Phố núi rộn rã...

HỮU PHÚC 04/06/2016 11:22

Hệ thống đường sá dọc ngang mở ra, các loại hình dịch vụ, du lịch và thương mại bắt đầu manh nha, đã làm cho cho đời sống đô thị ở các huyện Phước Sơn, Nam Giang trở nên nhộn nhịp nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao.

Phố núi Khâm Đức trở nên nhộn nhịp nhờ phát triển thương mại buôn bán.Ảnh: H.PHÚC
Phố núi Khâm Đức trở nên nhộn nhịp nhờ phát triển thương mại buôn bán. Ảnh: H.PHÚC

“Kinh đô” của biên giới

Cách cửa khẩu Đắc Tà Oọc khoảng 20km, nằm trên trục quốc lộ 14D, trung tâm Chà Vàl (huyện Nam Giang) có mật độ dân cư thuộc loại đông nhất huyện. Không có nhiều dãy nhà cao tầng, nhưng nhà cửa san sát như ở phố. Nơi đây, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân các huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn, Duy Xuyên tập trung sinh sống, buôn bán. Nhiều quán kinh doanh ăn uống, cà phê... phục vụ cho khách vãng lai có thể hoạt động đến tận 12 giờ đêm. Phố núi chỉ kéo dài hơn 1km, nhưng có đến gần 10 nhà nghỉ. Mấy năm nay, Chà Vàl nổi lên như trung tâm mua sắm ở vùng cao. Mỗi ngày từng dòng người từ các xã biên giới La Dêê, La Êê, Zuôih, Đắc Pre, Đắc Pring, thậm chí cả người dân của nước bạn Lào ghé về mua sắm, trao đổi hàng hóa. Hơn 5 năm trước, chị Vân (quê ở xã Đại Lãnh, Đại Lộc) chỉ có ý định lên buôn bán dịp tết rồi trở về đồng bằng, nhưng công việc làm ăn thuận lợi đã khiến chị an cư lập nghiệp luôn tại đây. Chị Vân bảo, mấy năm nay người dân ở huyện Đại Lộc lên đây kinh doanh nhiều lắm. Cán bộ, giáo viên, học sinh, người dân sống ở gần khu vực cửa khẩu cũng về Chà Vàl mua sắm. Người dân chủ yếu tận dụng nhà ở để mở thêm cửa hàng kinh doanh, cùng với đó là “chợ di động” nằm dọc hai bên đường.

Xã Chà Vàl có khoảng 2 nghìn nhân khẩu, một nửa trong số đó sống co cụm dọc hai bên quốc lộ. Nơi đây có khoảng 100 quán ăn, cửa hàng buôn bán các nhu yếu phẩm. Sáng sớm, thị tứ này đông nghịt dòng người qua lại do các trường học xây dựng ở trung tâm. Học sinh hai xã Zuôih - Chà Vàl đều theo học tại đây. Trong nhà của đồng bào hiện nay không thiếu các phương tiện nghe nhìn, máy quạt, tủ lạnh, nồi cơm điện... Nhiều gia đình khá giả còn mua sắm điện thoại đắt tiền.

