Người Xê Đăng "nuôi" ong rừng
Ong rừng ai lại đi nuôi, nhưng đó là câu chuyện có thật của người Xê Đăng vùng cao ở các địa phương tỉnh Kon Tum, giáp với Quảng Nam. Cứ vào dịp trước Tết Nguyên đán, người Xê Đăng lại vào rừng đục lỗ trên thân cây tạo thành những bộng, hốc nhỏ để lũ ong mật tìm về làm tổ, rồi đến mùa hạ cho những giọt mật vàng ươm…
A Néo thăm và đục tổ ong xem mật bên trong.Ảnh: PHẠM ANH |
Giành mật ong với gấu ngựa
Chỉ tay về khu rừng Đăk Blum (xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) còn mịt mù trong sương sớm, thầy giáo A Thê bảo, đó là “thủ phủ” của ong rừng. Dù là giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Yêu, nhưng hằng năm A Thê vẫn vào rừng “nuôi” ong. “Trước đây, ai muốn ăn mật ong thì tìm vào rừng mà lấy thôi. Ong rừng ở đây xưa nay không làm tổ to như cái giần, sàng… trên cành cây như những vùng khác, mà chúng làm tổ trong hốc cây, bộng cây trong rừng già, gần các con suối. Vì thế, mật ong ở rừng già vùng này nhiều vô kể. Người dân ở đây lấy mật về để uống, còn ong non và nhộng thì làm thức ăn hàng ngày. Ngon nhưng ngày trước mật ong rẻ như cho, một lít chỉ đổi được… cái quần đùi chứ mấy” - A Thê kể.
Vùng rừng già Ngọc Yêu dày đặc những đồi cây le. Đây là nơi lũ gấu ngựa trú ngụ. Chúng ăn măng le, nhưng mật ong cũng là món khoái khẩu của con thú to xác chốn này. Nhiều người vẫn còn kể về những “cuộc chiến” giữa người và gấu. A Phiến - Trưởng thôn Ba Tu (xã Ngọc Yêu) bảo, những gốc có tổ ong mình để ý rồi, nhưng khi ra tìm thì thấy khô không còn một giọt mật, miếng sáp ong nào. Có hôm ra rừng, thấy gấu bám trên cây nhấm nháp mật, nhộng ong ngon lành, sơn tràng đành chào thua. A Phiến nói: “Chuyện mình leo lên lấy mật ở hốc cây, rồi sau đó gấu cũng leo lên phía sau lưng là chuyện thường. Lúc ấy, phải leo trên ngọn cây, đợi gấu ăn xong cả tổ ong bỏ đi, mình mới lót tót bò xuống. Nhiều lần mình và A Thê đi lấy mật, bị gấu đuổi chạy thục mạng”. Theo lời A Phiến, bình thường, gấu ít tấn công người, nhưng khi lũ gấu mẹ mới đẻ con, rất dữ tợn, thấy người là rượt trối chết.
Anh Trần Thanh Hiếu - Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu cho biết, toàn xã hiện có 300 hộ dân thì ước chừng có hơn một nửa “nuôi” ong rừng. Mỗi năm, có hàng ngàn tổ ong từ các rừng già mà người Xê Đăng ở đây tạo ra. Người làm ít thu được vài chục lít mật, nhưng nhiều thì đến cả trăm lít. Đặc biệt như ở làng Long Láy, có 3 hộ thu hơn 300 lít mật ong mỗi năm. “Chỉ tính trung bình mỗi gia đình thu chừng 20 - 30 lít, mỗi năm xã này có khoảng 3.200 lít mật ong rừng chứ không ít. Mỗi lít mật ong bán tại chỗ giá 300 - 500 nghìn đồng. Ở đây vùng cao hẻo lánh, nông sản các loại đều bán rẻ như cho. Người Xê Đăng chưa ai làm giàu từ “nuôi” ong rừng, nhưng cũng có thêm nguồn thu giúp trang trải cuộc sống” - anh Hiếu nói. |
Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu - ông Phạm Duy Linh khoe xã này có già A Năng, ở làng Long Láy, từng đánh tay đôi với gấu ngựa để giành mật ong rừng. “A Năng ngày trước rất dũng mãnh, chẳng khác gì con gấu ngựa. Nay hơn 90 tuổi, ổng vẫn còn đi rẫy thăm bò trâu thả rông” - ông Linh cho biết. Buổi chiều hôm ấy, gặp người “huyền thoại” dưới ánh lửa nhập nhòe buổi chạng vạng, ông già Xê Đăng vẫn còn quắc thước. Đăm đăm đôi mắt nhìn về phía rừng già, già A Năng nhớ chuyện mấy mươi năm về trước: “Hồi đó, tao đi rừng mấy ngày không mệt. Chuyện đánh nhau với con gấu ngựa cũng là tranh mật ong thôi. Một lần, ở khu rừng Đăk Trum, tao vạch đám le tìm đến hốc có tổ ong thì thấy con gấu ngựa đang nhai rau ráu ong non và nhộng, hai khóe miệng chảy ra dòng mật vàng ươm. Nghe tiếng động, con gấu ngựa cái quay đầu lại nhìn, thấy tao nó gầm lên một tiếng và xông vào tấn công ngay. Hết đường chạy, tao vun cây rìu lên tiếp chiến. Cuộc chiến không cân sức, bởi người có khỏe đến đâu cũng không thể nào hơn con gấu, tao bị gấu cắn vào bàn chân trái đứt lìa phần ngón chân. Biết chạy cũng không thoát, tao lăn ra nín thở giả vờ chết. Con gấu khịt mũi ngửi rồi bỏ đi, còn tao thì ráng bò về đến bìa rừng, được mấy đứa đi rừng cứu mang về nhà” - A Năng kể bằng giọng Xê Đăng chậm rãi, nói đoạn, ông chỉ bàn chân trái cụt mất mấy ngón, tự hào khoe “dấu tích” một thời oanh liệt.
Vào rừng thăm ong
Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu, anh Trần Thanh Hiếu cười cười, nói dè dặt: “Đang là mùa thăm ong. Em đã liên hệ đồng bào, sáng mai dẫn anh đi rừng. Mà đi có nổi không đó?”. Hiếu bảo, đi khổ vô cùng, tới mấy chục cây số, lội bộ đến xã Măng Bút (huyện Kon Plông, Kon Tum) giáp với Quảng Nam.
Y lời hẹn, sáng hôm sau tôi theo chân anh A Néo ở làng Long Láy vào rừng. Làng này là “chuyên gia” làm tổ cho ong rừng và A Néo là “thầy” của nghề này. Hành trang của A Néo hôm đó gồm gùi đựng bao ni lông, một cây rìu, con dao sắc đeo bên hông, đôi ủng và nắm muối hột. Đoàn chúng tôi còn có A Hiển, bộ đội vừa xuất ngũ và ông Linh. Chúng tôi nhằm hướng rừng Đăk Trum tiến tới. Đến bìa rừng, xe máy để lại và bắt đầu đi bộ. Băng qua mấy ngọn đồi, cuối cùng A Néo dẫn chúng tôi đến hốc ong đầu tiên bên con suối Mô Vông. Hốc tổ ong chừng 0,3 - 0,4m, nằm dọc trên gốc cây cao. A Néo giải thích, đây là lỗ do mình đục ra, sau đó dùng miếng gỗ bít lại, chừa 2 lỗ nhỏ cho ong bay ra bay vào làm mật bên trong. A Néo lấy rìu gõ nhẹ bên ngoài, bầy ong mật bên trong bay túa ra xung quanh. Chỉ vài phút sau, ong ở đâu bay về lũ lượt. “Chúng thông báo cho nhau là có địch đấy” - A Néo nói rồi cạy miếng gỗ bên ngoài tổ ong ra, bên trong ong thợ bâu chi chít ba lớp sáp ong vàng óng. A Néo gỡ hết sáp ong cho vào bao ni lông để sẵn trong gùi và cho biết năm ngoái, lỗ ong này mình lấy gần 5 lít mật.
A Néo dẫn chúng tôi đi loanh quanh rừng Đăk Trum. Có khi chui vào tán rừng mát rượi, có đoạn leo lên đồi cao. Chim rừng đủ loại thi nhau hót. Mắt người đi rừng cũng say sưa với muôn loài hoa khoe sắc. Đến khi thất khiếu trên thân tôi đều… há lỗ thi nhau thở, đôi chân không tin là của mình nữa, tôi tựa bên một gốc cây thì A Néo liền trách: “Ô, chưa hết một quăng dao mà! Rừng Đăk Trum có cả trăm tổ kiểu này, đi mấy quăng dao mới hết”. Dưới gốc một cây xá xị xù xì, A Néo kể rằng, người Xê Đăng đục hốc cây gọi là “đón ong” vào trước Tết Nguyên đán. Người nào giỏi thì mỗi ngày đục vài chục lỗ, còn ít cũng được 4 - 5 lỗ. Gia đình nào nhiều thì mỗi năm được vài trăm lỗ, còn ít cũng được 50 - 70 lỗ kiểu này. “Nhà mình được 300 lỗ ở rừng Đăk Trum, rừng Đăk Bung. Ong vào được gần 100 lỗ là mừng rồi. Đến thời điểm này là đi thăm xem ong có làm mật không”. Theo lời của Néo, lũ ong mật rừng rất khó tính, nên khi đục hốc cho chúng làm tổ, người Xê Đăng chọn cây mà khi đục vào không chảy nhựa, ướt. Hốc tổ phải ở gần suối và miệng tổ phải ngược theo hướng suối chảy. Hốc tổ ong cũng không được ở trên cao, bởi nếu gió nhiều ong cũng không ở. “Có hốc làm kỹ lắm nhưng mấy năm ong không vào, còn có hốc năm nào chúng cũng bay về” - anh nói.
Điều đặc biệt là người Xê Đăng không bao giờ nhầm lẫn tổ ong của mình với người khác. Khi đục hốc cây làm tổ ong, hay phát hiện ong bay vào bộng cây tự nhiên để làm mật, người Xê Đăng lấy cây rừng ghép thành hình chữ thập để ngang hốc cây đó làm dấu. Những người khác khi nhìn dấu này sẽ biết mình là kẻ đến sau. Rừng có quy luật của rừng, người Xê Đăng có luật của mình, luật bất thành văn nhưng trong cộng đồng chẳng ai dám phạm vào… Cứ tháng 1 - 2 đi đục tổ đón ong, tháng 3 - 4 đi thăm ong và tháng 5 - 6 thì lấy mật. Quy luật này được người Xê Đăng duy trì từ lâu, họ lấy mật và nhắc nhở nhau giữ rừng, như gìn giữ một thứ luật tục đã trở thành một “chất keo” kết dính cộng đồng.
Phóng sự của PHẠM ANH