Xong một nhiệm kỳ

ANH SẮC 04/06/2016 07:44

Hội Taekwondo Quảng Nam vừa tổ chức đại hội lần thứ II nhiệm kỳ 2016 -2020 vào cuối tuần qua. Với tinh thần hoàn toàn tự nguyện, các chi hội, câu lạc bộ, môn phái, võ đường và những người hoạt động võ thuật trên địa bàn tỉnh đã cho thấy một tinh thần quyết tâm thật sự vì sự phát triển của phong trào Taekwondo đất Quảng. Trong đó, vai trò của những người “đứng mũi chịu sào” như các huấn luyện viên Huỳnh Khải, Trịnh Minh Hương, Nguyễn Ngọc Đình… rất quan trọng và được phát huy hết “công suất” ở nhiệm kỳ qua.

Giải Taekwondo tỉnh do Hội Karatedo Quảng Nam và Sở VH-TT&DL tổ chức.
Giải Taekwondo tỉnh do Hội Karatedo Quảng Nam và Sở VH-TT&DL tổ chức.

Trên đất võ Quảng Nam, Taekwondo là môn võ “đàn em”. Quá trình hình thành và phát triển cũng gặp không ít gian nan, thử thách. Song, dưới sự lèo lái của Hội Taekwondo Quảng Nam nhiệm kỳ 2010 - 2015, phong trào đã có sự lớn mạnh đáng kể. Từ 13 câu lạc bộ hồi năm 2010, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 22 câu lạc bộ thường xuyên hoạt động với số lượng võ sinh tham gia tập luyện lên đến 1.400 người, tăng hơn 2 lần. Sở hữu một nửa số lượng câu lạc bộ cả tỉnh, thị xã Điện Bàn  là địa phương có phong trào hoạt động mạnh nhất. Một trong những động thái được ghi nhận rất tích cực, có tác động rất lớn đến phong trào kể từ khi thành lập đến nay, đó là việc hàng năm hội phối hợp với Sở VH-TT&DL, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam tổ chức thi thăng đẳng cho huấn luyện viên của tỉnh (5 năm qua đã có 480 lượt người thi thăng đẳng). Nhờ vậy, hiện nay Taekwondo là một trong những môn thể thao của tỉnh có nhiều người trở thành trọng tài quốc gia nhất với 8 người; cũng là môn có bảng vàng thành tích tốt nhất với 53 huy chương tại các giải quốc gia và quốc tế qua 5 năm. Ấn tượng hơn, Taekwondo là bộ môn duy nhất của thể thao đất Quảng giành tấm huy chương đồng Asiad do công của nữ võ sĩ Phạm Thị Thu Hiền lập được ở Asiad 17 năm 2014 diễn ra tại Hàn Quốc.

Cũng như bao tổ chức thể thao khác, Hội Taekwondo Quảng Nam phải tự “nuôi” mình. Chưa có nguồn tài trợ nào, nên để có kinh phí hoạt động, hội dựa vào nguồn lệ phí thu được từ thi thăng đẳng, lên cấp của câu lạc bộ là chủ yếu, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành TD-TT. Nhưng điều này không ngăn được quyết tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng phong trào tập luyện và thi đấu. Năm 2013, hội trích từ nguồn kinh phí hạn hẹp của mình mua bảng chấm điểm điện tử. Từ đó, các giải đấu của tỉnh bắt đầu sử dụng bảng chấm điểm điện tử thay vì chấm theo cảm tính của các trọng tài như trước đây, góp phần đánh giá chính xác, hiệu quả các trận đấu. Đồng thời còn giúp cho các vận động viên làm quen với việc thi đấu mới để không còn bỡ ngỡ khi tham gia giải quốc gia.

Không có cái tặc lưỡi “xong một nhiệm kỳ”, Hội Taekwondo Quảng Nam kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên sẽ lại mở ra một nhiệm kỳ mới, nhiều lạc quan và cũng lắm hy vọng. Ví như các mục tiêu mà hội đề ra tại đại hội nhiệm kỳ 2016 - 2020 như 100% thành phố, thị xã, huyện đồng bằng và 1/3 huyện miền núi sắp tới có câu lạc bộ để thu hút ngày càng nhiều người tham gia tập luyện; hay nâng cao chất lượng phong trào, đội ngũ huấn luyện viên qua các giải đấu cấp câu lạc bộ, tạo điều kiện cho các huấn luyện viên tham gia các khóa tập huấn chuyên môn, trọng tài do Liên đoàn Taekwondo Việt Nam tổ chức.

ANH SẮC

ANH SẮC