Quỹ giáo dục khẩn cấp dành cho trẻ em

QUỐC HƯNG 25/05/2016 10:40

Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) vừa phát động chiến dịch gây quỹ mới nhằm mang lại tương lai tươi sáng hơn cho hàng triệu trẻ em thế giới.

Tại Hội nghị thượng đỉnh nhân đạo thế giới lần đầu tiên do Liên hiệp quốc tổ chức, diễn ra ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ trong hai ngày 23 và  24.5, UNICEF chính thức khởi động quỹ giáo dục khẩn cấp mang tên “Education Cannot Wait” (tạm dịch: Giáo dục không thể chờ đợi). Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tình trạng nhân đạo rơi vào khủng hoảng tồi tệ nhất khi hàng chục triệu người, nhất là tại Syria, Afghanistan, Iraq phải chạy khỏi quê hương vì xung đột. Thêm vào đó, hàng chục triệu người khác bị tổn thương do thiên tai hay biến đổi khí hậu toàn cầu, dịch bệnh, đang phá hủy hệ thống giáo dục toàn cầu. Một trong những hệ lụy kéo theo là khiến hàng chục triệu trẻ em độ tuổi đến trường và thanh niên không được đi học.

Trẻ em Syria vui vẻ đến lớp. (ảnh: unicef.org.hk)
Trẻ em Syria vui vẻ đến lớp. (Ảnh: unicef.org.hk)

Quỹ giáo dục khẩn cấp nhằm mục tiêu trong vòng 5 năm tới sẽ mang lại cơ hội đến trường cho hơn 13,6 triệu trẻ em sống trong những khu vực dễ bị tổn thương, cho 75 triệu trường hợp tương tự đến năm 2030. Trong khi đó, Liên hiệp quốc ước tính trung bình hiện có chưa tới 2% tiền viện trợ nhân đạo được dành cho giáo dục.  Do vậy, trong 5 năm tới, quỹ huy động khoảng gần 4 tỷ USD từ các tổ chức, các nhà hảo tâm. Từ nguồn này sẽ giúp các em kỹ năng và kiến thức để chung tay xây dựng cộng đồng hòa bình và các nền kinh tế phát triển vững mạnh trong tương lai. Như  quỹ giáo dục khẩn cấp sẽ phối hợp với các dự án để giúp đỡ khoảng một triệu  học sinh là người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan được đến trường, giúp đỡ khoảng 900 nghìn trẻ em Nepal không được đi học vì trận động đất kinh hoàng vào tháng 4 năm ngoái. Bên cạnh đó, quỹ giáo dục khẩn cấp sẽ đến với Nam Sudan, nơi 1/3 trẻ em không thể đến trường và Nigeria, nơi các nhóm cực đoan Boko Haram đã đóng cửa 5.000 trường học.

Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, Đặc phái viên Liên hiệp quốc về giáo dục phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh nhân đạo rằng: “Đây là lần đầu tiên chúng ta có quỹ nhân đạo dành cho giáo dục. Quỹ không chỉ hoạt động trong vài tuần hay vài tháng mà hoạt động xuyên suốt nhiều năm để cung cấp kiến thức cho các em trong quá trình phát triển”. Ông Gordon Brown nói thêm, thực tế cho thấy rằng nếu các em bị đánh cắp quyền cơ bản là được đi học sẽ trở thành đối tượng dễ bị cưỡng bức lao động, tảo hôn, dễ rơi vào các tổ chức cực đoan, xung đột. Ngoài quỹ giáo dục khẩn cấp, UNICEF đang kêu gọi sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế, ký kết của các chính phủ với Tuyên bố an toàn trường học (Safe School Declaration). Tuyên bố này diễn ra trong lúc an toàn sinh mạng của nhiều học sinh tại các quốc gia có xung đột bị đe dọa. Như vào tháng 4.2014, tổ chức cực đoan Boko Haram bắt cóc 276 nữ sinh tại thị trấn Chibok, bang Borno, đông bắc Nigeria. Đến nay, mới chỉ có khoảng hơn 50 trong số các em trốn thoát được. Bên cạnh đó, nhiều trường học bị tấn công đẫm máu. Gần nhất là vào đầu năm nay, các tay súng nổi dậy Taliban tấn công vào một trường đại học Bacha Khan ở Charsadda, tây bắc Pakistan làm ít nhất 21 người thiệt mạng, bao gồm nhiều sinh viên. Trước đó hơn một năm, một vụ tấn công đẫm máu diễn ra tại một trường công của quân đội ở Peshawar của Pakistan. Nhóm khủng bố Taliban đã xông vào từng lớp học, lạnh lùng sát hại trên 150 người, chủ yếu là các em học sinh, để trả đũa một chiến dịch quân sự của chính phủ nước này.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG