Giữ liên lạc biển khơi với đất liền

NGUYỄN QUANG VIỆT 26/05/2016 09:16

Những chuyến dài ngày của ngư dân giờ đây đã an toàn hơn nhờ trên tàu có đầy đủ các thiết bị liên lạc hiện đại cũng như sự hỗ trợ đắc lực từ đất liền.

Trang bị phương tiện liên lạc

Mười năm đã đi qua, nhưng ông Trần Công Tú (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) vẫn còn ám ảnh về sự tàn phá của cơn bão Chanchu. Hồi đó, ông Tú đã may mắn hơn rất nhiều người, thoát khỏi lưỡi hái tử thần để về đoàn viên gia đình. “Thảm khốc lắm, ai đã trải qua thì khó mà quên được. Phải mất nhiều năm tôi mới có thể trở lại sản xuất trên biển. Trước đó, tôi đã từng đi học nghề khác, định đoạn tuyệt hẳn với quá khứ bám biển” - ông Tú nói. Bây giờ, ông Tú thường xuyên bám biển Hoàng Sa bằng nghề chụp mực trên con tàu QNa-95267 có công suất 450CV. “Sau tai nạn thảm khốc, ngư dân chúng tôi rút ra được nhiều bài học. Mình không thể chủ quan với biển cả, phải chuẩn bị chu đáo để không lặp lại nỗi bi thương như 10 năm trước” - ông Tú nói. Trên con tàu QNa-95267, ông Tú lắp đặt hẳn một hệ thống máy liên lạc hiện đại, gồm máy tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Tầm ngắn thì giữ liên lạc với các thành viên trong tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Tầm trung thì liên hệ, trao đổi với các ngư dân cùng xã, huyện. Còn tầm xa thì đàm thoại về trạm bờ đặt tại đất liền. Theo phê duyệt của UBND tỉnh, Quảng Nam có 250 tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa của Tổ quốc. Các tàu cá này đều đã được trang bị máy liên lạc sử dụng sóng HF tầm xa có tích hợp hệ thống định vị vệ tinh GPS, tên cụ thể là VX 1700. Ngư dân dễ dàng sở hữu máy liên lạc này nhờ được hỗ trợ 100% chi phí mua máy theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Có nhiều tàu cá, ngư dân vừa trang bị máy VX 1700 vừa trang bị thêm máy Icom, máy Movimar, có chức năng đàm thoại 2 chiều hoặc nhận các bản tin đặc biệt. Nhiều ngư dân cho biết, khi sản xuất trên biển, thông qua các loại máy này, họ liên tục được cập nhật các bản tin dự báo thời tiết phát liên tiếp qua sóng HF từ các đài ở trung ương và địa phương. Cùng với đó, ngư dân có thể chủ động gọi về đất liền, trao đổi về tình hình sản xuất trên biển, chia sẻ các mối nguy có thể gặp phải thông qua trạm bờ được đặt ở các địa phương ven biển. Tính năng vượt trội của thiết bị này còn nằm ở chỗ, khi ngư dân nhắn tin về trạm bờ, ngành chức năng sẽ định vị ngay vị trí, tọa độ của tàu cá đang hoạt động trên biển xa. Nhờ kết nối, ngư dân sẽ chủ động trong mọi tình huống khi sản xuất trên các vùng biển xa, qua đó hạn chế đến thấp nhất các mối nguy có thể xảy đến.

Ngành chức năng của tỉnh đến thăm, động viên ngư dân Trần Công Tú bám biển dài ngày trên các vùng biển xa của Tổ quốc. Ảnh: N.Q.V
Ngành chức năng của tỉnh đến thăm, động viên ngư dân Trần Công Tú bám biển dài ngày trên các vùng biển xa của Tổ quốc. Ảnh: N.Q.V

Hỗ trợ từ đất liền

Mỗi khi có bão hay áp thấp nhiệt đới trên biển, ở các trạm bờ đặt tại các địa phương ven biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hay Chi cục Thủy sản Quảng Nam, ngành chức năng túc trực 24/24 giờ để kết nối, liên lạc với các ngư dân trên các tàu cá đang hoạt động trên biển, đặc biệt là vùng biển xa. Các trạm bờ này sẽ liên tục cập nhật số lượng tàu cá, ngư dân và thông báo với họ các bản tin về dự báo tình hình thời tiết trên biển, hướng dẫn họ thoát ra khỏi vùng tâm bão hay áp thấp nhiệt đới, tránh tai nạn đáng tiếc. “Khi mình cung cấp các bản tin dự báo thời tiết, việc đầu tiên là hướng dẫn ngư dân đưa phương tiện cách xa vùng tâm bão càng sớm càng tốt. Căn cứ vào vị trí cơn bão hay áp thấp nhiệt đới đang hoạt động cũng như vận tốc của tàu cá, ngư dân có thể lựa chọn trở về bờ hay cập vào một vị trí an toàn, như khu neo đậu tàu cá ở Trường Sa chẳng hạn, chờ cơn bão đi qua sẽ hoạt động tiếp” - ông Nguyễn Đình Toàn, Trưởng phòng Quản lý nguồn lợi & khai thác thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết.

Đến thời điểm này, ở hầu hết tỉnh, thành trong cả nước đều có sự hoạt động của các đài duyên hải. Vào những ngày bình thường, thông qua sóng HF tầm xa, các bản tin dự báo thời tiết được phát 2 lần trên đài, vào buổi sáng và buổi tối. Còn mỗi khi thời tiết biến động, các bản tin về hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới liên tục được các đài phát sóng, thời lượng khoảng 5 - 10 phút, phát cách nhau chừng 2 tiếng đồng hồ. Trong các bản tin, ngoài thông tin về tâm bão, áp thấp nhiệt đới thì dự báo hướng bão hoặc áp thấp nhiệt đới di chuyển, hoạt động trong vòng 12, 24 hay 36, 48 giờ đồng hồ sẽ giúp ngư dân chủ động điều khiển phương tiện tránh xa tác động của biến động thời tiết. “Có sự khác biệt rất lớn trong việc hướng dẫn ngư dân chủ động phòng tránh bão khi đang hoạt động trên biển vào thời điểm này so với thời điểm bão Chanchu hoạt động 10 năm trước. Trước đây thì khi có bão, hướng dẫn ngư dân chạy vào bờ, có lúc chưa kịp vào bờ đã bị bão đến tấn công, gặp nạn. Còn bây giờ ngành chức năng tập trung vào việc đưa tàu cá càng rời xa vùng tâm bão càng tốt, tránh vùng bão quét qua” - ông Trần Văn Việt, Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT