Nói không với thuốc lá
Tác hại của việc hút thuốc lá đối với sức khỏe người sử dụng và cộng đồng không còn là câu chuyện mới. Các hành vi vi phạm đã được quy định trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá nhưng việc xử phạt và tuyên truyền “Nói không với thuốc lá” vẫn là bài toán khó.
Diễu hành tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: PHÚC VIỆT |
XÂY DỰNG MÔ HÌNH ĐIỂM
Trong tháng 6 tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với các ban, ngành triển khai 11 mô hình điểm ở hai nhóm y tế và giáo dục về việc “Nói không với thuốc lá”, góp phần từng bước thay đổi hành vi, giảm hút thuốc tiến tới bỏ hẳn thói quen có hại cho sức khỏe bản thân người hút và cả cộng đồng. Ông Nguyễn Công Sơn - Thư ký Chương trình phòng chống thuốc lá Sở Y tế nói rõ về sự kiện này:
Lễ mít tinh “Ngày thế giới không khói thuốc lá” và “Tuần lễ quốc gia không thuốc lá” năm 2016 được tổ chức với thông điệp: Cấm hút thuốc lá tại các cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc; cấm hút thuốc lá khu vực trong nhà của bến tàu, bến xe, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê. Lãnh đạo cơ quan đơn vị phải đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá là quyền của mọi người. Năm nay, lần đầu tiên Quảng Nam tổ chức mít tinh hưởng ứng sự kiện trên. Tỷ lệ người hút thuốc lá ở Quảng Nam cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước. Cụ thể, số người nam trưởng thành hút thuốc lá là 54,6%, nữ: 7,8% so với bình quân cả nước là hơn 47%. Chưa kể, Việt Nam tham gia hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá (31.5) từ năm 2004, nhưng đây mới là năm thứ hai Quảng Nam tham gia sự kiện này. Lý giải việc chậm trễ trên, theo ông Sơn, do nguồn kinh phí còn hạn chế, việc tuyên truyền chủ yếu nằm ở tuyến tỉnh, chưa triển khai sâu rộng đến cơ sở. Trong khi đó, số người hút thuốc lá phần lớn thuộc vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, thậm chí một số nơi còn trồng và phát triển diện tích cây thuốc lá là sinh kế chủ lực.
- Xin ông cho biết những khó khăn của chương trình này?
- Ông Nguyễn Công Sơn: Có thể nói, hành trình phòng chống tác hại của thuốc lá hiện nay rất khó khăn, chỉ có thể thay đổi hành vi thông qua việc tuyên truyền giáo dục. Thế nhưng, người hưởng ứng không nhiều, nếu không nói chẳng mặn mà gì. Năm nay, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá trung ương cấp khoảng 70 triệu đồng hỗ trợ tuyên truyền ở tuyến tỉnh, còn lại các địa phương đều phải chủ động nguồn lực đơn vị. Nói như vậy không có nghĩa thiếu kinh phí chúng ta không làm. TP.Hội An là địa phương điển hình, hiệu quả trong việc giảm tác hại của thuốc lá trong cộng đồng. Cách đây gần 10 năm, Hội An đã đăng ký thực hiện thành phố du lịch không thuốc lá và họ đã làm được. Bởi không riêng cơ quan chức năng, ngay cả người dân cũng tích cực tham gia và vận động cả du khách cùng thực hiện. Trên hết phải có sự đồng thuận từ cộng đồng, đây là yếu tố tiên quyết để việc “nói không” trở nên hiệu quả.
- Hội An đã là mô hình điểm không chỉ của tỉnh mà của cả nước về việc hạn chế thuốc lá nơi công cộng. Vậy có giải pháp gì để nhân rộng mô hình này một cách hiệu quả không, thưa ông?
- Ông Nguyễn Công Sơn: Trước mắt vẫn là giải pháp truyền thống như tuyên truyền trực quan sinh động, chỉ đạo các cơ sở, đơn vị trên toàn tỉnh nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá một cách thiết thực, yêu cầu các trung tâm y tế tuyến huyện phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh về các nội dung liên quan như Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, tuyên truyền giáo dục từng bước từ giảm hút thuốc lá đến bỏ hoàn toàn. Ngoài ra, sở cũng đang xây dựng mô hình điểm nói không với thuốc lá gồm hai nhóm là y tế và giáo dục để triển khai trong tháng 6 tới. Trong đó, nhóm y tế dự kiến có 4 điểm gồm: Sở Y tế, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, một trung tâm y tế tuyến tỉnh, một trung tâm y tế tuyến huyện. Nhóm giáo dục dự kiến 7 điểm gồm: Sở Giáo dục và đào tạo, 2 phòng giáo dục, hai trường THPT, hai trường THCS. Nội dung chủ yếu cung cấp tài liệu, truyền thông trực quan, tập huấn quy trình hướng tới môi trường không khói thuốc...
- Không chỉ tập trung trong một ngày hay một tuần phát động, thay đổi thói quen hút thuốc lá ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa về lâu dài là bài toán khó…
- Ông Nguyễn Công Sơn: Phải thừa nhận một thực tế rằng, tác hại của thuốc lá hầu như ai cũng biết nhưng rất khó thay đổi thói quen đó. Ngoài ra, các giải pháp về vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là chưa tiếp cận đối tượng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong năm nay, Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá tuyến tỉnh sẽ phối hợp với 176/244 xã trên toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề trên thông qua hệ thống loa truyền thanh. Thời gian tới, để việc tuyên truyền trở nên sâu rộng, đi vào chiều sâu rất cần nguồn lực xã hội hóa, tạo sự cộng hưởng của xã hội về kinh phí cũng như sự đồng thuận mới có thể giảm số người hút thuốc lá một cách hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!TÂY BÌNH (thực hiện)
QUY ĐỊNH CHƯA ĐI VÀO CUỘC SỐNG
Mặc dù quy định về mức xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế đã có hiệu lực nhưng nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá ở nơi quy định cấm. Điều đáng nói, việc xử phạt vi phạm còn gặp khó khăn, bất cập.
Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Quảng Nam tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá cho học sinh THPT. Ảnh: PHÚC VIỆT |
Cơ sở y tế: khó xử phạt
Mức xử phạt quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng đối với một trong các hành vi: Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng; Bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá. Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá; không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành. (Trích điều 23, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 24.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) |
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) có hiệu lực từ ngày 1.5.2013. Sau đó, ngày 14.11.2013, Chính phủ ban hành Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định mức phạt về hành vi hút thuốc lá không đúng địa điểm. Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng hút thuốc tại những nơi đã có quy định cấm, đặc biệt là những nơi “nhạy cảm”, vẫn còn xảy ra. Cụ thể là trong khuôn viên các bệnh viện, kể cả Bệnh viện Nhi Quảng Nam - nơi có nhiều trẻ em đang điều trị, mặc dù các đơn vị đã nỗ lực xây dựng môi trường không khói thuốc nhưng nhiều người vẫn vô tư hút thuốc. Đáng nói, trong đó có một số ông bố vừa bế con vừa hút thuốc.
Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, đơn vị đã triển khai quy định cấm hút thuốc thuốc trong toàn cán bộ, nhân viên y tế. Theo đó, nghiêm khắc áp dụng quy định, chế tài xử phạt đối với cán bộ, nhân viên của bệnh viện; đưa nội dung này thành một phần trong quy chế thi đua của bệnh viện, các trường hợp vi phạm sẽ bị hạ bậc thi đua. Tuy nhiên, bác sĩ Ẩn cũng thừa nhận, có một số trường hợp cán bộ, nhân viên y tế chưa cai được thuốc nhưng do họ hút ngoài khuôn viên bệnh viện hoặc hút trong phòng riêng nên chưa bị phát hiện. Còn đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, bệnh viện chủ yếu nhắc nhở. Vì trên thực tế, việc kiểm soát vi phạm là điều không dễ do lực lượng bảo vệ của bệnh viện mỏng trong khi khuôn viên bệnh viện khá rộng, lượng bệnh nhân nhiều. Hơn nữa, theo quy định của Nghị định 176/NĐ-CP của Chính phủ, việc kiểm tra, xử phạt hành vi hút thuốc lá được giao cho UBND cấp xã, phường. Vậy nên, dù biển hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá được dán ở các khoa, phòng, hành lang của bệnh viện nhưng vẫn xảy ra trường hợp vi phạm. Chị Nguyễn Thị H. đang chăm sóc người thân điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam nói, một số người nuôi bệnh vẫn hút thuốc lá ở hành lang bệnh viện nhưng chưa thấy bị xử phạt. Còn anh Phan Văn N. vừa thực hiện tiểu phẫu, được bác sĩ dặn dò không được hút thuốc nhưng ngoài giờ hành chính, anh cũng lén lút “làm vài điếu cho đỡ ghiền”.
