nên làm được hết, không có chi khó hết. Con cũng ưng được như các bạn thành phố, hè được đi du lịch, được chơi các trò chơi vui vẻ nhưng mà ở trên quê không có chỗ mô chơi được hết”.
2. Vừa được nghỉ hè, em Lê Ngọc Đại (học sinh lớp 8, Tiên Lộc, Tiên Phước) tranh thủ đi theo đám bạn nhặt trái dầu trảu để bán kiếm tiền giúp mẹ. Đại cùng đám bạn ở quê đi lùng sục khắp mấy ngọn đồi núi thấp gần nhà, nhưng không có nhiều dầu trảu vì cây đã bị đốn hết để trồng keo thay thế. Nhặt không được dầu trảu, Đại liền đi kiếm củi vác về nhà cho mẹ chụm lửa. Tuổi như Đại, việc gánh vác nỗi lo gạo tiền có lẽ quá sức của em. Nhưng hoàn cảnh éo le, em đành phải biết lo sớm hơn tuổi. Ba Đại là lao động chính trong gia đình, nhưng một vụ tai nạn giao thông đã cướp người cha ra đi vĩnh viễn khỏi cuộc đời em cách đây vài tháng. Mẹ Đại sức khỏe giảm sút hẳn, cộng với bệnh tim lâu năm nên không thể làm được việc gì nặng nhọc hay kiếm ra tiền nuôi 2 đứa con nhỏ. Thế là Đại như trở thành người đàn ông của gia đình, em toan bỏ học để đi phụ hồ kiếm tiền nuôi mẹ và em gái nhỏ, nhưng mẹ khóc, bà con hàng xóm rầy la, góp tiền giúp em đi học, nên em ráng đi học. Đại tâm sự: “Con nhớ ba lắm, thương mẹ thương em nữa. Con không biết đi học được đến chừng mô nữa, nhưng ráng được chừng mô thì ráng. Hè ni con ở nhà giúp mẹ giữ bò, kiếm củi được nhiều thì bán để có tiền mua sách vở, quần áo cho con với em đi học lại. Mẹ con cũng định xin đi làm công nhân may để có tiền nuôi con, mà mẹ yếu lắm, không biết có đi làm được không nữa”. (DIỄM LỆ)
KHI TRẺ KHÔNG... “THÈM CHƠI”
Có những nơi thiếu vắng chỗ chơi cho trẻ, thì cũng có những “lãnh địa” vui chơi của trẻ vắng hoe. Tự hỏi rằng có phải các em nhỏ nay đã không còn “thèm chơi” những trò ngoài trời, hay do người lớn đã tạo sân chơi từ những quan niệm chưa đúng?
Hư hại, ngổn ngang và hoang vắng tại Sân chơi cộng đồng khối phố An Mỹ, phường Cẩm Châu (Hội An). Ảnh: LÊ QUÂN |
Bắt đầu vào hè, chúng tôi thử làm một cuộc khảo sát rảo quanh những sân chơi ngoài trời tại Hội An. Vắng vẻ, tổ chức khá đơn điệu, vị trí đặt sân chơi không hợp lý… khiến sau khoảng thời gian đi vào hoạt động không lâu thì những sân chơi này cũng bị “quên lãng”. Những không gian cộng đồng với ưu tiên lớn nhất là để kiến tạo thành những sân chơi cho trẻ, đã không thể trọn vẹn với mục tiêu ban đầu. Tại khối phố An Mỹ, phường Cẩm Châu, nơi cách đây gần 3 năm, một sân chơi cộng đồng miễn phí đặt tại khu thiết chế văn hóa An Mỹ do Trung tâm Hành động vì đô thị phát động tổ chức hoàn thiện. Và sau những ngày đầu rầm rộ, tại thời điểm chúng tôi có mặt, mọi thiết bị, dụng cụ vui chơi đã cũ kỹ và có nguy cơ đổ sập. Việc sử dụng các vật liệu tái chế và nguyên liệu tại địa phương như lốp xe, tre, tầm vông… nếu không được quan tâm duy tu thường xuyên thì ở điều kiện ngoài trời sẽ dễ dàng hư hỏng. Chưa kể đến việc vì chưa có cơ chế quản lý sân chơi cộng đồng, không có người thiết kế thường xuyên các hoạt động cho trẻ em tại địa phương, nên những sân chơi này im vắng là lẽ đương nhiên. Một cụ già sống ngay bên cạnh khu thiết chế An Mỹ, chia sẻ với chúng tôi, không có mấy trẻ em đến đây chơi, vì khu vực này độ tuổi thiếu nhi không nhiều, dân cư cũng khá ít.
