Mầm xanh trên "cao nguyên đá"
Gần 10 năm trước khi chuyển đến vùng đất này, thiếu thốn đủ bề, đồng bào Giẻ Triêng của thôn Nước Lang (xã Phước Xuân, Phước Sơn) nung nấu ý định bỏ làng. Nhưng từ tình thương yêu đùm bọc nhau đã níu kéo họ ở lại dựng xây cuộc sống mới, để hôm nay mầm xanh đã bắt đầu mơn mởn trên “cao nguyên đá” này.
Thuở đầu dựng nghiệp
Phía sau các dự án thủy điện mãi là câu chuyện dài đầy ưu tư với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Ngày đi, không ít người vẫn còn tiếc nuối bởi nhà cửa, vườn tược, nương rẫy bao đời gầy dựng giờ phải rời xa. Đầu năm 2007, chỉ mới hơn 10 hộ dân Nước Lang ra ở, sau đó chính quyền buộc phải “cưỡng chế” hơn 30 hộ tái định cư dự án thủy điện Đắc Mi 4 đến làng mới sinh sống. Có nhà mới, được Nhà nước cấp gạo miễn phí hàng tháng, song nhiều người không mấy hài lòng với cuộc sống thực tại. Tôi vẫn còn nhớ, nước mắt lăn dài trên gò má của chị Hồ Thị Tuyết khi dắt díu đàn con ra đây sinh sống. Chị bảo, nghe lời cán bộ thì đồng bào ra ở, chứ tâm trạng trĩu nặng lo âu. Đến đây đồng bào thấy cái gì cũng lạ, mọi thứ gần như làm lại từ đầu. Suốt hơn một năm, chị Tuyết cũng như nhiều hộ tái định cư đều “ăn không ngồi rồi” vì thời điểm này ở làng mới chưa có đất sản xuất, nương rẫy. Tuy vậy, sự hấp dẫn của Nước Lang lúc này chính là bạt ngàn đồi núi nằm sau lưng làng. Để đổi lấy tiền và đất trồng cây, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều quả đồi bát úp đã được khai phá. Cuộc xâm hại rừng tự nhiên diễn ra âm thầm, kéo dài và đồng bào xem đó như “cứu cánh” đơn giản để sinh tồn. Hầu hết dân tái định cư thủy điện Đắc Mi 4 thuộc 2 thôn Phước Hiệp và Phước Hòa (Phước Sơn). Lúc này chủ đầu tư lẫn chính quyền địa phương loay hoay tìm địa điểm lập làng mới. Ngành chức năng khảo sát, rồi nhận định khu vực Nước Lang có đất bằng phẳng, ít độ dốc hơn vùng khác, có thể mở rộng diện tích nên đồng bào vào là sản xuất ngay. Nhưng đó là đánh giá sai lầm bởi dưới lòng đất là lớp sỏi, đá nên cây cối không thể nào phát triển được.
Làng Nước Lang những ngày hình thành. |
Đất lởm chởm đá, cuốc xẻng bổ xuống đều hư hỏng. Muốn bóc các tảng đá trồi lên mặt đất đôi khi mất cả tuần. Dân trồng thử các cây bắp, sắn nhưng còi cọc không thể kết trái, ra củ. Ông Đoàn Văn Thông, thời điểm đó còn làm Phó Chủ tịch UBND huyện (hiện là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phước Sơn) cho rằng, tìm đất sản xuất cho người dân tái định cư quả thật hóc búa với địa phương. Dân chủ yếu làm lúa rẫy, nhưng huyện nghèo cũng chẳng biết xoay xở lấy nguồn ở đâu để khai hoang đất canh tác cho họ. Phương án tái định cư lần 2 thì khó khả thi vì chẳng có nơi nào tốt hơn khu vực Nước Lang. Đất ở khu dân cư có chất lượng xấu, bù lại ở các khu rừng khộp, thậm chí dãy rừng già sau thời gian đốn hạ, đốt cháy lại màu mỡ, giàu dinh dưỡng rất thích hợp với cây lúa, bắp, sắn... Thế là, màu xanh của cây trồng có hạt, quả dần dà xâm chiếm, mở rộng không gian. Ông Hồ Văn Gôn, một người dân tái định cư nhớ lại: “Làng nằm ở lưng chừng đồi núi cao, nước thủy lợi dẫn lên không được. Làm ra củ khoai, hạt lúa trên này những năm đầu quý như hạt ngọc, hạt vàng. Thời đó, nếu Nhà nước không hỗ trợ gạo cứu đói có lẽ đồng bào đã bỏ đi sớm rồi”. Còn tôi, 9 năm trước ký ức về một ngôi làng vẫn vẹn nguyên. Là các vạt đồi đất đỏ au, lổm nhổm gốc cây đen sì còn lại lẫn trong những thửa lúa đầu mùa chỉ hẹp bằng cái sân nhà.
