Núi xưa
Ngày đội khảo sát phóng tuyến làm đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sau lưng xóm tôi, dân làng có người lo xa: “Không chừng mai mốt người ta hốt hết núi Chùa đắp đường cao tốc”.
Núi chùa. Ảnh: D.HIỂN |
Tưởng nói cho vui ai dè thành thật. Suốt cả tháng nay, từng đoàn xe tải nối nhau leo lên lưng chừng núi chở đất. Tiếng máy ì ầm suốt ngày, bụi bốc lên từng quầng vàng chạch. Tuyến cao tốc vạch một nét thẳng tắp băng qua cánh đồng làng; xe lu, xe tải như những con bọ hung chạy đi chạy lại. Và một phần núi Chùa đã bị khoét thủng.
Thời đạn bom
Các cụ cao niên xóm tôi cũng không biết ngôi chùa trên lưng chừng núi được xây từ bao giờ. Khi tôi lớn lên, chùa chỉ còn cái nền và một vài đoạn tường xây bằng đá núi và đất sét, bên ngoài tô bằng vữa vôi trộn các loại phụ gia thực vật. Ngày dân xóm tôi bị buộc phải dời nhà vào ấp chiến lược, chùa cũng bị dỡ. Ba bức tượng Phật bằng đất, lính đập bể nham nhở được chuyển về tự đường họ Nguyễn rồi không biết đâu mất. Chùa không còn nhưng tên núi vẫn hóa thạch trong kho từ vụng của dân xóm tôi. Giếng chùa nước vẫn trong vắt, lũ trẻ chăn bò chúng tôi mỗi khi khát nước, bám chân vào các viên đá đầy rêu, leo xuống khum tay vục nước uống, tận hưởng cái vị ngọt lịm của nó. Dưới thung lũng, dãy ruộng chùa vẫn còn, hồi trước mỗi năm cấy một mùa. Những năm tập thể hóa nông nghiệp, dân trong xóm đói quá lên vỡ núi trồng khoai nhưng không ai đụng đến khu nền chùa cũ, quanh đấy cỏ mọc xanh rì, tôi thường thả bò, ung dung đọc sách.
Xóm tôi dựng lưng vào núi Chùa. Ngọn núi vạch một đường cánh cung, một nửa núi là những rẫy tranh được chăm sóc cẩn thận để cắt lợp nhà, để bán. Một nửa núi là những vạt rừng xanh tốt, dành để hái củi, cắt lá. Khi Mỹ đổ quân, cả xóm bị lùa vào ấp chiến lược gò Duối, vườn tược thành vùng đất hoang. Nhưng trong các khu vườn vẫn có những hầm bí mật, và bên kia núi Chùa các hố bà Kẹo, hố bà Quốc, núi ông Cổ… trở thành khu vực liên hoàn cho Đội công tác xã Kỳ Thọ trú ẩn. Từ đây ban đêm các chú, các cô có thể đột kích vào các ấp chiến lược, móc nối cơ sở, lấy lương thực, nhu yếu phẩm khá thuận lợi. Cũng từ nơi đây, du kích Kỳ Thọ tổ chức nhiều trận đánh xuất sắc trên tuyến đường Tam Kỳ - Tiên Phước. Khu căn cứ lõm được bố phòng cẩn mật, gài đầy mìn nên địch không dám càn vào. Toán liên hợp hành động gồm lính Mỹ - ngụy cũng chỉ leo lên đỉnh núi Chùa, bắn M79, vãi đại liên xuống các điểm nghi vấn; phục kích đầu các con đường mòn. Ngày ba tôi trúng đạn M79, mẹ tôi ôm nấm mộ đất còn tươi ròng khóc chết ngất.
Hơn bốn mươi năm sau chiến chinh, căn cứ lõm núi Chùa chỉ còn trong ký ức người già, nhưng trên núi một số công sự, hầm bí mật chưa bị gió mưa lấp hết vẫn truyền lại những vô ngôn về một thời bi tráng.
Ngày thơ dại
Núi Chùa gắn với bọn trẻ chăn bò chúng tôi suốt một thời thơ bé. Dong bò lên núi và bày nhiều trò. Có thể chơi trò đánh trổng, bắn bi ở Gò Dài. Ở đấy có một vạt đất rất bằng phẳng, cỏ mọc chỉ lơ thơ. Mùa đông dài và lạnh, chúng tôi đánh con cúi mang từ nhà lên núi sưởi ấm. Rồi đi lượm củi khô nhen lửa, túm tụm lại ngồi và nhổ trộm khoai nướng ăn. Những hôm không nướng khoai, sắn thì chúng tôi đi đào cội chà là. “Đói lòng ăn cội chà là/ Để cơm cho mẹ kẻo mẹ già đau răng”. Có lần bác tôi đọc câu ca dao như vậy, chẳng hiểu sao nó in luôn vô đầu tôi cho đến bây giờ. Những cái cội chà là trắng nõn, cắn vừa giòn, vừa bùi bùi, ngòn ngọt là thú vui vừa cũng đỡ đói trong những buổi chiều đông. Rồi trong bóng chiều tàn, bếp nhà ai lên khói, từng cuộn khói lam lách qua mái tranh ướt át, nâu sẫm thả lên không trung những sợi mỏng manh. Đứng trên núi Chùa nhìn xuống, khói lam chiều vẽ lên xóm Hòa Tây một cảnh tượng đẹp đến nao lòng. Mà cũng thân thương quá. Bây giờ nhà ngói, bếp ga, khói lam chiều chỉ còn trong thơ, nhạc.
