Phân chia tài sản là nhà thờ của gia đình: Không thể ngang ngay, sổ thẳng!

ĐÔNG YÊN 03/06/2016 09:19

Theo ông Nguyễn Hiền Vương (khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) ông có 5 anh em gồm các ông bà Nguyễn Hiền Vương, Nguyễn Hoàng Bửu, Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Thị Sương và Nguyễn Thị Hồng Bê. Cha mẹ ông là ông Nguyễn Bá Diệp và bà Nguyễn Thị Nho để lại cho anh em ông nhà thờ với 478,84m2 đất ở và đất vườn. Khi xảy ra tranh chấp đất, 4 người em của ông là Nguyễn Hoàng Bửu, Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Thị Sương và Nguyễn Thị Hồng Bê đã khởi kiện ra tòa. Ngày 16.5.2016, TAND TP.Tam Kỳ xét xử sơ thẩm, định giá tài sản chia đều cho 5 người, buộc ông nhận số tiền được phân chia là gần 94 triệu đồng và không được đứng tên trong sổ đỏ diện tích 478,84m2 đất mà mẹ cha để lại. Ông Vương cho rằng, việc giải quyết của TAND TP.Tam Kỳ là chưa thấu tình đạt lý và không phù hợp với thuần phong mỹ tục về việc thờ cúng tổ tiên của người Việt. “Bản thân tôi muốn giữ nhà thờ và mảnh vườn làm tài sản chung của các anh em để có nơi thờ phụng ông bà và gìn giữ những kỷ vật của cha mẹ để lại. Tôi cũng là một trong 5 thành viên, tại sao tòa lại tước quyền được trả tiền cho các em tôi để giữ lại nhà thờ và mảnh vườn của cha mẹ để lại? TAND TP.Tam Kỳ buộc tôi phải nhận tiền của 4 người em là không công bằng” - ông Vương bức xúc.

Với phán quyết của Tòa án, ông Nguyễn Hiền Vương (bên phải) lo lắng sẽ không có ai có trách nhiệm hương khói, giỗ chạp cho tổ tiên. Ảnh: Đ.Y
Với phán quyết của Tòa án, ông Nguyễn Hiền Vương (bên phải) lo lắng sẽ không có ai có trách nhiệm hương khói, giỗ chạp cho tổ tiên. Ảnh: Đ.Y

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngày 16.5.2016, TAND TP.Tam Kỳ đã có Bản án số 21/2016/DS-ST, quyết định giao cho ông Nguyễn Hoàng Bửu, bà Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Thị Sương, Nguyễn Thị Hồng Bê được quyền sử dụng diện tích đất hơn 478m2 gắn liền với các tài sản trên đất, trong đó có nhà thờ và có quyền đăng ký, kê khai theo quy định để sở hữu, sử dụng khối tài sản này. Ông Nguyễn Hiền Vương chỉ được chia gần 94 triệu đồng do 4 người em của ông góp lại trả và ông không còn quyền sở hữu, quản lý di sản thừa kế do cha mẹ ông để lại. “Tại phiên tòa, tôi đã trình bày nguyện vọng được nhận toàn bộ di sản thừa kế bằng hiện vật và đồng ý trả bằng tiền giá trị tài sản phân chia cho các đồng thừa kế. Bởi tôi là con trai trưởng, lâu nay chăm lo việc thờ phụng ông bà tổ tiên, làm giỗ chạp. Đồng thời tôi và con trai tôi còn có công sức trong việc bảo quản cơ sở thờ tự là ngôi nhà ba mẹ để lại. Nếu gia đình tôi tiếp tục được quản lý nhà thờ, làm tròn bổn phận con cháu lo việc hương khói cho ông bà sẽ hợp lý hơn. Nhưng tòa đã bác yêu cầu của tôi, vì các nguyên đơn không đồng ý” - ông Vương nói.

Được biết, ông Nguyễn Hoàng Bửu từ lâu đã định cử ở Đắk Lắk, 3 người em gái ông đều đã có gia đình ở riêng. Bao nhiêu năm nay, việc bảo quản cơ sở thờ tự, thờ cúng tổ tiên đều do ông Nguyễn Hiền Vương thực hiện.

ĐÔNG YÊN

ĐÔNG YÊN