Tháng 7.2015, Walk21 tại Viên - Áo đã trao giải “Walking Visionaries Awards” (Tầm nhìn cho các thành phố đi bộ) cho Kế hoạch Phát triển không gian công cộng (KGCC) tại TP.Hội An giai đoạn 2015 - 2020. Mục tiêu chung của kế hoạch này đến năm 2020 là phát triển hệ thống KGCC toàn thành phố với việc đảm bảo rằng mọi người dân Hội An đều có KGCC chất lượng, được thiết kế nằm trong khoảng cách đi bộ thuận tiện từ 300 - 500m, tương đương với 5 - 10 phút đi bộ. Dự kiến đến 2020, Hội An sẽ có 199 địa điểm KGCC các cấp phục vụ cho dân số khoảng 98 nghìn người. Trong tất cả KGCC trên đều có hạng mục kiến tạo sân chơi cho trẻ em. |
Chuyện tìm không gian chơi cho trẻ đô thị, lâu nay, cứ mỗi mùa hè lại được mang ra bàn luận, từ mặt báo đến hàng quán café. Nhưng người lớn, dường như chỉ mới nghĩ đến việc tạo cho trẻ một không gian chơi, chứ chưa thật sự chú tâm đến như cầu vui chơi của trẻ em. Trẻ em ở đô thị với lối sinh hoạt theo nhịp sống đô thị sẽ nảy sinh ra nhu cầu vui chơi khác với trẻ em ở các vùng nông thôn. Nếu cứ quan niệm sân chơi là nơi tập trung các món đồ chơi, những trò chơi được xây lắp sơ sài, thì hẳn nhiên sẽ không thể nào thu hút trẻ tìm đến. Những khu vui chơi công cộng tại TP.Hội An với số lượng ít ỏi và đều na ná nhau. Đó là một khu vận động liên hoàn, bao gồm các trò vận động trong mái che, cầu trượt, xích đu… Mục tiêu ban đầu với việc tạo ra điểm nhấn trong không gian đô thị, kết nối và truyền cảm hứng cho mọi người thông qua tiếng cười trẻ thơ, đã thật sự thành công trong những ngày đầu đi vào hoạt động. Thế nhưng, cách vận hành nó thể hiện qua việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng và tổ chức hoạt động tập trung, đã khiến nó không thể đi đến cùng mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, nếu các khu vui chơi công cộng miễn phí vắng vẻ như vậy, thì những ngày đầu hè, tại các khu vui chơi do tư nhân xây dựng và có thu phí, lại rất đông đúc. Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà tại khối phố Thanh Hà (Hội An) chia sẻ, tại những khu vui chơi có phí, nhiều trò chơi cho trẻ hơn, và chị cũng cảm giác con mình được an toàn hơn. Nhưng với mức giá dao động từ 30 – 50 nghìn đồng/trẻ thì không phải phụ huynh ở khu vực nào cùng sẵn sàng móc hầu bao. Không thể đổ lỗi cho các sân chơi tại cộng đồng vắng vẻ chỉ vì lý do đơn điệu trò chơi, điều cốt lõi những không gian ấy không được vận hành đúng như mục đích ban đầu và không có sự quan tâm của người lớn. Một cán bộ Đoàn tại phường Cẩm Châu chia sẻ với chúng tôi, Nhà văn hóa thiếu nhi TP.Hội An xây dựng đã mấy năm nay, với mục tiêu tạo một không gian vui chơi cho trẻ đô thị mãi vẫn chưa xong. Đa số thiếu nhi Hội An đến vui chơi tại khu vực quảng trường Sông Hoài với những trò chơi, máy móc hiện đại và tốn phí.
