G7 và những vấn đề toàn cầu
Trong hai ngày 26 và 27.5, Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại thành phố Ise Shima, tỉnh Mie, Nhật Bản.
Hội nghị với sự tham gia của các nhà lãnh đạo G7 bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức và Italy. Nhiều chương trình nghị sự quan trọng được tập trung bàn thảo và tìm hướng giải quyết như kinh tế toàn cầu, chủ nghĩa khủng bố, người tị nạn, tình hình Biển Đông, việc nước Anh chuẩn bị trưng cầu ý dân về vấn đề rời bỏ hay ở lại Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trì hội nghị G7 năm 2016. (Ảnh: newyorker) |
Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo vào tháng 4 vừa qua cho biết, tăng trưởng kinh tế thế giới diễn ra rất chậm, đồng thời đối mặt với nhiều rủi ro. IMF hạ dự báo kinh tế toàn cầu năm nay chỉ tăng trưởng 3,2% và có thể tăng lên 3,5% vào năm 2017, so với những dự báo trước đó tương ứng là 3,4% (năm 2016) và 3,6% (năm 2017). Ngoài ra, biến động của thị trường chứng khoán toàn cầu, biến động tỷ giá của các đồng tiền, có nguy cơ đe dọa sự phục hồi nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo G7 tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa để ổn định thị trường tài chính. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, các nước G7 cần siết chặt chi tiêu để kích thích kinh tế. Tại hội nghị năm nay, nước chủ nhà Nhật Bản đề xuất thảo luận mở rộng nhiều vấn đề quan tâm chung như thay đổi khí hậu toàn cầu và năng lượng, sức khỏe toàn cầu, vai trò của phụ nữ, đầu tư hạ tầng chất lượng, thúc đẩy triển khai các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình nghị sự phát triển 2030. Các nhà lãnh đạo nhóm G7 mong muốn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương sớm đi vào hiệu lực để thúc đẩy kinh tế thế giới.
Có 6 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương được Tokyo mời dự hội nghị G7 mở rộng bao gồm: Việt Nam, Lào, Indonesia, Bangladesh, Sri Lanka và Papua New Guinea và đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia. Ngoài ra, Chad - nước đang giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Phi, cũng được mời dự sự kiện này. |
Hội nghị thượng đỉnh G7 còn bàn thảo những vấn đề lớn tồn tại mang tính cấp bách của châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung. Đó là chủ nghĩa khủng bố, khủng hoảng người tị nạn, giải quyết xung đột Syria và Ukraine. Trước đó tại cuộc họp ở thành phố Kurashiki, tỉnh Okayama của Nhật Bản, các Bộ trưởng Giáo dục của nhóm G7 đã nhất trí hợp tác cùng nhau giải quyết các vấn đề quốc tế bao gồm người tị nạn thông qua con đường giáo dục. Qua đó đưa ra tuyên bố chung nhấn mạnh giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình trên thế giới. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tị nạn kéo dài hơn một năm qua, các nước châu Âu vẫn chưa tìm ra giải pháp chung trong lúc cảnh báo làn sóng người tị nạn đến khu vực này có thể lên đỉnh vào mùa hè này. Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật cũng sẽ công bố Bản kế họach hành động chống khủng bố nhằm xóa bỏ những kẻ khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.
Trước thềm hội nghị, nhật báo Yomiuri của Nhật Bản cho biết, nhóm G7 bày tỏ quan ngại về bất cứ hành động đơn phương nào để thay đổi hiện trạng ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.
NAM VIỆT