Môi trường giáo dục: tuyên truyền là chính
Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng; phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện. |
Tương tự, những năm qua, ngành giáo dục Quảng Nam cũng tập trung tuyên truyền tác hại của thuốc lá đối với học sinh, đặc biệt là học sinh ở lứa tuổi THPT. Nhiều trường học mời bác sĩ về trò chuyện, tư vấn chung quanh tác hại thuốc lá. Đồng thời quán triệt quy định cấm hút thuốc lá trong trường học, cơ sở giáo dục. Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT Tam Kỳ cho rằng, cần xem việc tuyên truyền, giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá, nhất là đối với học sinh tuổi mới lớn là cuộc vận động lâu dài, để từ đó các em nhận thức được tác hại thuốc lá. Điều quan trọng trong việc này là cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình và nhà trường. “Đối với lứa tuổi học trò, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục của nhà trường, cần có sự quan tâm, theo dõi của phụ huynh vì đa số các em hút thuốc ngoài khuôn viên nhà trường nên rất khó phát hiện nếu không quan tâm sâu sát. Hơn nữa, một số ông bố, bà mẹ hay thầy giáo nghiện thuốc, làm sao có thể tuyên truyền vận động con cái, học trò không hút thuốc. Vì vậy, người lớn cần phải làm gương trong việc tuyên truyền, vận động giới trẻ không hút thuốc lá” - ông Sơn nói.
Theo quy định, trên các phương tiện giao thông công cộng, khu vui chơi trẻ em, nơi làm việc... cũng là những nơi cấm hút thuốc lá nhưng khói thuốc vẫn lơ lửng và tàn thuốc vẫn vương vãi các nơi này. Chẳng hạn như trên xe buýt, mặc dù hầu hết đều dán biểu tượng cấm hút thuốc, thế nhưng, hành khách và có cả lái, phụ xe vẫn vô tư nhả khói, bất chấp có phụ nữ mang thai hay trẻ em trên xe. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và nghị định liên quan cũng đã có hiệu lực. Thế nhưng, gần 3 năm qua, dường như luật vẫn chưa đi vào cuộc sống. (BẢO LÂM)
CHỦ ĐỘNG THAY ĐỔI THÓI QUEN
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, bệnh phổi, viêm đường hô hấp,... đặc biệt là ung thư phổi. Biết vậy, nhưng đối với nhiều người, đã nghiện thuốc lá rồi thì rất khó bỏ.
Một người nhà bệnh nhân hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện. (Ảnh có tính minh họa) |
Dễ nghiện
Có nhiều “con đường” dẫn đến nghiện thuốc lá. Những người ở tuổi vị thành niên hoặc thanh niên nghiện thuốc thường do hút thử cho bằng bạn bằng bè và tin rằng sẽ dễ dàng bỏ thuốc nếu muốn. Cũng có khá nhiều bạn trẻ nghĩ rằng hút thuốc để chứng tỏ ta đây đã là... người lớn và “đẳng cấp” như ai. Đến khi đã nghiện, muốn “nói không” với thuốc lá thì đã quá muộn. Cũng có trường hợp hút thuốc để giải tỏa stress trong công việc và cuộc sống. Thậm chí có người bỏ thuốc được nhiều năm nhưng mỗi khi chán nản lại tìm đến thuốc lá. Anh Trần Phú C. (39 tuổi, ở xã Quế Trung, Nông Sơn) tâm sự, hồi học THPT, nghe bạn bè rủ rê, rằng thuốc lá sẽ làm con người sảng khoái, cảm giác lâng lâng, dễ chịu, anh cũng tập tành hút nhưng rồi nghiện lúc nào không hay. Còn bà Nguyễn Thị C., 55 tuổi ở xã Quế Long (Quế Sơn) kể, lúc còn sống, cha bà nghiện thuốc lá nặng đến nỗi ông dành một khu đất trong vườn nhà để trồng thuốc lá hút. Bà C. nhớ lại: “Cha tôi ho nhiều, ho ra máu và cuối cùng, ông đã bị bệnh ung thư phổi. Do vậy, sau này tôi khuyên 2 con trai đừng bao giờ đụng đến thuốc lá. Rất may, cả hai đều nghe lời và không hút thuốc”.