Mùa hè trên những triền đồi có nhiều trò vui nhất. Lội trong những vạt rừng thưa, những đồi tranh chúng tôi đi hái trái chín, đi tìm tổ chim. Quả cam rừng vàng ươm treo trên cành cao như món quà không dám mong đợi. Trái giấy tím sẫm khi nhai vang những tiếng lụm rụm. Trái bồ quân chín rồi nhưng bóp mềm ăn mới ngon. Trái sim béo múp, những trái chà là chín đen tuyền, vị ngọt tan trên đầu lưỡi. Những trái gắm mà chồn mướp ăn xong thải hột ra, nướng ăn rất bùi. Trái ổi sẻ chơi trò trốn tìm, nấp vào bờ bụi phả mùi hương thơm lừng trong gió… Chơi chán, chúng tôi leo lên đá Chồng tán gẫu. Hòn đá này rất lạ, đứng chon von, ngạo nghễ ngay trên đỉnh núi Chùa, tưởng chừng như chực lăn ào xuống đè nát những ngôi nhà dưới chân núi bất cứ lúc nào. Thế nhưng nó vẫn đứng đó, không biết đã từ bao đời nay, trầm ngâm chứng kiến bao thăng trầm đã đi qua xóm Hòa Tây của tôi. Bọn trẻ chúng tôi rất thích bám vào các rễ si leo lên, cảm giác vừa sợ hãi, vừa thích thú vì trò chơi mạo hiểm. Đôi khi túm tụm lại nghe anh Hóa kể chuyện Tàu, nào là Phong thần diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc, Tam quốc chí, Hán Sở tranh hùng… Anh có bộ nhớ rất siêu việt, phong cách kể chuyện lại hấp dẫn, luôn khiến bọn tôi thắc thỏm vì “muốn biết câu chuyện diễn tiến ra sao… đợi buổi kể tiếp theo sẽ rõ”.
Chăn bò trên núi Chùa, chúng tôi còn có một thú vui khác là tìm bắt chim con về nuôi. Những con chim chèo bẻo thích làm tổ trên những cành cây si cao lắt lẻo mọc bám vào hòn đá Chồng. Hễ thoáng thấy bóng người hay giống chim lạ mon men đến gần là chúng xông tới… đuổi đánh, miệng kêu inh ỏi. Mấy hàng tre chân núi là nơi bọn dột dột, có nơi gọi là dồng dộc xúm nhau lại đan võng. Chúng vừa đan vừa “cãi vã” nhau ỏm tỏi. Thật khó mà bắt được một tổ chim dồng dộc, nó treo vắt vẻo tít trên ngọn tre. Tổ chim có cái vòi cong ấy là thứ mẹ tôi rất thích dùng để cất các hạt giống cải, bầu bí. Cúc cu u u cu. Cúc cu u u cu... những con cu cườm sau khi lót dạ bay về đậu trên những đọt cây cao vút, thong thả gieo những nốt nhạc trong veo khiến cho những buổi ban mai bỗng trở nên thanh bình đến lạ. Ông nội Mẫn xong buổi làm đồng lại quảy lồng cu lên treo trên rẫy tranh, vấn thuốc hút, khoan khoái thưởng thức tiếng cu nhà gáy. Và chờ cu rừng đến hòa âm. Ít khi thấy ông bẫy được cu rừng, nhưng ông vẫn thích đi “gác cu”, có lẽ ngồi nghe tiếng chim gáy trên đồi vắng mới là thú vui chính của ông. Mùa cắt tranh, tôi thường theo ông Tường, ông Khanh, bác Hảo… đi cuốn tranh. Nhiệm vụ tôi được mẹ giao là gánh các bó tranh về nhà. Theo những mùa tranh, tôi thành “bạn vong niên” của mấy ông, mấy bác.
Những lớp người già gắn bó với núi Chùa phần lớn giờ đã thành thiên cổ. Bạn bè thời chăn trâu cắt cỏ chúng tôi ly tán mỗi đứa mỗi nơi. Núi cũng đang hóa thân thành kiếp sống khác. Quá trình hủy diệt cũng là cuộc tái sinh. Nhưng sâu thẳm trong lòng tôi, núi xưa sao vẫn xanh quá. Mà xem cũng chừng như xa ngái quá.
DUY HIỂN