Tuổi trẻ bảo vệ tài nguyên biển
Ngày 24.5, tại Trung tâm điều hành du lịch Cù Lao Chàm (cảng Cửa Đại, TP.Hội An) đã diễn ra buổi tọa đàm “Vai trò của thanh niên trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường biển”.
Buổi tọa đàm do Chi đoàn Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa Đại và các tổ chức hoạt động tình nguyện vì môi trường tổ chức. Hoạt động này đã thu hút sự tham gia của hơn 50 đoàn viên thanh niên và các tình nguyện viên trong nước, quốc tế đến từ Mỹ, Úc, Thái Lan. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 7 năm ngày Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đồng thời chương trình đã thể hiện sự hưởng ứng của tuổi trẻ TP.Hội An với các sự kiện quan trọng như Ngày đa dạng sinh học thế giới 22.5, Ngày môi trường thế giới 5.6, Ngày đại dương thế giới 8.6 và Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam.
Trong chương trình tọa đàm, các đại biểu tham dự được một số chuyên gia và nhà hoạt động vì môi trường giới thiệu về thế mạnh và thách thức trong công tác bảo tồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển tại Việt Nam nói chung, TP.Hội An nói riêng. Ví như tại Cù Lao Chàm, trong phạm vi diện tích 5.175ha mặt nước có khoảng 311ha rạn san hô, 500ha thảm cỏ biển và nhiều loài hải sản có giá trị khác như cá mú, cá hồng, cá dược… Theo kết quả nghiên cứu gần đây nhất, các nhà khoa học đã xác định được ở vùng biển này có khoảng 280 loài san hô tạo rạn thuộc 40 giống và 17 họ; 270 loài cá thuộc 105 giống, 40 họ; 5 loài tôm hùm; 97 loài nhuyễn thể và rất nhiều loài có giá trị cao về mặt sinh thái, giá trị kinh tế và cảnh quan môi trường.
Ngoài vùng lõi là Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP.Hội An còn có hệ thống rừng ngập mặn ở xã Cẩm Thanh và phường Cửa Đại - một hệ sinh thái với sự đa dạng sinh học có giá trị rất cao. Vùng sông, lạch ở đây có rừng dừa nước ven bờ và các loài cây ngập mặn như sú, vẹt, đước quanh năm xanh tốt, tạo thành vùng cảnh quan quyến rũ. Trên các cồn, gò và vực nước xung quanh là hệ sinh thái cỏ biển đặc thù, chỉ có riêng ở vùng nhiệt đới. Kết quả nghiên cứu, khảo sát cũng cho thấy, các hệ sinh thái khu vực này là nơi cư trú của nhiều loại động vật biển có giá trị, nhất là các loài tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm. Các thảm cỏ biển là môi trường sống của ấu thể nhiều loài hải sản.
Tuy vậy, các khu vực này đang chịu nhiều tác động xấu từ các hoạt động kinh tế - xã hội, gây hệ lụy đến đa dạng sinh học và phát triển của nhiều loài sinh vật quý hiếm. Vì vậy, đề xuất các giải pháp bảo tồn là điều cần thiết. Theo đó, tiếp tục phát huy các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng. Các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái cần được đưa vào nền nếp, không chỉ riêng người dân mà cả khách du lịch, các công ty lữ hành. Để phát huy các giá trị vốn có, cần xây dựng và thu hút thanh thiếu niên tham gia các câu lạc bộ bảo tồn biển. Việc xây dựng chương trình giáo dục về bảo vệ đa dạng tài nguyên biển đảo cũng cần đưa vào trường học, lan tỏa nhiệt tình tham gia của học sinh, thế hệ trẻ.
Buổi tọa đàm kết thúc bằng một thông điệp có ý nghĩa là mọi người cần lắng nghe và thấu hiểu những tiếng gọi sâu thẳm từ khu vực biển đảo để có những chương trình hành động thiết thực. Thanh niên, tuổi trẻ cần phải luôn trong tâm thế hăng hái, năng động, đi đầu, thể hiện cụ thể, sinh động trách nhiệm cao đối với công tác bảo vệ tài nguyên biển đảo bằng hành động thiết thực.
VIỆT QUANG