Đồng bào thiểu số canh tác trên rẫy khai hoang. Ảnh: H.P |
Ở lại dựng xây
Tôi về làng đúng dịp diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Gươl làng truyền thống, các điểm dân cư sống tập trung đỏ rực màu cờ Tổ quốc. Khác hẳn với cảnh then cài cửa đóng của 9 năm trước, trong nhà của đồng bào Giẻ Triêng bây giờ chộn rộn tiếng nói cười. Khói lam chiều vấn vít từ các bếp nhà. Mái nhà lợp toàn ngói đỏ nay đã rêu phong, cũ kỹ; quanh làng được phủ xanh bởi cây cối. Chủ tịch UBND xã Phước Xuân Nguyễn Chí Sâm bảo, nguồn lực của các chương trình quốc gia trọng điểm như 30a, cùng với nguồn vốn của địa phương đã đầu tư công trình thủy lợi hàng tỷ đồng dẫn nước phục vụ sản xuất cho đồng bào. Hơn 4ha đất được khai hoang trồng lúa. Người Giẻ Triêng từng bước trồng trọt theo lịch thời vụ của Nhà nước. “Thôn Nước Lang được huyện chọn làm lúa, bắp thí điểm. Hộ nghèo giảm đáng kể. Đất mới còn thu hút nhiều người dân từ nơi khác đến an cư lập nghiệp” - ông Sâm thông tin.
“Mình làm trưởng thôn phải gương mẫu, tiên phong mọi việc. Khi gia đình thoát nghèo thì hơn 10 trường hợp khác cũng mạnh dạn đăng ký thoát nghèo. Đồng bào chừ không sợ đói đâu, nhiều nhà có của ăn của để. Họ tuyệt đối không còn tư tưởng bỏ làng”. (ông Hồ Văn Tất - Trưởng thôn Nước Lang, xã Phước Xuân) |
Trước đây vào khu tái định cư này, mỗi hộ ngoài nhận 400m2 đất ở, còn được bố trí 2.000m2 đất lúa nước và 8.000m2 đất rẫy. Chủ đầu tư dự án thủy điện xây dựng nhà ở cho mỗi hộ dân với trị giá 50 - 70 triệu đồng/căn nhà cùng các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, gươl làng. Thôn có 38 hộ (33 hộ thuộc diện tái định cư, 5 hộ dân khác mới chuyển đến). Khác với các làng tái định cư thủy điện miền núi, đồng bào ở Nước Lang rất chăm chỉ làm ăn, nhà cửa xuống cấp đều tự tay sửa chữa lại. Từ trong gian khó, người Giẻ Triêng đã biết dựa vào nhau mà sống, lặng lẽ khai hoang đất để sinh tồn; biến những vạt đất đá cằn cỗi thành phì nhiêu. Nhiều khu “rừng dế” đã tái sinh màu mỡ đến mức người dân không cần dùng phân bón trên lúa rẫy. Đất canh tác ở khu “rừng dế” đều có chủ. Nếu ở nơi khác rừng keo trồng phải chờ đến 6 - 7 năm mới thu hoạch, thì nơi đây chỉ cần hơn 3 năm là có thể khai thác bán. Nhiều héc ta đất vùng thấp chia đều ra cho dân trồng cây. “Nhà anh bí thư đảng ủy xã làm lúa nước quanh năm ăn không hết. Mấy năm gần đây, người Giẻ Triêng không nhận sự hỗ trợ gạo cứu đói của Nhà nước vào mùa giáp hạt” - ông Sâm chia sẻ.
Ra sinh sống từ những ngày đầu lập làng, ông Hồ Văn Tất - Trưởng thôn Nước Lang đã xây dựng được tổ ấm gia đình. Với số tiền dành dụm, vợ chồng ông đã mở quán kinh doanh buôn bán tại nhà. Để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản cho bà con, ông Tất còn mua sắm ô tô tải. Và chính gia đình ông đã đăng ký và thực hiện thoát nghèo bền vững từ hơn hai năm nay. Ông Tất bộc bạch: “Mình làm lãnh đạo thôn phải gương mẫu, tiên phong mọi việc. Khi gia đình thoát nghèo thì hơn 10 trường hợp khác cũng mạnh dạn đăng ký thoát nghèo. Đồng bào chừ không sợ đói đâu, nhiều nhà có của ăn của để. Họ tuyệt đối không còn tư tưởng bỏ làng”. Điều khiến Nước Lang thay đổi một cách kỳ lạ, theo ông Sâm là nằm ở nhận thức của đồng bào và các chính sách hỗ trợ sản xuất thiết thực của Nhà nước. Đó là một số tuyến đường mở vào khu sản xuất vừa đáp ứng nhu cầu đi lại, vừa đưa được nước thủy lợi lên rẻo cao, hạn chế tình trạng phát rừng già làm rẫy, khuyến cáo đồng bào chú trọng phát triển lúa nước. Từ cuối năm 2013, người Giẻ Triêng ở Nước Lang được chia ruộng lúa nước, đầu tư hệ thống thủy lợi, đường sá. Hạt lúa củ khoai làm ra còn có thể cung cấp cho các vùng lân cận. Hơn 2,2ha đất trũng thấp đang được chính quyền huy động sức dân cải tạo, có thể phát triển thành vùng chuyên canh trồng lúa nước. “Thành công giảm nghèo bền vững ở Nước Lang chính là các chính sách đã hiện thực hóa, trong đó việc mở đường lên tận vùng sản xuất rất hiệu quả. Nông sản đồng bào làm ra trở nên có giá trị, hàng hóa thông thương cũng là nhờ đường sá thuận lợi” - ông Sâm khẳng định.
Phóng sự: HỮU PHÚC