Doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam

KIM OANH 24/05/2016 10:39

Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang quay sang Việt Nam, một trong những trung tâm  sản xuất mới nổi tại châu Á.

Một báo cáo gần đây của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ca ngợi thành quả kinh tế Việt Nam đạt được trong năm qua. Đặc biêt, mức lạm phát ở Việt Nam trong năm 2015 xuống thấp ở mức kỷ lục, tức là 0,63%. Mặc dù đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, kinh tế Việt Nam tăng trưởng đáng khích lệ và là một trong 3 quốc gia Đông Nam Á tăng trưởng khởi sắc năm 2015. Mức tăng trưởng có được là nhờ xuất khẩu và sản lượng công nghiệp vững chắc, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng. Tính đến quý 1.2016, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 3,5 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ là một trong 2 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde cho rằng nếu không cải cách, kinh tế Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương.

Một công ty sản xuất giày dép tại Mỹ. (Ảnh: wsj)
Một công ty sản xuất giày dép tại Mỹ. (Ảnh: wsj)

Bên cạnh đó, môi trường chính trị ổn định là một trong những yếu tố thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó đến từ Mỹ. Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam (từ ngày 23 - 25.5), tờ Washington Post (Mỹ) có bài viết về sự dịch chuyển của các nhà đầu tư Mỹ từ các nước khác đến Việt Nam vốn nổi lên như trung tâm sản xuất mới tại châu Á. Như công ty sản xuất giày dép nổi tiếng Wolverine Worldwide, một trong số các công ty may mặc và giày dép của Mỹ di chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ông Scott Thomas, đại diện Wolverine Worldwide cho biết theo kế hoạch đến năm 2020, doanh nghiệp này chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, thay vì tập trung 75% đơn hàng tại đây và phần lớn đơn hàng sẽ được chuyển sang Việt Nam. Trong 3 năm qua, Wolverine Worldwide tăng gấp đôi sản lượng tại Việt Nam để tận dụng lợi thế nhân công rẻ ở đây và  hiện tại Việt Nam chiếm 30% thị phần sản lượng của Wolverine Worldwide.

Vietjet Air mua 100 máy bay Boeing trong chuyến thăm của ông Obama
Bản hợp đồng được Tổng giám đốc Boeing - Ray Conner và Tổng giám đốc Vietjet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo ký trưa 23.5, tại Phủ Chủ tịch. Theo đó, 100 máy bay 737 Max 200 sẽ được Boeing giao cho Vietjet trong vòng 4 năm (2019 - 2023) nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng mạng bay của hãng hàng không Việt Nam. Hợp đồng này có giá trị tổng cộng 11,3 tỷ USD. Cùng với hợp đồng của Boeing, cũng tại lễ ký sáng nay, Vietjet còn đạt thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD với Công ty Pratt & Whitney thuộc Tập đoàn United Technologies Corp (Mỹ) nhằm cung cấp động cơ PurePower Geared Turbofan và các dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng đội tàu cho thế hệ máy bay A320 NEO và A321 NEO của hãng. Ngoài ra, Tập đoàn General Electric (GE) đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương, để phát triển tối thiểu 1.000MW điện gió cho đến năm 2025. Sản lượng điện này ước tính đủ cung cấp cho 1,8 triệu hộ dân Việt Nam. GE sẽ làm việc với các đối tác địa phương để xác định dự án tiềm năng.

Thúc đấy quan hệ hợp tác kinh tế Việt - Mỹ cũng là một trong những chương trình nghị sự hàng đầu của Tổng thống Obama tại Việt Nam. Trong đó, chuyến thăm nhằm mục tiêu để thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hối thúc Quốc hội Mỹ phê chuẩn sớm, đặt nền móng cho việc thực hiện thỏa thuận thương mại TPP trong tương lai, mà Việt Nam là một trong 12 thành viên ký kết. Tổng thống Obama từng khẳng định, nếu TPP được thông qua thì đây sẽ là cơ hội thuận lợi nhất giúp các doanh nghiệp Mỹ có thể thâm nhập vào thị trường mới nổi, năng động ở Đông Nam Á và khai thác các xu thế kinh tế toàn cầu để mang lại lợi ích cho kinh tế Mỹ.

Đơn cử, Hiệp định TPP giúp Wolverine Worldwide dự báo sẽ giảm được 20 triệu USD tiền thuế hàng năm cho các sản phẩm từ Việt Nam, do đó sẽ giảm giá cho người tiêu dùng Mỹ, đẩy mạnh doanh số cho công ty. TPP còn được xem như là một nền tảng kinh tế của một chính sách hướng về châu Á mạnh mẽ hơn của Mỹ. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho biết Việt Nam có thể trở thành nước có lợi nhất trong TPP, với GDP có thể tăng đến 10% vào năm 2030. Với TPP, thuế nhập khẩu giày dép của Mỹ, vốn có thể đến mức 40%, sẽ giảm về 0% sau 7 năm với Việt Nam. Ngoài ra, đến Việt Nam, Tổng thống Obama gặp gỡ doanh nghiệp trẻ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở Dreamplex - không gian làm việc chung cho các startup (khởi nghiệp) ở TP.Hồ Chí Minh.

KIM OANH

KIM OANH