Ông Tơ Đêl Sơn - Chủ tịch UBND xã Chà Vàl cho biết, điện và đường đã làm thay đổi cuộc sống đồng bào vùng cao. Trước đây người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin, còn bây giờ nhiều gia đình phủ sóng wi-fi. Gần như các xã biên giới đều về Chà Vàl mua sắm. Chính quyền khuyến khích người dân chuyển dần từ lao động nông nghiệp sang phát triển dịch vụ, buôn bán. Những sản phẩm, nông sản của vùng cao hay siêu thị dạng mi-ni đều có mặt ở trung tâm Chà Vàl. “Vùng cao bây giờ không thiếu mặt hàng tiêu dùng, như gần đây đồng bào có thể mua được hải sản tươi sống do mỗi ngày có ít nhất 2 xe tải chở hàng hóa từ phía Đà Nẵng lên” - ông Sơn nói. Đêm đến, ánh điện tỏa ra sáng trưng từ các cửa hiệu buôn bán càng làm cho phố núi thêm lung linh. Nhìn đồng bào sum vầy, dán mắt vào màn hình ti vi... đã thấy sự thay đổi trong nền nếp sinh hoạt. Thị tứ Chà Vàl dường như đi ngủ muộn. Theo Chủ tịch UBND huyện Nam - ông Alăng Mai, chủ trương của địa phương là phát triển, mở rộng đô thị Chà Vàl cho xứng với tiềm năng, lợi thế. Chà Vàl là cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung kết nối với Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan. Thời gian qua, thị tứ này phát triển rất năng động, chính quyền tập trung các nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp gắn với dịch vụ thương mại cửa khẩu, kết hợp phát triển đô thị với tổ chức dân cư canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp.

Đô thị vùng tây

Hơn 9 giờ tối, thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) vẫn còn nhộn nhịp. Nhiều khách Tây tản bộ, hay la cà ở các tiền sảnh khách sạn, nhà hàng ăn uống. Các loại xe khách nối đuôi nhau chạy ngược xuôi trên đường Hồ Chí Minh. Dạo quanh con đường Đỗ Quang, hay Hoàng Diệu về đêm vẫn thấy nhiều khách vãng lai, người nước ngoài ghé mua sắm ở các cửa hiệu. Các tiệm Internet khá đông bạn trẻ. Ông Tám, chủ khách sạn Bé Châu Giang cho biết, lượng khách nước ngoài lưu trú tại khách sạn vào mùa hè rất đông nhờ trào lưu đi du lịch bụi, xuyên đường Hồ Chí Minh nở rộ thời gian qua. Thị trấn Khâm Đức xưa chỉ là những ngôi nhà tạm bợ còn bây giờ thành vùng phát triển năng động trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ buôn bán. Đường sá mở dọc ngang, phố là “điểm đến” của nhiều đoàn khách vượt Trường Sơn từ Nam ra Bắc hay từ Bắc vô Nam.

Theo quy hoạch xây dựng của UBND tỉnh, thị trấn Khâm Đức sẽ mở rộng đầu tư phát triển lên thị xã. Đến năm 2020, cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Chương trình phát triển đô thị Khâm Đức (huyện Phước Sơn) giai đoạn 2015-2020 nêu rõ quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển; danh mục, lộ trình xây dựng các khu vực phát triển đô thị; đề xuất các chỉ tiêu đạt được hằng năm, dự án ưu tiên đầu tư, nguồn vốn và các giải pháp thực hiện. Tương lai sẽ di dời khu chợ Khâm Đức và xây dựng siêu thị mi-ni. Hiện chính quyền huyện Phước Sơn xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư, thành lập mới các công ty, xí nghiệp để hút lao động, dân cư đến làm ăn, sinh sống. Trong khi đó, thị trấn Prao (Đông Giang) cũng đang mở rộng không gian, phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ.

Trong chiến lược phát triển đô thị vùng tây của tỉnh, sẽ hình thành các đô thị mới như Chà Vàl (Nam Giang), Sông Vàng (Đông Giang), A Xan (Tây Giang), Phước Hiệp (Phước Sơn). Theo Sở Xây dựng, phát triển đô thị vùng tây nhất thiết phải tính tới chuyện giữ rừng, môi trường sinh thái và nguồn nước; kết nối cho cả vùng Đà Nẵng - Sê Kông và Tây Nguyên. Đồng thời phải khớp nối quy hoạch 2 vùng đông - tây.  Đầu tư giao thông liên vùng trước mắt ổn định các tuyến giao thông hiện có. Khi phát triển đô thị phải chú ý sắp xếp không gian cho dân số tăng, xác lập cơ cấu sử dụng đất, thu hút các dự án đầu tư xây dựng.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC