Mười năm cho một bình minh
86 người đàn ông đã lặng nằm nơi biển sâu sau trận bão Chanchu lịch sử vào tháng 5.2006. Mất của, mất tàu có thể chèo chống mà vượt qua. Nhưng mất chồng, mất cha biết cách nào mà thoát...
1.Những buổi mai trên biển. Người phụ nữ đứng lặng giữa bình minh, đợi tàu. Con tàu ấy đã đuổi trôi đến tận chân trời tít tắp. Dẫu biết vậy, nhưng làm sao quên, những tháng ngày tang thương. Kể câu chuyện bằng một cái khoát tay, người phụ nữ trước mắt chúng tôi, Hoàng Thị Nguyệt, nói rằng bây giờ ngồi đây, không nghĩ mình đã trải qua những tháng ngày như vậy. Những tháng ngày sống mà như không, quay mặt vào đâu cũng chỉ thấy toàn cô quạnh, đau đớn. “Sáu đứa con và một mẹ già. Buổi nào ngồi vào mâm cơm, cũng chỉ thấy có mình cựa quậy, có mình nhúc nhích, có mình chồng chất gánh gồng cả gia đình này” - chị Nguyệt nói. Và biết tựa vào ai, khi chung quanh mình, gần như cả ngôi làng Bình Tịnh xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, là những ngôi nhà “không có nóc”, là cảnh đàn bà nước mắt như mưa khóc chồng, khóc con…
Phụ nữ làng Bình Tịnh lại bám biển mưu sinh. Ảnh: TRẦN PHI HÙNG |
Mười năm nhìn lại, vẫn không thể tưởng được, những mất mát lại lớn đến nhường ấy. Mất của, mất tàu, có thể chèo chống mà vượt qua. Nhưng mất chồng, mất người trụ cột, thì biết tìm cách nào mà thoát. Vành khăn tang chít trắng những ngôi làng. 86 người đàn ông, mãi mãi không về. Cái khoảng trống mênh mông họ để lại, đâu chỉ có thương xót, có khó nghèo. Trong câu chuyện tháng 5 mỗi mùa hè, người ở xã Bình Minh lại vuốt nước mắt nhìn nhau, giữa biển cả mênh mông, những thân xác ấy cập vào bến nào? Bà Nguyễn Thị Hoa, một mình trong căn nhà gần ngã tư thôn Bình Tịnh, hương khói cho 4 di ảnh: Chồng, hai con trai và con rể. Từ độ tháng 5 ấy, nhà đã vắng mãi những tiếng cười nói của đàn ông. Một mình bà Hoa xoay xở để nuôi con, nuôi cháu. Trọn mười năm, con cháu ra riêng, chỉ còn bà vò võ trong căn nhà nhỏ. Hơn 80 người phụ nữ làng biển, chung nhau nỗi nhớ, nỗi đau.
Ông Trần Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, người của 10 năm trước trực tiếp đi nhận xác của 7 ngư dân, vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhớ về chuyện cũ. Có lẽ trong cuộc đời mình, chưa bao giờ ông trải qua một cuộc đi “công vụ” mà dằng dặc như thuở ấy. Mang về 7 chiếc quan tài. Gói ghém trong một đêm cầu siêu và những ngày xây mộ gió. Nhiều ngày sau này, là những “cơn bão” khác. Và những người dân Bình Minh khi ấy, đã cố gồng sức, để tự mình vực mình đứng lên.
Ngóng tàu... Ảnh: LÊ QUÂN |
2.Bão biển Chanchu kéo những người đàn ông làng biển nằm mãi ngoài khơi; thì trong những ngôi làng bãi ngang, cơn bão khác ập đến với người ở lại. Lê Thánh Nhân, cậu con trai thứ 2 của ngư dân xấu số Lê Thánh Hoàng, vẫn nhớ như in ngày “thảm họa” 18.5.2006. Ba của em, sau lời hứa trở về từ chuyến biển sẽ sửa xe đạp cho em đến trường, đã vĩnh viễn đi xa. Năm chị em lúc đó bơ vơ, côi cút và nhọc nhằn với từng bữa cơm, giấc ngủ. Không lâu sau, mẹ cũng bỏ 5 em mà đi, với chứng bệnh tâm thần đã có từ trước. Khoảng thời gian đó, tưởng chừng nếu có thể, thì 5 anh em sẽ ôm nhau mà ngủ một giấc không thức dậy. Nhưng bà nội ở bên, với đôi mắt đục ngầu, đã khóc lóc, van lơn để 5 anh em “sống”. “Và sống cho cả cuộc đời của cha, của mẹ”, Sa - chị gái đầu của Hoàng nói. Những cơn bão trên đất liền, coi vậy mà dai dẳng hơn những cơn bão ngoài khơi xa…
Chanchu là cơn bão đầu tiên vào Biển Đông vào tháng 5.2006. Do việc dự báo quá ngắn (chỉ trong 24 giờ) và chỉ chú trọng tới khu vực gần bờ mà hàng chục tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở bắc Biển Đông không kịp di chuyển khỏi tâm bão. Hậu quả 266 ngư dân thiệt mạng, trong đó chỉ 20 người tìm thấy thi thể. Quảng Nam có nhiều ngư dân thiệt mạng nhất với gần 160, trong đó nặng nề nhất là xã Bình Minh, huyện Thăng Bình với 86 người. 20 gia đình có 2 - 3 người bị nạn. |
Và trong những “căn nhà không nóc” của “xóm Chanchu”, bão lòng trở dậy thường hằng hơn, trong giấc trưa, giấc tối. Những phụ nữ không chồng, ngày ngày nhìn nhau nước mắt ngắn dài, nhưng khóc để mạnh mẽ hơn, mà nuôi con thơ, mẹ già. Chị Nguyệt nói, anh Trần Viết Hùng - chồng chị, chắc ra đi mà lòng còn day dứt lắm, bởi đứa con thứ 6 nhỏ nhất, mới chỉ 6 tháng. Rồi mẹ già, đã 70 mùa trôi, ai chăm lo. Nghĩ vậy mà không để cuộc đời quật mình ngã lịm, dù có sống cuộc đời trần ai thế nào đi nữa. Một hai giờ sáng đã vội khăn áo ra biển, giành giật từng con cá, trưa nắng rát mặt vẫn chạy kiếm đồng lời từ buôn bán rau, chín mười giờ đêm chưa chạm ngõ nhà.
3.Mười năm. 135 đứa trẻ mồ côi cha đã bước qua nỗi đau để trưởng thành. Năm anh em của Lê Thánh Nhân, bây giờ đã có công việc ổn định. Nhân kể, sau khi được một mạnh thường quân từ TP.Hồ Chí Minh nhận 4 chị em về chăm sóc và cho ăn học, các em đã nỗ lực hết mình. Còn cậu em út, bây giờ đã 10 tuổi, đang là học sinh giỏi của Trường Tiểu học Bình Minh. Bản thân Nhân, bây giờ đang công tác tại một trường học quốc tế của TP.Hồ Chí Minh và có thể giao tiếp với người nước ngoài rất dễ dàng. Gần như những em học sinh có cha tử nạn trong trận bão Chanchu đều nỗ lực học tập hết sức mình. Ông Nguyễn Văn Tám, phụ trách công tác khuyến học của xã Bình Minh, cho biết, hầu như 135 con em của 86 nạn chân Chanchu đều có ý thức học tập rất cao, những em trưởng thành thì đều tu chí làm ăn.
Với gia đình chị Hoàng Thị Nguyệt, một mình vật lộn với gánh hàng rong để nuôi 6 đứa con đến trường, cũng đã được đền đáp. Người con trai cả là Trần Viết Phương, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế có một công việc ổn định và bắt đầu góp sức cùng mẹ chăm những đứa em. Người con gái thứ 2 của chị, Trần Thị Yến, đã tìm được suất học bổng và sang Nhật học được 2 năm nay. Hai người em kế của Yến đang theo học cao đẳng tại TP.Đà Nẵng. Còn hai em đang học cấp 2 và 1 tại xã Bình Minh thì luôn đạt thành tích xuất sắc. Chị Nguyệt nói, bây giờ, chị đã thỏa mãn với lương tâm của mình, đã thấy những trần ai của mình được đền đáp xứng đáng.
Và không chỉ có vậy. Những đứa con Chanchu, dẫu biết hiểm nguy bão tố, vẫn quyết dong thuyền ra khơi, theo nghiệp của cha ông mình. Bằng nỗ lực của những người dân làng biển, cộng với sự trợ lực của xã hội, Bình Minh đã có những con tàu đánh bắt lớn, với công suất lên đến 1.000CV. Ông Trần Công Bảy cho biết, hiện xã Bình Minh có đội tàu đánh bắt xa bờ rất lớn, với 4 tàu vỏ thép, 147 tàu thuyền vỏ gỗ, trong đó tàu có công suất 90CV đến 1.000CV là 91 chiếc.
Sau bão, họ lại ra khơi. Như sau những buồn đau, họ vẫn phải sống. Và sống, ngang ngửa tựa gió biển, mạnh mẽ, quyết liệt…
Ghi chép LÊ QUÂN - DƯƠNG NGUYỄN