Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2016: Chuẩn bị chu đáo

XUÂN PHÚ 25/05/2016 09:15

Còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2016. Thời gian qua, các ngành, đơn vị chức năng đã tích cực trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Thi tại Tam Kỳ và Hội An

Năm nay, thí sinh (TS) dự kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) không phải đi đâu xa mà được thi ngay tại địa phương. Đây rõ ràng là một thông tin rất vui cho TS và người nhà khi tránh được việc phải vất vả đi tàu, xe sớm trước vài ngày để tìm chỗ trọ trong những ngày thi. Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trên địa bàn tỉnh năm nay tổ chức 2 cụm thi. Cụm thi ĐH, CĐ do Trường ĐH Bách khoa - Đại học Đà Nẵng chủ trì phối hợp với Trường ĐH Quảng Nam và Sở GD-ĐT tổ chức có 14.603 TS dự thi. Cụm thi tốt nghiệp THPT do Sở GD-ĐT chủ trì phối hợp với Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam và CĐ Điện lực miền Trung tổ chức có 4.577 TS dự thi. Để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi, cụm thi ĐH được tổ chức tập trung đặt tại TP.Tam Kỳ (10.483 TS thi ở 10 điểm thi, 300 phòng thi) và TP.Hội An (4.120 TS thi ở 5 điểm, 115 phòng thi). Riêng cụm thi tốt nghiệp THPT đặt tại 14 điểm thi ở 14 địa phương (trừ các huyện Đại Lộc, Nông Sơn, Hiệp Đức và Phú Ninh không tổ chức điểm thi và TS các địa phương này sẽ sang các địa phương lân cận dự thi).

Thí sinh dự thi xét tốt nghiệp THPT năm 2015 tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ). Ảnh: X.PHÚ
Thí sinh dự thi xét tốt nghiệp THPT năm 2015 tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ). Ảnh: X.PHÚ

Giải thích cho việc tổ chức thi ĐH tại TP.Tam Kỳ và TP.Hội An thay vì tập trung một nơi là Tam Kỳ, TS.Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết, trước khi lập phương án tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, nhà trường đã làm việc với Sở GD-ĐT Quảng Nam, đồng thời tiến hành khảo sát điều kiện cơ sở vật chất trường học dự kiến tổ chức điểm thi. Cạnh đó, các điều kiện về chỗ ở, ăn uống của TS và người nhà trong những ngày thi cũng được quan tâm vì cùng một lúc có số lượng lớn người từ nhiều nơi tập trung về. “Với số lượng hơn 14.000 TS dự thi sắp tới cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm hàng nghìn người nhà TS đi theo, rõ ràng TP.Tam Kỳ không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, TP.Hội An là địa phương thứ 2 được bố trí điểm thi tuyển sinh ĐH” - ông Hùng nói. Cũng theo ông Hùng, vì Trường ĐH Quảng Nam và Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam có số lượng phòng thi lớn (66 phòng và 52 phòng) nên sẽ tách mỗi trường thành 2 điểm thi để thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành. Riêng trung tâm điều hành toàn bộ kỳ thi dự kiến đặt tại Trường ĐH Quảng Nam.

Liên quan đến nguồn nhân lực phục vụ kỳ thi, ông Hà Thanh Quốc cho biết, tổng số người làm công tác coi thi tại cụm thi tốt nghiệp THPT là 1.025 người. Sở GD-ĐT sẽ điều động 796 người; Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam và CĐ Điện lực miền Trung 229 cán bộ, giáo viên. Đối với cụm thi ĐH, theo yêu cầu của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, sở điều động 392 người, Trường ĐH Quảng Nam 206 người, còn lại do Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đảm nhận.

Sẵn sàng chỗ trọ

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4.7. Năm nay cả tỉnh có 19.180 TS đăng ký dự thi; trong đó 14.603 TS dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ, 4.577 TS dự thi xét tốt nghiệp THPT. Cụm thi ĐH đặt tại Hội An gồm TS của các địa phương Điện Bàn, Đông Giang, Duy Xuyên, Nam Giang, Tây Giang và Hội An; đặt tại Tam Kỳ gồm TS của Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn, Đại Lộc, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình và Tam Kỳ. Riêng cụm thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo hướng mỗi huyện 1 điểm thi hoặc 2 huyện lân cận 1 điểm thi (tùy theo số lượng TS).

Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay, thời gian qua Sở GD-ĐT đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra cơ sở vật chất những trường học dự kiến đặt điểm thi. Theo ông Hà Thanh Quốc, qua kiểm tra, tất cả điểm thi dự kiến sắp tới đều từng được tổ chức thi trong nhiều năm qua và đáp ứng nhu cầu phòng ốc, đảm bảo điều kiện về an ninh trật tự, điện chiếu sáng. Cạnh đó, sở cũng đã làm việc với các ngành chức năng như y tế, điện lực, viễn thông, công an… xây dựng kế hoạch tổ chức, nhân lực cho kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Trong đó, ngành y tế bố trí đủ cán bộ y - bác sĩ, chuẩn bị thuốc, dụng cụ y tế chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, nhân viên làm công tác thi và TS trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi. Điện lực có phương án cung cấp điện đầy đủ cho các điểm thi, đảm bảo liên tục 24/24 giờ. Theo ông Lê Chí Cương - Trưởng phòng PA83 Công an tỉnh, trong những năm qua, công tác bảo vệ kỳ thi được Công an tỉnh và công an các địa phương thực hiện khá tốt. Chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, đơn vị đã xây dựng kế hoạch bảo vệ an toàn vận chuyển đề thi, bài thi, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy tại các điểm thi.

