Đại Hưng thiếu nước sạch
Tình trạng suy kiệt, ô nhiễm nguồn nước đã khiến hàng trăm hộ dân ở xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc gặp nhiều khó khăn.
Nhiều năm nay, đời sống của hàng trăm hộ dân ở các thôn Thạnh Đại, Đại Mỹ, Mậu Lâm, Trung Đạo, An Điềm (xã Đại Hưng) bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi phải sống chung với nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm tạp chất nặng. Bà Hồ Thị Thu, một người dân thôn An Điềm chia sẻ: “Nhà tôi đào 3 cái giếng, nhưng hai cái không dùng được, một cái có nước nhưng đục, nước múc lên thấy nổi váng nên gia đình tôi chỉ dám sử dụng nước này để tắm rửa, sinh hoạt mà không dám ăn uống. Mỗi tháng, tôi phải bỏ tiền túi ra mua cả chục bình nước lọc để dùng. Còn nếu hôm nào may mắn có mưa thì hứng nước mưa sử dụng”. Tình trạng nước giếng khi múc lên có màu đỏ, màu ngà, nổi váng, có mùi hôi tanh hay có mùi vị khó chịu không chỉ xảy ra đối với gia đình bà Thu mà còn ảnh hưởng tới cả chục hộ trong thôn An Điềm này. Bà Lê Thị Vy - cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình thôn An Điềm cho hay: “Toàn thôn có 68 hộ dân thì có tới một nửa số hộ bị ảnh hưởng vì nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng. Có những giếng nước phèn vàng hay đỏ quạch thì không nói gì, có những giếng dù rất trong nhưng khi đun sôi vẫn có phèn vôi đọng dưới đáy ấm rất đáng lo. Nhà tôi bỏ tiền khoan giếng sát sông nên nước có phần đỡ hơn, nước trong và ít phèn, nhưng nguồn này có đảm bảo hợp vệ sinh thì không biết”.
Trong khi người dân An Điềm đang từng ngày đối diện với nguồn nước ô nhiễm thì đường ống dẫn nước tự chảy (nguồn 135 của Chính phủ) dẫn từ khe Trâu về đã được bố trí ngang ngõ từng nhà, song không phát huy hiệu quả. Nguyên nhân là khe Trâu thường kiệt nước vào mùa khô và đường ống kích thước quá nhỏ, không đủ sức đưa nước về làng như dự kiến ban đầu. Vậy là hàng chục hộ dân phải ngậm ngùi sống chung với nguồn nước ô nhiễm. “Năm 2015, một đoàn công tác đã về xã và thôn An Điềm lấy mẫu nước kiểm định, phân tích từ đó đến nay chưa thấy hồi âm gì” - bà Vy nói.
Không chỉ An Điềm, người dân các thôn lân cận cũng rầu lòng vì thiếu nước sinh hoạt. Bà Trần Thị Xuyến (thôn Đại Mỹ) cho biết: “Tổ 3 của thôn Đại Mỹ có 40 hộ, nay nhiều nhà trong tổ không có nước để dùng vì giếng đào khô hạn, giếng khoan 30 - 60m vẫn không có nước. Có chăng, chỉ mưa to là có vài giọt dâng lên trong giếng để dùng, song cũng chẳng thấm vào đâu so với sinh hoạt của cả gia đình. Toàn bộ hoạt động ăn uống đều dùng nguồn nước bình mua ở thị trường qua nấu sôi kỹ. Hộ nào có điều kiện thì bỏ tiền ra mua nước bình năm này tháng nọ, còn hộ đời sống khó khăn thì phải dùng nước phèn qua lọc thô” - bà Xuyến nói. Thôn Mậu Lâm có khoảng 200 hộ thì phân nửa số hộ sống chung với nguồn nước ô nhiễm. Ngay cả cái giếng đóng tại trụ sở UBND xã ở thôn Mậu Lâm cũng bị nhiễm phèn rất nặng, dù đã qua lọc nhưng vẫn không đảm bảo phục vụ cho việc sinh hoạt của cả cơ quan. Ông Phạm Đức Thịnh - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho hay, toàn xã có 10 thôn thì đã có 6 thôn gặp khó khăn về nguồn nước uống lẫn sinh hoạt như: Mậu Lâm, Đại Mỹ, An Điềm… Có nhiều nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm nguồn nước mặt lẫn nước ngầm tại địa phương như: tình trạng dùng thuốc bảo vệ thực vật của người dân trên đồng ruộng, tình trạng vứt xả rác ra nguồn nước, ô nhiễm từ mỏ than An Điềm… Cùng với đó là sự suy kiệt nguồn do biến đổi khí hậu, sự tàn phá của thiên tai, lũ lụt. “Đã có đoàn về lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguồn nước nhưng mãi tới nay vẫn chưa có kết quả. Địa phương mong muốn được hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước tập trung, có công nghệ xử lý phù hợp để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống” - ông Thịnh nói.
HOÀNG LIÊN