Bản lĩnh của người đại biểu dân cử

NGUYÊN ĐOAN 21/05/2016 09:44

Trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Lai – ĐBQH tỉnh khóa XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, qua đó có cái nhìn rõ nét hơn về những dấu ấn của Đoàn ĐBQH Quảng Nam khóa XIII:

  • BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ HĐND TỈNH NHIỆM KỲ 2016 - 2021

PV:Ông có thể chia sẻ về không khí tham gia ý kiến thảo luận của các thành viên trong Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam khóa XIII?

Ông Lê Văn Lai: Không chỉ có Đoàn ĐBQH Quảng Nam mà các ĐBQH khóa XIII nói chung đều hoạt động trong không khí dân chủ, tự do, cởi mở. Tại diễn đàn nghị trường Quốc hội hay tham gia thảo luận tổ, các ĐBQH đều tham gia thảo luận sôi nổi, bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến thẳng thắn với tinh thần dân chủ và đổi mới. Có thể khẳng định, chính cái không khí đó đã khuyến khích, tạo động lực cho các đại biểu hăng hái trong việc thể hiện tiếng nói của mình thông qua sự gửi gắm của cử tri. Để từ đó, đề đạt đến diễn đàn Quốc hội những vấn đề gai góc của cuộc sống, những bức xúc của xã hội, thậm chí những vấn đề tế nhị có liên quan đến nhiều cơ quan chức năng khác nhau. Với trách nhiệm của mình, người đại biểu đã thể hiện những gì mà cử tri gửi gắm hết sức rành mạch, rõ ràng, thẳng thắn. Tôi cho rằng chính không khí dân chủ, cởi mở đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội khóa XIII nói chung, của từng đại biểu nói riêng.

Ông Lê Văn Lai.
Ông Lê Văn Lai.

PV: Như vậy, người ĐBQH cần chuẩn bị cho mình một tâm thế như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Lai: Theo tôi, khi phát biểu về một nội dung gì đó tại diễn đàn Quốc hội, trước hết người đại biểu xác định đó không phải là cách để thể hiện cái tôi của mình. Càng không phải để chứng tỏ mình tham gia tích cực trên diễn đàn Quốc hội nhằm khiến được nhiều người chú ý, lăng xê này nọ. Khi người đại biểu phát biểu đều xuất phát từ việc thông qua tiếp xúc cử tri, thông qua thực tiễn cuộc sống thấy rằng vấn đề đó bức xúc. Bức xúc đến mức không nói thì không được. Nó bức xúc đến mức phải thể hiện cho được cái ý chí mà nhân dân đã gửi gắm cho đại biểu. Khi nhận thức được vấn đề như thế thì tiếng nói của người đại biểu sẽ khách quan, mang đậm hơi thở cuộc sống, trở thành tiếng nói thuyết phục. Như vậy, tiếng nói của người đại biểu không chỉ được diễn đàn Quốc hội, 500 ĐBQH mà các cơ quan chủ quản, cơ quan thẩm quyền tiếp thu rất nhẹ nhàng, thoải mái; đồng thời cũng nhận được sự đồng tình, đánh giá rất cao của nhân dân nói chung và cử tri nói riêng.

PV:Qua theo dõi có thể thấy, các vấn đề gay cấn, “nóng” nhất đã được các thành viên Đoàn ĐBQH Quảng Nam đưa ra diễn đàn Quốc hội. Vậy kết quả thực tế mang lại từ việc đưa tiếng nói của cử tri Quảng Nam đến diễn đàn Quốc hội ra sao, thưa ông?

Ông Lê Văn Lai: Còn nhớ, khi mà cơn địa chấn tại khu vực thủy điện Sông Tranh II xảy ra thì Đoàn ĐBQH Quảng Nam là một trong những đoàn hết sức quan tâm và nói tiếng nói của mình trên nghị trường Quốc hội. Kể cả trong các cuộc thảo luận tổ, trên các diễn đàn công khai cũng như trong các cuộc thảo luận chung, Đoàn ĐBQH Quảng Nam đều thể hiện sự băn khoăn về những tác hại không mong muốn của thủy điện. Tiếng nói đó đã tạo sự ảnh hưởng nhất định đối với các đoàn đại biểu khác. Sau đó có nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến lo lắng về những tác hại không mong muốn của thủy điện. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Quốc hội đã xem xét, có nghị quyết điều chỉnh, cắt giảm rất nhiều công trình thủy điện mà trong quy hoạch đã dự kiến sẽ phát triển nhiều hơn nữa.

Hay như khi Chính phủ đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về tái cấu trúc trên ba lĩnh vực: ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư. Đoàn ĐBQH Quảng Nam là một trong những đoàn đã có ý kiến mạnh mẽ là cần thêm một nội dung lĩnh vực cần phải tái cấu trúc đó là nông nghiệp - nông thôn. Bởi vì lĩnh vực này còn rất nhiều bất cập, từ khâu tiêu thụ, giá cả, đời sống của người nông dân đến mối quan hệ giữa ba nhà: nhà nước - nhà khoa học - nhà nông. Vì vậy, lĩnh vực này rất cần phải được tái cấu trúc để Chính phủ có cơ sở đầu tư phát triển. Sau đó Chính phủ, Quốc hội đã tiếp thu và bổ sung đưa nông nghiệp - nông thôn vào một trong những nội dung được tái cấu trúc. Trên cơ sở tái cấu trúc nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Một ví dụ nữa là trong vấn đề giảm nghèo, Đoàn ĐBQH Quảng Nam đã lên tiếng rất mạnh mẽ về cách đặt vấn đề giảm nghèo trước đây là cấp phát trực tiếp. Đoàn ĐBQH Quảng Nam vừa nói tiếng nói của mình, nhưng đồng thời tại HĐND tỉnh Quảng Nam cũng đã ra nghị quyết thực hiện giảm nghèo từ hình thức cấp phát trực tiếp sang đầu tư gián tiếp thông qua cơ sở hạ tầng. Nghĩa là để làm sao cho người dân không ỷ lại. Không ai muốn mình bị nghèo hèn cả, nhưng cách làm cũ đã dẫn đến chỗ người ta muốn nghèo để được hỗ trợ. Đoàn ĐBQH Quảng Nam lên tiếng về vấn đề này rất mạnh, Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu và chuyển hướng hỗ trợ giảm nghèo theo đầu tư chiều sâu, gián tiếp, “cho cần câu chứ không cho con cá” như trước.

Khi nào tiếng nói của các ĐBQH phản ánh những vấn đề của cuộc sống, hợp với dòng chảy chung của đất nước, của các tỉnh thành, địa phương thì tiếng nói đó được tiếp thu rất tốt. Từ hoạt động thực tiễn sôi nổi của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua cho thấy, nếu như người đại biểu nói đúng thực tế mà cuộc sống đặt ra, đúng vấn đề bức xúc, cần thiết thì Chính phủ, Quốc hội sẽ tiếp thu, giải quyết. Vai trò, chức năng của Đoàn ĐBQH Quảng Nam nói riêng, của ĐBQH nói chung bước đầu đã thể hiện khá rõ, tích cực. Tất nhiên tính hiệu lực, hiệu quả của ĐBQH trong chừng mực nào đó còn có những hạn chế và tôi tin rằng các ĐBQH khóa XIV sẽ hoạt động tốt hơn, nâng cao vai trò lập pháp, góp phần xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền do của dân, do dân và vì dân.

PV:Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYÊN ĐOAN

NGUYÊN ĐOAN