Một trong những vấn đề được đông đảo TS và người nhà quan tâm là nơi ăn chốn ở trong những ngày thi khi mà lượng người đổ về các điểm thi, nhất là TP.Tam Kỳ khá nhiều. TS.Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Nam thông tin, khu ký túc xá của trường sẽ dành 1.000 chỗ ở miễn phí cho TS có nhu cầu và 16 phòng của nhà khách cho cán bộ hội đồng thi; còn theo ThS. Lương Văn Vui - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, trường cũng đã chuẩn bị 500 chỗ ở sẵn sàng chào đón TS trong những ngày thi. Ngoài ra, tại Tam Kỳ còn có 200 chỗ ở của Trường CĐ Y tế Quảng Nam; tại Hội An có 800 chỗ ở của Trường CĐ Thủy lợi miền Trung và CĐ Điện lực miền Trung. Trong khi đó, thống kê số lượng TS đăng ký hỗ trợ chỗ ở miễn phí được Sở GD-ĐT ghi nhận đến nay mới chỉ có 355 trường hợp. “Trường ĐH Quảng Nam sẵn sàng phối hợp để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, thậm chí kể cả việc hỗ trợ cùng với Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng trong việc tổ chức chấm bài thi ngay tại trường, đỡ khỏi vất vả vận chuyển bài thi ra Đà Nẵng” - ông Dương nói.

Đừng để giáo viên áp lực vì Thông tư 30

Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT bắt đầu áp dụng từ tháng 10.2014 với việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học không phụ thuộc hoàn toàn vào điểm số. Theo đó, trong đánh giá thường xuyên, giáo viên nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh về những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được. Việc đánh giá bằng điểm số chỉ được thực hiện thông qua bài kiểm tra giữa và cuối kỳ học. Học sinh sẽ được tổng hợp đánh giá trên cơ sở theo dõi mức độ nhận thức, kỹ năng và điểm số của các bài kiểm tra cuối kỳ.
Thông tư 30 được kỳ vọng sẽ đem lại bước ngoặt trong đánh giá học sinh từ nặng về kiến thức sang kỹ năng, năng lực, nhận thức… Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam đã tiến hành khảo sát ở một số tỉnh, thành phố về thực trạng đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30. PGS-TS. Vũ Trọng Rỹ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, qua phỏng vấn gián tiếp bằng phiếu hỏi và tọa đàm trực tiếp 630 giáo viên tiểu học ở 5 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ, Đà Nẵng cho thấy, có 95,2% số giáo viên được hỏi đều khẳng định thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 giáo viên vất vả hơn so với trước đây, nhất là với giáo viên ở vùng nông thôn. Có 582 trong số 630 giáo viên cho rằng, phải mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh. Một số thầy giáo, cô giáo cho rằng, việc nhận xét kết quả học tập của học sinh cũng khó tìm từ ngữ sát hợp với từng trường hợp cụ thể để không bị trùng lặp. Dẫn đến hiện tượng một số giáo viên tìm cách đối phó như đưa ra các loại ký hiệu thay cho điểm số như bông hoa, ngôi sao, mặt người cười, mếu... Nhiều giáo viên chỉ có lời nhận xét chung chung áp dụng cho nhiều trường hợp, kiểu như “em học tốt”, “em cần cố gắng hơn”... mà không chỉ ra được tốt ở chỗ nào và cần cố gắng ở chỗ nào.
Sự bất cập trong việc nhận xét, đánh giá học sinh còn ở chỗ, không phải ngày nào giáo viên cũng có đủ thời gian để ghi nhận xét tất cả học sinh trong lớp. Áp lực về thời gian, công việc khiến trung bình mỗi ngày, giáo viên chỉ nhận xét được từ 1/3 đến 1/2 số học sinh trong một lớp cho cả hai môn Toán và Tiếng Việt. Những học sinh còn lại không có nhận xét của giáo viên trong ngày hôm đó. Mặc dù những học sinh chưa được nhận xét của ngày hôm nay sẽ được giáo viên nhận xét tiếp ở những ngày tiếp theo trong tuần nhưng sự quay vòng nhận xét phải từ 2 - 3 ngày sau mới đến lượt các em. Như vậy, việc nhận xét, đánh giá kiến thức, kỹ năng cho một học sinh sẽ không liên tục. Vì không có nhiều thời gian nhận xét cho một lớp học quá đông học sinh nên phần lớn giáo viên nhận xét theo cách viết một cách ngắn gọn, chung chung như đã nói ở trên. Thậm chí, trong phần nhận xét môn Toán, nhiều giáo viên chỉ ghi đ (đúng) hoặc s (sai). Còn với những giáo viên giảng dạy các môn học năng khiếu như: Thể dục, Họa, Nhạc… bị rơi vào tình trạng “rối bời” vì quản lý quá nhiều sổ sách khi phải ghi nhận xét cho từ 750 đến 1.000 học sinh của 15 đến 20 lớp học của một trường. Vì phải kiêm nhiệm giảng dạy nhiều lớp, giáo viên không thể nhớ hết năng lực rèn luyện, học tập của tất cả học sinh trong cùng một lớp học. Phía Ban giám hiệu nhà trường cũng rất khó khăn trong việc quản lý hồ sơ, học bạ của tất cả khối lớp và nhiều môn học khác nhau.
Với những bất cập sau hơn một năm thực hiện Thông tư 30 qua khảo sát của Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, ngành GD-ĐT cần nghiêm túc nhìn lại những mặt tích cực và hạn chế của việc không chấm điểm học sinh cấp tiểu học để có những giải pháp thay đổi phù hợp hơn. Đặc biệt là làm sao để giáo viên không cảm thấy “mệt mỏi” khi thực hiện. (Tổng hợp từ vov.vn)

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