Các đô thị ở Quảng Nam vẫn chưa đến mức phải chuẩn bị cho trẻ em một “tuổi thơ bê tông hóa”. Những nỗ lực kiến tạo rất cần bên cạnh sự quan tâm nhiệt tình dành cho trẻ ở đô thị một không gian đúng nghĩa. (LÊ QUÂN)
MÙA EM LÊN RẪY
Mùa này, vùng cao nắng như đổ lửa. Trên các triền đồi trước ngõ làng, không khó để bắt gặp từng tốp trẻ vô tư vui chơi, mặc cho đầu trần, mình truồng như nhộng. Tôi từng đi, từng gặp hình ảnh nhiều trẻ em vùng cao bì bõm lội dọc các con suối để bủa lưới trong buổi trưa nắng gắt hay cùng mẹ kiếm măng, gùi sắn. Đó là chưa kể ở nhiều nơi sông suối có khoáng sản, hằng ngày các em lại theo chân cha mẹ để tìm “vận may” giúp sức kiếm thêm nguồn trang trải cho gia đình. Hệ lụy từ những cuộc mưu sinh này, các em luôn đối mặt với nhiều rủi ro, hiểm họa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng.
Một bé gái ở xã Tà Lu (Đông Giang) giúp trông em để cha mẹ lên rẫy. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Biên giới mùa này mưa dông thường xuyên vào mỗi buổi chiều. Phía dưới khoảnh đất rộng chỉ ước chừng chưa đầy 100m2, hàng chục trẻ em của một ngôi làng ở huyện Tây Giang vẫn hăng say đá bóng. Tại làng Pà Nai 1 (xã Tà Lu, huyện Đông Giang), mặc dù trời mưa, nước lênh láng ngập sân nhưng nhiều em nhỏ vẫn say mê với quả bóng tròn. Rất nhiều năm trước, cũng nguyên những hình ảnh đó. Và chúng cứ lặp lại. Năm ngoái, tôi có dịp theo chân đoàn thiện nguyện từ TP.Đà Nẵng đến xã biên giới A Xan của huyện Tây Giang để làm chương trình đưa không gian vui chơi cho trẻ vùng biên giới. Dù vật liệu chỉ bằng những tấm sắt vụn, xích xe gắn máy, lốp ô tô cũ,… nhưng sau một thời gian tái chế, các thành viên của đoàn đã biến mọi thứ thành khu vui chơi rất độc đáo, mới lạ cho trẻ miền núi. Nhìn các em vui chơi, tôi thầm nghĩ, các em thật may mắn so với nhiều vùng biên giới khác, chưa một lần tìm được niềm vui ngày hè.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang tâm sự rằng, trẻ em ở miền núi thường rất thiệt thòi so với nhiều vùng khác. Điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá hiểm trở, và không có khu vui chơi, giải trí như ở đồng bằng. Từ nhu cầu bức thiết của các em, những năm gần đây, chính quyền huyện Tây Giang đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm cùng hướng về trẻ miền núi, chia sẻ với khó khăn chung của địa phương. Một niềm vui mới cho trẻ em ở Tây Giang, khi ông Blúi cho hay địa phương đã chỉ đạo tổ chức chương trình hỗ trợ tập bơi cho trẻ em trên địa bàn vào dịp hè này. Chương trình sẽ được giao cho Huyện đoàn phối hợp với Phòng GD-ĐT và chính quyền các xã cùng thực hiện, vừa giúp các em có nơi vui chơi, vừa tập kỹ năng bơi đề phòng mưa lũ. (ALĂNG NGƯỚC)