Từ nhiều năm qua, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền tác hại của việc hút thuốc lá đối với bản thân người hút và cho cả cộng đồng. Ngày thế giới không thuốc lá (31.5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ 25 đến 31.5) năm nay đưa ra thông điệp chung “Hãy thực hiện in bao bì thuốc lá trơn”. Thông điệp này nhằm làm giảm tính hấp dẫn của các sản phẩm thuốc lá đối với người tiêu dùng, bao gồm việc giới hạn hoặc cấm sử dụng các logo, màu sắc, biểu tượng nhãn mác, các thông tin quảng cáo trên vỏ bao thuốc lá; chỉ được in tên sản phẩm hoặc tên thương hiệu, trình bày với màu sắc và kiểu cách theo quy định chung trên nhãn bao thuốc lá. Các biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn việc sử dụng các biện pháp đóng gói và in nhãn mác nhằm quảng cáo cho sản phẩm. Đồng thời giúp các cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá được chú ý hơn, dễ nhận ra hơn đối với người sử dụng. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi môi trường không khói thuốc; thành lập đường dây nóng để xử phạt những vi phạm về hút thuốc.
Khó bỏ, nếu không quyết tâm
Anh Trần Phú C. chia sẻ, nếu vợ anh không kiên quyết khuyên anh bỏ thuốc lá thì có lẽ đến giờ anh đã nghiện nặng. “Khi vợ tôi mang thai và dị ứng với mùi thuốc lá, cô ấy khuyên tôi nên bỏ để giữ gìn sức khỏe, để khỏi ảnh hưởng đến thai nhi nhưng tôi cứ lần lữa hoài”. Nhưng rồi vợ anh C. vẫn kiên trì động viên, khuyên nhủ. Nghe lời khuyên của vợ, đặc biệt là thương con cũng phải chịu cảnh hút thuốc lá thụ động, anh C. quyết định bỏ thuốc lá. “Tính đến nay tôi đã bỏ thuốc lá được hơn 7 năm. Vợ tôi rất vui vì hàng ngày không phải chịu đựng mùi khói thuốc lá nữa. Tôi cũng mừng vì từ đó đến nay, cảm thấy mình khỏe hẳn ra, không còn bị ho dai dẳng”.
Ông Phan Văn N. ở xã Quế Long (Quế Sơn) năm nay đã 62 tuổi, cũng đã bỏ thuốc lá được vài chục năm. Ông N. nhớ lại, ở làng ông thời đó, hầu hết đàn ông đều hút thuốc lá, ông cũng không ngoại lệ. Sau này, vợ và con gái tỉ tê khuyên nhủ nên rốt cuộc ông đã bỏ được thuốc lá. Niềm vui của gia đình ông N. lúc này là 2 đứa con trai của ông, một người 32 tuổi, một người 26 tuổi cũng không hút thuốc lá. Ông C. cho biết: “Được như vậy là nhờ vợ và con gái tôi khuyên nhủ, lại có tôi làm gương nên gia đình tôi lúc này đã biết “nói không với thuốc lá”. Còn ông Nguyễn Chí H. (60 tuổi ở phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) cũng là người có “thâm niên” hút thuốc. Ông H. từng có hơn 30 năm hút thuốc. Mười năm trước, thấy sức khỏe không tốt, thường hồi hộp, ông H. đi khám và phát hiện bị bệnh mạch vành. Bác sĩ khuyên ông bỏ thuốc lá. Vừa mang bệnh trong người, lại thêm nhìn hình ảnh người đàn ông teo tóp, bệnh tật vì thuốc lá khuyến cáo trên bao thuốc, ông H. cảm thấy lo lắng về bệnh tật lúc tuổi già nên cai dần và cuối cùng đã thành công. “Trước đây mỗi ngày tôi hút khoảng 1 - 2 gói. Vui cũng hút, buồn cũng hút. Đôi khi hút thuốc như vô thức. Nhưng nhờ có quyết tâm, tôi đã đoạn tuyệt với thuốc lá mười năm nay” - ông H. nói.
Thuốc lá, dễ nghiện và khó bỏ. Bác sĩ Nguyễn Minh Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Quảng Nam cho biết, muốn thành công khi cai nghiện thuốc lá, quan trọng nhất cần có sự quyết tâm. Ngoài ra, gia đình, bạn bè và những người xung quanh nên trợ giúp cho người nghiện thuốc. Bác sĩ Thu khuyên: “Khi hiểu về tác hại thuốc lá, cộng với quyết tâm và sự hỗ trợ từ người thân, việc bỏ thuốc lá sẽ dễ thành công hơn. Ngoài ra, người cai thuốc lá nên tăng cường luyện tập thể dục thể thao; cũng có thể dùng các thuốc cai thuốc lá có bán trên thị trường”. (CHÂU NỮ - PHÚC VIỆT)