Đại Sơn khô kiệt nguồn nước sạch

THU SƯƠNG - DUNG THÙY 30/05/2016 09:30

Nhiều năm nay, 413 hộ dân của 4 thôn Đồng Chàm, Đầu Gò, Tân Đợi, Tam Hiệp (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc) chủ yếu sử dụng nguồn nước tự chảy từ khe suối. Những tháng gần đây, thời tiết nắng nóng, khô hạn, nguồn nước cạn kiệt dần, người dân ở đây càng thêm khó khăn vì thiếu nước sạch.

Hàng ngày cụ bà Bùi Thị Lai vẫn dùng chung nguồn nước nhiễm phèn từ nhà hàng xóm đưa về. Ảnh: Dung Thùy
Hàng ngày cụ bà Bùi Thị Lai vẫn dùng chung nguồn nước nhiễm phèn từ nhà hàng xóm đưa về. Ảnh: Dung Thùy

Nhà bà Huỳnh Thị Sáu (tổ 2, thôn Đồng Chàm) mỗi ngày phải dùng 10 đôi nước để sinh hoạt. Từ đầu năm 2016, nguồn nước tự chảy cạn kiệt dần, liên tiếp trong hai tháng qua, con trai bà là Nguyễn Thanh Tuấn phải ra sông gánh nước về dùng. Chân bị tật nhưng anh Tuấn cũng phải ngày hai buổi đi bộ gần 1km để gánh nước. Con dâu bà là chị Trần Thị Liệu sống ở nhà bên cạnh, nhìn thấy cảnh ấy mà chạnh lòng nhưng biết làm sao được, một mình chị còn phải đèo bòng 4 đứa con thơ. Cứ mỗi ngày sau buổi làm thuê, chiều tối chị phải ra sông, đào một hố nhỏ, gạn bớt lớp nước bẩn ở trên để múc nước trong hơn về dùng, 8 đôi nước, chị gánh đến tối mịt. Gia đình với 6 thành viên cứ thế dùng nước tằn tiện suốt một ngày. Hôm chúng tôi đến, trời vừa có mưa giông, ống nước tự chảy nhờ đó mà có nước trở lại. Nhưng chị Liệu vẫn không thôi thở dài: “Những lần dùng nước sông, phèn lắm. Dùng nước tự chảy vẫn không thể bớt lo được, tôi đi làm thuê tôi biết, người ta phun thuốc ghê lắm, nước bị nhiễm độc hết.”

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tuân - Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn cho biết, từ năm 1993 trở về trước, người dân Đại Sơn sinh hoạt chủ yếu bằng nước sông. Nhờ kinh phí từ chương trình 135 cũng như nguồn của tổ chức phi chính phủ đã đầu tư hệ thống nước sạch cho người dân. Đến nay, 4 thôn của xã có tổng số 48 giếng, trong đó có 2 giếng bị nhiễm phèn nặng không thể dùng được. Giếng nước được đầu tư ở thôn Tam Hiệp luôn trong tình trạng thiếu nước vào mùa hè. Các giếng ở thôn Đầu Gò mặc dù nước nhiều nhưng lại bị nhiễm độc từ thuốc phun cánh đồng thơm nên không thể dùng được. Cũng theo ông Tuân, do địa phương gần núi nên nếu đào giếng sẽ gặp ngay lớp đá trải, cần phải sử dụng khoan lớn, xuyên qua tầng đá ngầm khoảng 15 - 20m thì mới tiếp cận được nguồn nước. “Tình trạng thiếu hụt nguồn nước đã diễn ra nhiều năm nay nhưng bắt đầu từ ra tết đến bây giờ thì khô hạn trầm trọng. Nước dùng về cơ bản hợp vệ sinh, còn nói đạt tiêu chuẩn sạch thì chưa sạch được. Đời sống bà con ở đây còn chật vật, kinh phí của địa phương cũng hạn hẹp nên việc khoan giếng gặp không ít khó khăn”- ông Tuân cho hay.

Hiện nay, các thầy trù trì chùa Đại Xuân (xã Đại Sơn) đang kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chùa góp kinh phí đào giếng tại thôn Tam Hiệp, cứ 4 hộ dân chùa hỗ trợ 1 giếng, mỗi hộ góp vào 700 nghìn đồng. Nhưng một số gia đình vì quá khó khăn nên không thể chung góp được, vẫn phải lặn lội ra sông gánh nước, còn nước uống thì múc từ giếng công cộng. Gặp chúng tôi khi trời đã qua trưa, vợ chồng cụ bà Bùi Thị Lai (tổ 1, thôn Đồng Chàm) rót nước chè xanh từ trong bình ra vừa nhấm nháp vừa tấm tắc khoe đây là nước bà mới đội nắng đi múc từ “giếng nhà nước”. “Già rồi, không đi gánh nước ở xa được nên buộc bụng đưa họ mấy trăm ngàn nhờ bắc đường ống từ giếng nước nhà bên về đây, nhưng nước phèn lắm, không dám uống. Vợ chồng già ghiền nước chè nên hàng ngày cố gắng đi xa xa tí nhưng có nước sạch để hãm chè xanh” - bà Lai cho hay.

THU SƯƠNG - DUNG THÙY

THU SƯƠNG - DUNG THÙY