Ngọt đắng chén rượu nồng

Bút ký của ALĂNG NGƯỚC 28/05/2016 08:00

Đám đông đi vào bên trong “ngôi trai” - nơi diễn ra các nghi thức cúng bái của già làng Cơ Tu trong ngày cưới có đâm trâu. Mồ hôi ướt nhèm lưng áo. Những g’mơrây (phục vụ) đón khách bằng chén rượu cần ngọt lịm. Tôi uống ực một hơi cạn, như chưa từng được uống bao giờ…

Thật hiếm hoi để chứng kiến được cảnh như thế này trong đời sống bây giờ của đồng bào vùng cao.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Thật hiếm hoi để chứng kiến được cảnh như thế này trong đời sống bây giờ của đồng bào vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

1. Ngày cưới, đồng bào Cơ Tu thường vui với cha mẹ cô dâu, chú rể nhiều hơn là với… cô dâu, chú rể. Những vị khách tay xách những món quà mừng cưới, tìm vui bằng những chén rượu nồng. Ai cũng hớn hở cho cuộc vui, như thể sợ thời gian lấy mất không gian chung của làng. Vì thế, rượu cần, tà vạt, vơi rồi lại đầy, kéo theo cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Một đám cưới Cơ Tu đậm nét, gần như nguyên bản, không pha tạp.

Theo cuốn sách “Văn hóa người Cơ Tu” (Nhà xuất bản Đà Nẵng) của tác giả Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, người Cơ Tu có 5 loại rượu chính thường dùng, gồm: rượu lấy từ cây tự nhiên không qua chế biến và không có hóa chất (tr’đin, tà vạt và adương); rượu ủ (rượu cần - buốh và rượu chuối); rượu ngâm (aviết, r’lang); rượu cất (xiêu) và rượu đã đóng chai (alắc). Trong đó, rượu tr’đin, tà vạt và adương uống rất ngon và bổ dưỡng, rất được đồng bào Cơ Tu ưa chuộng. Bởi nó được khai thác từ cây tự nhiên (cây tr’đin - ngoài Bắc gọi là cây mốc, cây này gần giống cây đủng đỉnh; cây tà vạt gần giống cây dừa; cây adương - song mây). Để lên men thành rượu, người ta thường lấy vỏ cây chuồn (gồm 2 loại: apăng và zuôn), lột sạch vỏ phơi khô, ngâm vào ống đựng nước tr’đin hay tà vạt, sẽ tự lên men uống vị đăng đắng, kèm chát, ngọt rất dễ chịu.

Trưa, các già làng chuẩn bị lễ cúng bái ở trong ngôi trai. Các lễ vật, từ mâm cúng cho đến ché, chiêng, mã não, gà, vịt... không thiếu một thứ gì. Rượu, cũng có đủ cả “cần - vạt - dầm - đin” (rượu cần, tà vạt, nếp than và tr’đin) được bày biện quanh ngôi trai, cạnh mâm cúng. Thật hiếm hoi. Chừng như đã hơn mười năm trở lại, tôi chưa có dịp chứng kiến một lễ cưới truyền thống có đủ cả “cần - vạt - dầm - đin” như thế. Bởi văn hóa rượu truyền thống, nói không để buồn, nay đã không còn được đồng bào coi trọng như trước và đang dần bị thay thế bởi rượu, bia hiện đại. Mọi thứ như bủa vây tâm trí tôi ngày một nặng trĩu. Có một bàn tay đang vỗ nhẹ vai mình, tôi bám theo chân của những g’mơrây đến từng khu vực “phân chia” vị trí của dân làng để cùng xem tục p’chró đhôl (mời thịt) của nhà trai dành riêng cho nhà gái. Tục hay nhưng nay ít vùng giữ được. Cũng “cho có lệ” như một vài cách nghĩ mà tôi từng gặp, từng nghe, từng chứng kiến về văn hóa rượu cần, rượu tà vạt. Có chút gì dùng dằng của nỗi buồn mất mát. Tôi hòa mình vào trong đám đông, rộn ràng cùng tiếng trống chiêng và điệu trziêu, taroóh (hú hò) vang vọng. Chén rượu cần, rượu tà vạt được trao tay, rồi uống cạn. Ai nấy cũng mềm môi theo điệu lý của già làng và say no đến tận sáng hôm sau.

Thỉnh thoảng, rượu cần xuất hiện tại các lễ hội nhưng cũng chỉ “sân khấu hóa” theo du lịch.
Thỉnh thoảng, rượu cần xuất hiện tại các lễ hội nhưng cũng chỉ “sân khấu hóa” theo du lịch.

Ký ức tuổi thơ lại ùa về, miên man như trong câu ví của người già. Ngày đó, chúng tôi - những đứa trẻ Cơ Tu nhem nhuốc sống ở bìa rừng, bên dòng sông R’lang cách trở. Xa đường cái - tuyến quốc lộ 14G, theo cách gọi của dân làng - nghĩ cũng hên, vì ít ra thế hệ chúng tôi vẫn còn biết thế nào là rượu cần, rượu nếp than, không như người làng bây giờ quen với mùi men… rượu gạo, từ khi mới lọt lòng. Hồi đó, dòng nước sông R’lang, suối Pho cũng trong veo như vòm trời cao rộng ban trưa, cho nguồn nước ngọt đổ vào ché rượu cần, đong đầy men say. Làng người Cơ Tu vui hội. Ché rượu cần được chuẩn bị cách đó vài tháng, khi vụ mùa gieo hạt “đâu đã vào đấy”. Thời điểm này, người lớn nhàn rỗi hơn mọi khi, vì thế hàng ngày họ cùng lên rẫy, rồi mang về những gùi sắn trắng bóc, chờ ngày ủ rượu. Dù công đoạn khá rườm rà, nhưng bù lại nhiều niềm vui. Trong khi lũ trẻ con chúng tôi háo hức chờ đợi đến ngày được cầm trên tay những củ sắn đã lên men, thơm nồng. Cuộc sống khó khăn nhưng niềm vui chưa bao giờ vụt tắt khỏi tâm trí. Đó là những khi cùng ra suối phụ giúp bố mẹ rửa sạch từng củ sắn, rồi mang về luộc chín. Sắn nguội mềm, lại đổ ra những chiếc nia lớn, trộn đều với men và trấu khô, dùng lá chuối lót kín thân gùi, rồi ủ lên men đến vài ngày nơi gần bếp lửa, trước khi bỏ vào ché cất giấu ở vị trí phù hợp nhất trong nhà. Buổi sáng thức dậy, mùi khói bếp lan tỏa, hòa với mùi thơm từ gùi sắn ngào ngạt khắp nhà, cùng niềm vui của mẹ tiễn đàn con đến trường làng.

2. Thảng hoặc, tôi có dịp trở lại các xã vùng cao Đắc Pre, Đắc Pring và Đắc Tôi của huyện Nam Giang. Đầu hè, các xã biên giới khô khốc những cơn gió Lào táp thẳng vào mặt. Nhiều cánh rừng trọc, cháy trụi theo bao mùa rẫy. Nắng hầm hập trên đầu, thác khe chìm vào trong dĩ vãng, tiếng thở dài nghe đầy chua xót. Đang vào mùa gieo hạt, những thanh niên người Ve, Tà Riềng cũng không còn “zdô” đều cùng vị ngọt của rượu tà vạt như vài năm trước. Chiều hì hục trở về, họa may cũng chỉ có rượu gạo hoặc bia để… “giải mỏi” sau một ngày lao động chân tay vất vả. Mọi thứ trở nên lạc lõng, xuôi theo chiều gió đi về muôn hướng, chỉ còn tiếng thở dài của lũ làng.

Tà vạt không ra nước, những chiếc chum đựng rượu chỉ còn cách treo nơi góc bếp.
Tà vạt không ra nước, những chiếc chum đựng rượu chỉ còn cách treo nơi góc bếp.

Thật lạ, cũng hướng núi phía bên kia sông, nhiều năm trước tôi có dịp đến, nhìn lên bạt ngàn rừng cây tà vạt. Đủ loại, cao thấp. Buổi sáng, sương núi giăng khắp cánh rừng, những cụ già trở về trong niềm vui rất lạ, hồ hởi như bắt được con nai, con hoẵng bởi trên tay họ có vài lít rượu trăng trắng, hơi đục, họ gọi đó là tà vạt. Mùi men thơm nồng, tỏa dịu nhẹ lên tận sống mũi thơm phức. “Nhưng bây giờ, rượu tà vạt không còn nhiều như trước. Người ta đi làm có ngày không mang về được lít nào. Sông suối khô cạn, tà vạt cũng cho ra ít nước dần, lấy chi mà uống nữa” - già Nhiêr, ở làng Đắc Tà Vâng (xã Đắc Tôi) ngậm ngùi, một nét buồn thoáng trên gương mặt. Cuộc trò chuyện ngắn, nhưng ánh mắt già Nhiêr cứ nhìn lên rừng cây tà vạt phía trên đồi cao, đầy tiếc nuối.

3. Tôi lại nhớ một lần đến vùng đất Aur đầy huyền bí. Ngôi làng nhỏ này thuộc xã A Vương, nằm phía tây bắc của huyện Tây Giang, tiếp giáp với huyện Nam Đông của Thừa Thiên Huế. Aur xanh thẳm giữa đại ngàn, được ví như một “Singapore” thu nhỏ của Tây Giang. Người làng thật đôn hậu, kéo chúng tôi về tận nhà, thết đãi không khác gì những vị khách quý. Những căn nhà nhỏ, san sát hướng vào nhau tạo thành vòng cung khép kín. Một làng truyền thống Cơ Tu ở ngay thời hiện đại. Đón khách vào nhà, chị Bh’riu Thị Non, người con dâu của làng Aur vội vã lấy từ góc bếp một loại chum, bên trong đựng đầy rượu, rót ra mời khách. Loại rượu r’lang, theo giới thiệu của chị, khá dễ uống, dịu ngọt hệt như nước giải khát. Phải mất đến hơn lít mật ong rừng nấu chung với nước apăng (một loại vỏ cây chuồn ở miền núi), chị mới làm ra loại rượu độc đáo này. Và, trong câu chuyện về làng, chị Non tự hào vẫn giữ được những công thức chế biến các loại rượu truyền thống, có cả thứ rượu vốn cổ ít được lưu truyền như r’lang, aviết,…

Mấy hôm nay, có một người bạn của tôi hồi cấp 2, quê ở Điện Bàn liên lạc, gợi ý cùng “tìm đầu ra” cho sản phẩm rượu cần truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Tôi ấp ủ, nhưng không biết khi nào mới thực hiện được!

Bút ký của ALĂNG NGƯỚC

Bút ký của ALĂNG NGƯỚC