Nghề mót mủ cao su
Khi công nhân nông trường cao su kết thúc một buổi làm việc vất vả cũng là lúc những người mót mủ vào rừng nhặt lượm “vàng trắng” bị rơi vãi. Độc hại, nguy hiểm nhưng bù lại họ cũng kiếm được đồng ra đồng vào.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, cây cao su cho mủ tập trung nhiều ở các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang. Mùa khai thác mủ cao su thường vào đầu tháng 5, khi cây cao su thay lá đã khép tán ổn định. Ngồi chờ ở bìa rừng cao su, đợi công nhân đã hoàn thành việc trút hết mủ và tập kết về địa điểm, những người mót mủ, hầu hết là người già và trẻ em, tay cầm can nhựa hoặc túi ni lông, móc sắt mới đi mót mủ. Khi những giọt mủ còn sót lại trên cây đông cứng lại hoặc rơi xuống dưới gốc, những người mót mủ sẽ dùng móc sắt cạy và kéo lớp mủ ra, bóc sạch sẽ bỏ riêng vào từng túi. Thậm chí kể cả những cây có mủ rớt xuống lâu ngày đóng cục lại cũng được họ vạch lá, hoặc khoét đất để lấy mủ…
Ông Ba ở thôn Già Ban, xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức, người có thâm niên mót mủ cao su hơn 5 năm, cho biết: “Có 3 loại mủ, mủ nước, mủ dây, mủ đất. Mủ nước chảy xuống khi nhát cạo chưa ráo miệng, đây được xem là mủ sạch, có giá chừng 8.000 đồng/kg. Mủ dây là những nhát cạo đã khô thành dây, dùng tay bóc được, có giá trị nhất, bán được khoảng 10.000 đồng/kg. Còn mủ dính đất bẩn vón cục, hoặc những giọt mủ cặn còn sót lại trên bát chỉ có giá 5.000 - 7.000 đồng/kg. Đó là giá mủ cao su hiện nay, còn trước đây giá bán dao động 12.000 - 15.000 đồng/kg”. Chị Lan - một người mót mủ cho biết thêm, vào rừng cao su, phải mặc quần áo bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, trùm kín mít để tránh muỗi đốt. Phải chú ý, đề phòng rắn rết, rồi những loại côn trùng khác. Mùi mủ cao su hăng hắc rất khó chịu, nếu không quen sẽ chóng mặt. Mà phải chú ý hết sức, không để mủ nước văng vào mắt, vào tóc. Nếu lỡ để mủ dính vào, phải ngâm nước, gỡ ra từ từ mới hết. “Công việc quá cực nhọc, độc hại và nguy hiểm, nhưng mỗi buổi mót mủ cũng kiếm hơn 50 ngàn đồng. Tích thiểu thành đa, nhờ cái nghề mót “vàng trắng” này mà tôi mới có tiền cho con ăn học” - chị Lan nói.
Hầu hết những người mót mủ cao su đều là trẻ em và những người không còn sức lao động hoặc không có việc làm, tranh thủ những lúc nông nhàn, kiếm thêm đồng thu nhập. Họ chấp hành tốt các quy định của nông trường, không vi phạm pháp luật. Họ coi đây là “nghề” làm ăn lâu dài nên luôn có ý thức bảo vệ cây cao su và không được trộm mủ của nông trường. Ai cũng trông mủ cao su bán được giá, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế cho các nông trường cũng như những người đi mót mủ…
AN DÂN