Cột mốc chủ quyền trong vườn nhà
Bằng những nỗ lực tìm tòi, ông Nguyễn Chi (62 tuổi), ở thôn Đông Nà, xã Cẩm Hà (TP.Hội An) đã dựng nên cột mốc chủ quyền Trường Sa trong không gian non bộ sân vườn nhà mình.
Chúng tôi tìm đến nhà khi ông Chi đang lụi cụi với giàn bông giấy trước cổng. Cơ chừng hiểu lý do khách tìm tới, ông vứt kéo xuống đất rồi dẫn chúng tôi ra hòn non bộ, nói: “Làm cột mốc nớ, vì tui ức cái giàn khoan của Trung Quốc quá”. Ngồi trong nhà vườn nhìn ra, thông qua hình ảnh non bộ của ông Chi chúng tôi mường tượng ra cột mốc Trường Sa sừng sững giữa biển trời mênh mông Tổ quốc. Về ý tưởng làm cột mốc Trường Sa, ông nhắc lại khoảng thời gian đầu tháng 5.2014, khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Đôi mắt bỗng sáng quắc, ông nói: “Ức lắm cháu ạ! Biển mình mà hắn ngang ngược rứa, làm răng chịu nổi? Mà cũng thú thật, trước đó tôi chưa biết nhiều về biển đảo của đất nước mình. Khi cái vụ giàn khoan “nóng” lên, ti vi, báo đài liên tục đưa tin, tôi mới tường tận hơn. Nhưng lúc con gái hỏi về hình thù của cột mốc chủ quyền biển đảo, tôi ú ớ không đáp được. Thế là lang thang tìm sách báo, lên internet để tìm hiểu rồi giải thích cho con nghe”.
Hình ảnh cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa và mô hình tại nhà ông Nguyễn Chi (người đội mũ). Ảnh: XUÂN KHÁNH |
Giải thích cho con gái xong, ông Chi thấy hồ nghi rằng ắt sẽ có những lớp trẻ như con ông không biết hình dáng cột mốc chủ quyền biển đảo ra sao. Và ông muốn nhà mình có một cột mốc thu nhỏ để cho nhiều người dễ hình dung. Thế là ông lại lang thang trên internet tìm kiếm những hình ảnh chân thực, có tỷ lệ hài hòa để lấy đó làm mẫu cho mô hình cột mốc bằng xi măng mà ông đã phác họa trước đó. Sau khi có hình ảnh mẫu, ông nhanh chóng bắt tay vào công việc. Đúng một tuần sau, cột mốc Trường Sa hoàn thành trong sự ngỡ ngàng của hàng xóm và vợ con. Ông Chi cho biết, mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa cao hơn 1m, cả 4 mặt đều có màu sơn và chữ nổi giống nhau, có ghi rõ tọa độ của đảo… Mất nhiều thời gian nhất là công đoạn làm họa tiết và viết chữ.
Ông Chi cho biết, từ lúc vườn nhà có cột mốc này, nhiều người hay ghé vào chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Có khi khách du lịch ngang qua, thấy hay quá, dừng lại, chụp vài tấm hình lưu niệm. “Điều vui mừng nhất là con mình nó hiểu cột mốc chủ quyền biển đảo quê hương là như thế nào. Và mấy cháu học sinh, lúc tan trường thỉnh thoảng ghé vào để tìm hiểu. Có cháu hỏi nhiều câu hóc búa, tui xin khất trả lời sau, là lấy cớ để tìm sách báo, hay lên mạng tìm hiểu tiếp để trau dồi kiến thức mà giải đáp” - ông Chi nói.
Câu chuyện về Trường Sa, về biển đảo thêm rôm rả khi một số người hàng xóm của ông Chi sang trà nước. Qua mấy lời trao đổi, tôi biết đây là thói quen của họ, nhất là sau khi ông Chi làm xong mô hình cột mốc Trường Sa. Ông Hùng - hàng xóm của ông Chi cho hay: “Sáng sớm và vào những lúc rảnh rỗi, chúng tôi thường sang đây uống trà, ngắm mô hình cột mốc và nói chuyện biển đảo. Cột mốc ông Chi làm, xin không nói đến yếu tố thẩm mỹ, chỉ biết rằng đó là cả tấm lòng của ông đối với biển đảo. Chứng kiến cảnh bọn nhỏ nhìn cột mốc, nghe ổng giải thích, mới thấy đáng quý và tự hào lắm. Mà tôi nghĩ, giáo dục về biển đảo quê hương thì cần phải sinh động như thế”.
Tôi hỏi sao thiếu cột mốc Hoàng Sa. Ông bảo, ý định ban đầu của ông là làm đủ mô hình 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Nhưng khi tính toán, quy chiếu tỷ lệ từ vị trí địa lý thực, thì cột mốc Hoàng Sa sẽ nằm ở nơi “không đẹp” của không gian non bộ. Mà ông vốn là người làm non bộ kỹ tính, nên không cho phép mình đặt mô hình cột mốc Hoàng Sa ở nơi không trang trọng. Thế là ông đi đến quyết định, chỉ làm cột mốc Trường Sa. Thêm một lý do nữa, con đường chạy ngang trước nhà ông, trong tương lai gần sẽ được mở rộng, “ăn” vô sân nhà ông 3m, lấn mất 2/3 hồ non bộ hiện tại. Ông Chi cho hay, sau khi con đường này mở rộng, ông sẽ làm lại non bộ, và đó sẽ là sa bàn biển đảo có đầy đủ cột mốc chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa.
XUÂN KHÁNH