Sức ép bảo tồn đa dạng sinh học

TRẦN HỮU 31/05/2016 12:39

Các hệ sinh thái tự nhiên đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ, chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu và con người gây ra. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị tài nguyên thiên nhiên đứng trước nhiều thách thức.

Tiêu diệt sinh vật ngoại lai - cây mai dương tại Hương An (Quế Sơn). Ảnh: T.H
Tiêu diệt sinh vật ngoại lai - cây mai dương tại Hương An (Quế Sơn). Ảnh: T.H

Tác động xấu

Hàng chục nhà máy thủy điện đưa vào vận hành làm thay đổi dòng chảy tự nhiên vốn có trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Nhiều khu vực xảy ra trường hợp thiếu nước cục bộ vùng hạ du và mất dần đi các hệ sinh thái vùng thượng nguồn, gây ảnh hưởng lớn vòng đời phát triển của nhiều loài thủy sản di cư; có nơi xảy ra tình trạng khô nước dù đang vào mùa mưa. Điển hình, tại thời điểm tháng 1.2014 (cuối mùa mưa) nhưng dòng chính sông Vu Gia từ sau chân đập thủy điện Đắc Mi 4 (Phước Sơn) hướng về Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang) khô khốc nước. Còn ở vùng biển, diện tích rừng ngập mặn và thảm cỏ biển càng bị thu hẹp đã ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản trong vùng.

Đa dạng nguồn gen của quần thể các loài quý hiếm có giá trị cũng đang bị suy thoái do mất nơi sống và chia cắt manh mún sinh cảnh. Một số nguồn gen bản địa sử dụng trong hoạt động nông nghiệp đang bị mất đi hoặc bị thay thế do sự du nhập các giống ngoại lai. Ở miền núi, việc xây dựng các tuyến đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn, đường tuần tra biên giới... cũng làm suy giảm đáng kể phần diện tích rừng nguyên sinh ở dãy Trường Sơn, làm tăng áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có. Trong khi đó, vùng đồng bằng, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nuôi trồng thủy sản... với tốc độ nhanh tác động tiêu cực lên các hệ sinh thái trong vùng. Tình trạng phá rừng phòng hộ, diện tích đất cát ven biển... để nuôi trồng thủy sản là những nguyên nhân gây suy giảm đáng kể tính đa dạng sinh học ở các hệ sinh thái cửa sông.

Theo Sở TN&MT, tại Quảng Nam, sự xâm nhập của một số loài sinh vật ngoại lai phổ biến nhất là cây mai dương, ốc bươu vàng và mọt đậu Mexico. Các loài sinh vật ngoại lai dù chỉ với số lượng nhỏ cá thể nhưng cũng có thể gây hại lớn cho tính đa dạng sinh học ở khu vực mà chúng có mặt. Hiện loài cây mai dương đang xâm lấn và phát triển mạnh nhất tại 3 địa phương là Đại Lộc, TP.Hội An và thị xã Điện Bàn với diện tích hơn 150ha. Loài cây này còn tấn công cả diện tích đất nông nghiệp khiến nông dân không thể trồng trọt được. Đáng lo nhất là tình trạng sử dụng tùy tiện hóa chất bảo vệ thực vật trên đồng ruộng làm xấu đi đa dạng sinh học.

Phục hồi

Đa dạng sinh học không chỉ hiện diện những loài động vật, thực vật hoang dã quý hiếm với nguồn gen đặc hữu, mà còn ở nguồn gen vật nuôi cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế cao và các tri thức cổ truyền về các loài cây thuốc. Ở vùng núi, UBND tỉnh đã tính toán quy hoạch phát triển trồng cây dược liệu, xem đây là bước đột phá trong xóa đói giảm nghèo. Chính quyền huyện Nam Trà My đang hình thành vườm ươm cây dược liệu quy mô rộng hơn 1ha gồm sâm nam (đảng sâm), sâm quy, giảo cổ lam, kim cương (lan gấm). Liên kết với doanh nghiệp phát triển sản phẩm cây dược liệu quý, theo quy hoạch sẽ trồng mới khoảng 1.910ha từ 6 - 10 loại cây dược liệu bản địa. Nhiều khu vực đã hình thành vùng chuyên canh sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ba kích Tây Giang, tiêu Tiên Phước.

Bắt đầu từ năm 2012, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã áp dụng nhiều chương trình phục hồi rừng, như quản lý rừng dựa vào cộng đồng; trồng mới phục hồi rừng bằng cây bản địa. Chính quyền các địa phương từ miền núi đến ven biển tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học phù hợp với Chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giúp cho công tác bảo tồn trên toàn tỉnh mang lại hiệu quả. Chính quyền một số nơi đang triển khai các chương trình, dự án bảo vệ phát triển các khu rừng, khu vực khác nhau từ dãy Đông Trường Sơn xuống vùng bán sơn địa, tới dải ven biển, đầm phá, cửa sông, đảo nhỏ ven bờ. Trồng rừng theo chương trình 661, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên... góp phần nâng cao độ che phủ rừng.

Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT, thời gian qua đa dạng sinh học ở miền núi chuyển biến tích cực là nhờ chuyển đổi những lâm trường quốc doanh từ chức năng khai thác lâm sản sang trồng rừng và quản lý rừng bền vững, tập trung phát triển rừng ở các hộ và đơn vị được giao đất khoán rừng. Vì vậy mà hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực các sông A Vương, sông Kôn, sông Tranh, sông Đắc Mi... được bảo vệ nghiêm ngặt.  Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm tiếp tục quản lý bền vững nhờ sự tham gia của cộng đồng dân cư bản địa. Khu vực Cửa Đại (TP.Hội An) và An Hòa (Núi Thành) đang đầu tư trồng hàng trăm héc ta rừng ngập mặn ven biển sẽ là “lá chắn” bảo vệ làng mạc cho người dân và tạo môi trường lý tưởng cho các loài thủy sản sinh sôi, nảy nở…

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU