Họp bàn công tác dân tộc miền núi và định hướng một số dự án phát triển vùng tây Quảng Nam

ALĂNG NGƯỚC 29/05/2016 08:53

(QNO) - Chiều 27.5, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì cuộc họp bàn thông qua các nội dung trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, liên quan đến chuyên đề về công tác dân tộc và miền núi gắn với các giải pháp phát triển kinh tế xã hội bền vững của các huyện miền núi; định hướng và giải pháp về một số dự án lớn phát triển vùng tây Quảng Nam. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, Lê Trí Thanh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh tham dự.

Quang cảnh buổi họp bàn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Quang cảnh buổi họp bàn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Báo cáo về công tác dân tộc và miền núi giai đoạn 2011 - 2015, bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, qua 5 năm thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc tại các huyện miền núi đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5 - 6%/năm; đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đã có sự thay đổi về nhận thức trong phát triển kinh tế - xã hội; ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình hiệu quả và bước đầu tạo ra sản phẩm hàng hóa, tạo việc làm cho các lao động tại địa phương.

Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng, thông suốt từ tỉnh đến huyện, xã; chính sách cử tuyển, học nội trú, bán trú, bảo hiểm y tế, xóa đói giảm nghèo, đào tạo cán bộ, xóa nhà tạm, cũng như giải quyết đất sản xuất, đất ở, tái định cư được đầu tư, hỗ trợ có tính vượt trội so với các vùng trong tỉnh và một số tỉnh bạn trong cả nước. Đặc biệt, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc ngày càng được bảo tồn và phát triển, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đoàn kết các dân tộc luôn được giữ vững; đảm bảo việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở miền núi;...

Trong giai đoạn 2016 - 2020, vùng DTTS và miền núi phấn đấu tỷ giảm lệ hộ nghèo xuống còn 22%; thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người/năm; trên 70% cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo; hệ thống chính trị các cấp, nhất là hệ thống cơ quan hành chính nhà nước vùng DTTS phải đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý cán bộ người DTTS; ở cơ quan lãnh đạo các cấp nhất thiết phải có cán bộ người DTTS, địa phương vùng dân tộc và miền núi có cán bộ chủ chốt là người DTTS.

Phát triển vùng tây với nhiều dự án trọng điểm sẽ được triển khai trong tương lai, trở thành cơ hội lớn cho các huyện miền núi. TRONG ẢNH: Một góc trung tâm huyện Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Phát triển vùng tây với nhiều dự án trọng điểm được triển khai trong tương lai, sẽ là cơ hội lớn cho các huyện miền núi. TRONG ẢNH: Một góc trung tâm huyện Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Liên quan đến công tác định hướng và giải pháp phát triển vùng tây của tỉnh, trong thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách, các dự án đầu tư cho khu vực miền núi, tập trung giải quyết được các yêu cầu cấp thiết về đời sống, về sản xuất của nhân dân. Theo đó, định hướng phát triển vùng tây được chia làm 3 nhóm dự án chính với 18 dự án thành phần, gồm: nhóm dự án sắp xếp bố trí dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới; dự án nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, khai thác sản phẩm dưới tán rừng và nhóm dự án phát triển du lịch cộng đồng trên nền tảng khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn và các sản phẩm đặc trưng về nông, lâm nghiệp miền núi. Tổng mức đầu tư cho các nhóm dự án này dự kiến khoảng 2.280 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách tỉnh 620 tỷ đồng; còn lại được huy động từ các nguồn vay khác, vốn doanh nghiệp và đầu tư xã hội).

Tại buổi họp bàn, nhiều ý kiến đề xuất của các đại biểu xoay quanh các vấn đề phát triển miền núi, triển khai thực thi hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án của Chính phủ, của tỉnh cho mục tiêu phát triển vùng tây một cách bền vững. Sau cuộc họp bàn này, các đơn vị có liên quan sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung vào trong báo cáo dự thảo trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, làm cơ sở ban hành nghị quyết chính thức.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC